"Công nghệ", "tự động hóa" là những cụm từ được quan tâm nhất hiện tại. Chúng hàm ý rằng: Thị trường lao động trong tương lai sẽ khác xa những gì ta đang có.
Có nhiều việc làm mới được ra đời từ cuộc cách mạng công nghệ
Theo dự báo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Tri thức trẻ đưa tin, trong 4 năm tới, 75 triệu việc làm sẽ bị thay thế và 133 triệu việc làm mới được tạo ra trên toàn cầu - kết quả từ những phát triển về công nghệ. Và một nơi được dự báo sẽ có sự chuyển đổi đó lớn nhất là Đông Nam Á.
Để bắt kịp xu hướng thay đổi, WEF dự báo Đông Nam Á sẽ chuyển đổi từ ngành nghề nông nghiệp sang dịch vụ trong vài năm tới - điều mà hầu hết nền kinh tế phát triển tốn hàng thập kỷ để thực hiện.
Sự chuyển đổi này có thể dẫn tới sự biến mất của 28 triệu việc làm toàn thời gian tại 6 nền kinh tế hàng đầu trong khu vực trong thập kỷ tới, theo một báo cáo mới từ hãng nghiên cứu Oxford Economics và hãng công nghệ Mỹ Cisco. Con số này tương đương 10% tổng lực lượng lao động của Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Tất nhiên, trong cuộc chuyển đổi đó, nhiều việc làm mới sẽ ra đời tại những ngành đang phát triển. Tuy nhiên, nó cũng khiến 6,6 triệu người mất việc làm do thiếu các kỹ năng cần thiết để chuyển sang các vị trí khác.
Theo VnEconomy, các ngành được dự báo có nhiều cơ hội việc làm nhất trong thập kỷ tới là những ngành khai thác sự giàu có đang lên của khu vực và nhu cầu sản phẩm, trải nghiệm của người dân tại đây, báo cáo trên chỉ ra.
Cụ thể hơn, những ngành này gồm bán lẻ, sản xuất, xây dựng và vận tải. Các lĩnh vực như công nghệ thông tin (IT), tài chính, nghệ thuật, cũng sẽ có nhiều cơ hội, theo báo cáo trên.
Do phần lớn những ngành này đều cần nhiều kỹ năng và thường xuyên tiếp xúc khách hàng, Menon cho biết người lao động muốn tận dụng cơ hội mới nên tìm cách bổ sung các kỹ năng mới từ bây giờ. Họ nên kết hợp hợp giữa đào tạo chuyên môn và kỹ năng mềm như giao tiếp, tư duy phản biện, ông chỉ ra.
Bên cạnh đó, những ngành bị mất nhiều việc làm nhất là những ngành đòi hỏi kỹ năng thấp và chịu ảnh hưởng của công nghệ tự động hóa, báo cáo trên cho biết. Đây chủ yếu là những công việc đòi hỏi nhiều sức lao động như vệ sinh, điều khiển máy, lao động thương mại.
Người lao động Đông Nam Á hứng chịu nhiều khó khăn
Zing.vn thông tin thêm, theo WEF, dù sự chuyển dịch từng xảy ra trên toàn cầu nhưng nó sẽ đặc biệt khó khăn hơn với người lao động Đông Nam Á. Nguyên nhân là khu vực này phần lớn vẫn tập trung vào sản xuất nông nghiệp, đây là hoat động kinh tế chính của họ từ lâu đời.
Theo thống kê, nông nghiệp hiện cung cấp tới 76 triệu việc làm tại 6 quốc gia có nền kinh tế hàng đầu ASEAN. Trong đó, 1/3 công việc lại mang tính chất lặp đi lặp lại, dễ bị thay thế bởi công nghệ tự động hóa.
Chủ tịch hãng công nghệ Cisco cho rằng sự thay đổi lớn này sẽ tạo ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp lẫn nhân viên. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý có nhiều lý do để lạc quan hơn.
“Kết quả của sự thay đổi này là người lao động ASEAN sẽ được giao những nhiệm vụ có giá trị cao hơn và sẽ hài lòng hơn về cuộc sống so với hiện nay. Đồng thời, điều này cũng giúp duy trì sự tăng trưởng dài hơn cho khu vực, nơi có một số nền kinh tế thuộc diện phát triển nhanh trên thế giới”, ông Naveen Menon khẳng định.
7,5 triệu lao động Việt Nam mất việc vì công nghệ tự động hóa
Theo Tri thức trẻ, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 2 về mức độ ảnh hưởng của công nghệ và tự động hóa thay thế lao động. Theo dự báo, trong vòng 10 năm tới sẽ có tới 7,5 triệu người, tương đương 13,8% lao động Việt Nam mất việc vì công nghệ tự động hóa.
Theo số liệu từ Tổng cục thống kê, sơ bộ năm 2017, số lượng lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp đang là 5,25 triệu người, chiếm gần 10% tổng số lao động. Lao động làm việc trong các ngành nghề giản đơn lên tới gần 20 triệu người, lên tới hơn 37%.
Trong khi đó số lượng lao động có chuyên môn kỹ thuật bậc trung và bậc cao tổng số chỉ có 5,624 triệu người, chỉ chiếm hơn 10% lực lượng lao động.
Qua đó có thể thấy Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng vô cùng lớn từ cuộc cách mạng khoa học công nghệ tự động hóa. Cần phải nhanh chóng nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật cho người lao động, đồng thời dịch chuyển cơ cấu lao động sang các lĩnh vực khó bị thay thế hơn.
Phong Linh (tổng hợp)