Tranh luận về tăng giờ làm thêm
Ngày hôm nay (23/10), Quốc hội thảo luận về Bộ luật Lao động (Sửa đổi), đã có gần 100 ý kiến của các đại biểu đóng góp về Bộ luật này. Phần đa, các đại biểu tập trung sự quan tâm đến việc thay đổi giờ làm. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin báo cáo đề xuất 02 phương án để Quốc hội xem xét, cho ý kiến:
Phương án 1: Quy định theo hướng giữ khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa như Bộ luật hiện hành, nhưng cần ghi rõ nâng thời giờ làm thêm theo tháng là 40 giờ/tháng thay vì 30 giờ/tháng và bổ sung quy định cụ thể về các trường hợp được tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ/năm để người lao động biết, làm cơ sở cho việc giám sát tuân thủ, bảo vệ được quyền lợi, sức khỏe của người lao động.
Phương án 2: Nâng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa từ 300 giờ theo quy định hiện hành lên 400 giờ/năm theo đề xuất của Chính phủ. Quy định theo phương án này không khống chế thời gian làm thêm giờ theo tháng, nhưng Chính phủ phải tiếp tục nghiên cứu các kiến nghị của đại biểu Quốc hội, chuẩn bị danh mục cụ thể các ngành, nghề được mở rộng khung làm thêm từ trên 300 giờ đến 400 giờ, đánh giá tác động và bổ sung quy định trả lương lũy tiến làm thêm giờ kể từ giờ thứ 201 hoặc từ giờ thứ 301 trở đi và trình Quốc hội dự thảo Nghị định chi tiết.
Đại biểu Nguyễn Hồng Vân, đoàn Phú Yên, bày tỏ sự đồng tình với phương án 2. Tuy nhiên, không quy định thời gian làm thêm giờ theo tháng, bởi vì có thể có những doanh nghiệp, đơn vị những mùa vụ cần phải tập trung để làm thêm giờ.
Cũng theo bà Vân, cần phải quy định danh mục nghề được mở rộng khung làm thêm giờ từ 300 giờ lên 400 giờ. Quy định việc trả lương luỹ tiến từ giờ 201 hoặc 301 trở lên để đảm bảo thu nhập thêm cho người lao động.
Nữ đại biểu nêu ví dụ: “Ở một ngành nghề tương đối đặc thù, đó là ngành y tế. Ở một số địa phương lực lượng y, bác sĩ thiếu, chính vì vậy họ phải trực đêm thì ngày hôm sau được nghỉ bù. Tuy nhiên, do thiếu bác sĩ, do thiếu lực lượng nên ngày hôm sau họ phải làm thêm. Như vậy, số giờ làm thêm của họ trong năm sẽ vượt qua 300 giờ và họ chỉ được tính 300 giờ. Chính vì điều đó dẫn đến một trong những nguyên nhân mà một số y bác sĩ ở bệnh viện công lập bỏ ra ngoài làm. Tôi cho rằng cần phải có quy định cho các đối tượng cụ thể, ngay cả các đơn vị sự nghiệp, không nhất thiết là công nhân lao động. Việc làm thêm giờ cần quy định theo nhóm đối tượng cụ thể”.
Tuy nhiên, lại có đại biểu cho rằng, việc tăng giờ làm là không đúng với xu thế của thế giới. Đại biểu Trương Thị Bích Hạnh, đoàn Bình Dương nêu quan điểm về việc cần giảm giờ làm trong tuần: “Giảm giờ làm trong tuần không chỉ đảm bảo cho người lao động có thêm thời gian nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động, cân bằng giữa công việc và gia đình, cải thiện chất lượng cuộc sống mà còn bình đẳng với khu vực nhà nước. Việt Nam đã thực hiện chế độ tuần làm việc 40 giờ từ năm 1999 đối với khu vực nhà nước.
Trong 20 năm qua, quy định này đã tạo ra khoảng cách và sự phân biệt khá lớn giữa người làm công ăn lương trong khu vực nhà nước và người lao động trong khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước. Tại các buổi tiếp xúc cử tri đại đa số công nhân lao động tỉnh Bình Dương đã đề nghị giảm thời giờ làm việc trong tuần bằng khu vực nhà nước hoặc tối đa là 44 giờ trong tuần. Rất nhiều công nhân lao động đã gửi gắm và đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chuyển tải tiếng nói nguyện vọng của người lao động đến Quốc hội tại kỳ họp này”.
Nói đến đây, bà Hạnh dẫn một câu hỏi của công nhân tại tỉnh Bình Dương gửi tới Quốc hội: “Chúng tôi không có thời gian, kiến thức để nghiên cứu lý do, chúng tôi chỉ không hiểu vì sao phải làm việc ngày thứ Bảy trong khi các cô giáo thì được nghỉ và con chúng tôi không biết gửi cho ai?”.
Giảm giờ làm sẽ giảm tốc độ phát triển kinh tế
Cuối giờ làm việc buổi chiều, Bộ trưởng bộ Lao động Thương binh & Xã hội Đào Ngọc Dung đã có ý kiến tiếp thu các đóng góp của đại biểu. Theo ông Dung, đây là vấn đề lớn có tác động đến tất cả các chủ thể liên quan, như đối với người lao động, người sử dụng lao động, doanh nghiệp và đối với nhà nước; có tác động lớn tới việc tăng trưởng kinh tế, ngân sách và nền kinh tế, do đó cần phải nghiên cứu, đánh giá và lượng toán rất cụ thể.
Hiện nay, luật pháp hiện hành quy định thời gian làm việc bình thường là 48 giờ/tuần. Trong luật cũng quy định khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng lao động phải thực hiện 40 giờ/tuần. Theo báo cáo đánh giá thì hiện nay có 86,9% doanh nghiệp đang thực hiện 48 giờ; có 3,6% đang thực hiện 44 giờ; 6,8% đang thực hiện 40 giờ.
Ông Dung đưa ra lý do của việc không giảm giờ làm bình thường bằng cách đưa ra kinh nghiệm của các nước trong khu vực: “Trong 10 nước ASEAN thì 8/10 nước bố trí 48 giờ (trong đó có Việt Nam), chỉ có hai nước là Singapore và Indonesia bố trí thấp hơn do có đặc thù khác như dân số và thu nhập bình quân đầu người”.
Nói về đề xuất giảm giờ làm bình thường từ 48 giờ xuống 44 giờ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói: “Chúng tôi đã có nghiên cứu và đánh giá sơ bộ cho thấy, nếu chúng ta giảm từ 48 giờ xuống còn 44 giờ/tuần như một số ý kiến đại biểu nêu mà Chính phủ chưa trình, thì tổng thời gian giảm đi là 208 giờ. Nếu giảm như phương án trên, tổng chi phí lao động của chúng ta sẽ tăng 17%, tổng giá trị xuất khẩu sẽ giảm đi khoảng 20 tỷ USD mỗi năm và đặc biệt là tốc độ tăng trưởng kinh tế của chúng ta sẽ giảm đi 0,5%”.
“Chúng ta là một quốc gia đang nỗ lực để tránh rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Muốn như vậy thì các chuyên gia dự báo là chúng ta phải duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 7%. Chính vì vậy, chúng tôi cho rằng việc giảm giờ làm bình thường là vấn đề rất lớn, rất hệ trọng của quốc gia, cần phải có đánh giá một cách rất kỹ lưỡng. Do đó, đề nghị Quốc hội giao cho Chính phủ nghiên cứu để giảm giờ làm việc bình thường ở thời điểm thích hợp”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh
Xem thêm Clip: ĐBQH bật khóc khi tranh luận về giảm giờ làm thêm:
Công Luân - Hoa Liên