Hôn nhân cùng giới tại Việt Nam
Ngày 22/12/2021, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (ISEE) và Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) tổ chức buổi Công bố kết quả nghiên cứu “Đánh giá tác động kinh tế của chính sách về hôn nhân cùng giới tại Việt Nam".
Phát biểu tại đây, ông Lương Thế Huy – Viện trưởng Viện nghiên cứu ISEE cho biết, đây là nghiên cứu đầu tiên tại Việt Nam để nghiên cứu về vấn đề hôn nhân của người cùng giới nói riêng và vấn đề của người LGBT (tức người đồng tính-song tính-chuyển giới) dưới góc độ tác động kinh tế của chính sách về hôn nhân cùng giới tại Việt Nam.
“Vì đây là việc nghiên cứu rất mới trong bối cảnh này, thông tin về người LGBT đang ngày càng trở nên cần thiết trong quá trình lập pháp cũng như là thực thi chính sách, nên cách tiếp cận nghiên cứu phải tổng quan”, ông Huy phát biểu.
Theo ước lượng của nhóm nghiên cứu, số LGBT tại Việt Nam chiếm từ 9% đến 11% tổng dân số. Cùng với sự phát triển của xã hội Việt Nam, LGBT ngày càng được nhìn nhận như những thành viên tự nhiên, bình đẳng và đầy đủ của xã hội. Sự hội nhập của nhóm người này có thể được nhìn nhận như một phần tất yếu và tự nhiên trong sự phát triển văn hoá – đạo đức của xã hội Việt Nam.
Tuy nhiên, sự hội nhập này cũng không phải là không gặp trở ngại. LGBT, như một nhóm thiểu số về bản dạng giới và xu hướng tính dục, luôn phải đối mặt với nguy cơ phân biệt đối xử trong tương tác xã hội, giáo dục, việc làm.
Bên cạnh đó, những quyền cơ bản của họ vẫn chưa được công nhận, cụ thể là quyền được kết hôn cùng giới và các quyền khác thuộc chế định hôn nhân như quyền giám hộ, thừa kế, đại diện theo pháp luật, cho nhận con nuôi, công nhận con chung, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo,…
Việc công nhận những quyền này cho LGBT là một cơ sở quan trọng không chỉ cho quá trình hội nhập xã hội của nhóm người này mà còn cho sự phát triển văn hoá – kinh tế – xã hội nói chung của Việt Nam.
Tác động của việc công nhận hôn nhân đồng giới tại Việt Nam có thể được nhìn nhận là đáng kể, đa chiều và được thụ hưởng bởi toàn bộ xã hội chứ không riêng nhóm LGBT.
Những tác động của việc công nhận hôn nhân cùng giới tại Việt Nam có thể đạt được là: Gia tăng quyền cho người LGBT. Cụ thể, theo định nghĩa, việc công nhận hôn nhân đồng giới làm gia tăng quyền cho nhóm người LGBT, từ đó gia tăng phúc lợi và phạm vi ra quyết định của họ.
Những tác động khác đạt được như: Giảm căng thẳng thiểu số; Giảm tình trạng kết hôn không phù hợp xu hướng tính dục; Góp phẩn củng cố chế độ hôn nhân gia đình của Việt Nam và thành tựu bình đẳng giới; Góp phần giải quyết các vấn đề về dân số; Cải thiện chất lượng hoạt động của doanh nghiệp và hoạt động kinh doanh, sản xuất; Tăng năng suất lao động cho người LGBT; Gia tăng doanh thu cho các ngành công nghiệp đã có; Là cơ sở cho sự ra đời của “khu vực kinh tế LGBT”; Cải thiện kết quả cạnh tranh quốc gia; Cải thiện năng suất lao động cho toàn xã hội…
Thừa nhận người LGBT là đối tượng đầy đủ của luật pháp và thiết chế xã hội
Dưới góc độ là một người nghiên cứu và giảng dạy pháp luật và tìm hiểu sâu sắc về các Công ước Quốc tế liên quan đến quyền con người, PGS.TS Phùng Trung Tập – công tác tại trường Đại học Luật Hà Nội nhận định đây là vấn đề khoa học. Bản thân ông rất ủng hộ quan hệ hôn nhân đồng giới tính.
“Về tính triết lý, vấn đề nhận thức thế giới về nhân loại và tiềm ẩn trong con người chúng ta do tạo hóa, bản thân những người có đặc tính này không phải lỗi của họ mà chiếm một bộ phận trong thế giới của nhân loại. Như vậy chúng ta phải có một chính sách bảo vệ họ, đã đến lúc chúng ta bảo vệ họ” – đó là nhấn mạnh của PGS.TS Phùng Trung Tập.
Cũng theo quan điểm của PGS.TS Phùng Trung Tập, việc này liên quan đến điều kiện phát triển kinh tế, điều kiện phát triển xã hội, điều kiện phát triển khoa học công nghệ và giao lưu giữa các quốc gia, mở rộng sự hiểu biết về mọi mặt của thế giới này.
Theo ước tính của báo cáo, việc hợp thức hoá hôn nhân cùng giới có thể mang lại cho Việt Nam từ 1,65% đến 4,36% gia tăng trong GDP mỗi năm so với trường hợp không công nhận. Trong ngắn và trung hạn, tỉ lệ gia tăng này có thể được dàn trải trong khoản 10 năm, vì người LGBT cần có thời gian để hồi phục những chấn thương tâm lý, xã hội Việt Nam cũng cần có thời gian để đưa ra thay đổi phù hợp.
Vậy, tỉ lệ gia tăng bình quân GDP được mang lại bởi việc công nhận hôn nhân cùng giới trong ngắn hạn là từ 0,17% đến 0,44% một năm.
Nhóm nghiên cứu cũng ước lượng việc công nhận hôn nhân cùng giới cũng mang lại cho các ngành công nghiệp có liên quan đến tổ chức tiệc cưới và xây dựng gia đình gia tăng trong doanh thu từ 5,26% đến 4,36% so với trường hợp không công nhận. Việc công nhận hôn nhân đồng giới cũng giúp Việt Nam tiết kiệm được mỗi năm từ 13 triệu USD đến 71 triệu USD chi phí phát sinh từ những thiệt hại đến từ các rối loạn tâm lý (rối loạn trầm cảm và rối loạn lo âu) do vị thế thiểu số của người LGBT.
Từ đó, nhóm nghiên cứu đề xuất chính sách: Triển khai chương trình thay đổi nhận thức ở cấp toàn quốc về sự thừa nhận người LGBT trong sự đa dạng của tồn tại con người và xã hội, là đối tượng đầy đủ của luật pháp và thiết chế xã hội.
Tiếp đến, điều chỉnh luật pháp để công nhận hôn nhân cùng giới với đầy đủ quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật như hôn nhân khác giới. Phấn đấu để Việt Nam là quốc gia đầu tiên tại Đông Nam Á và thứ hai tại Châu Á công nhận hôn nhân cùng giới.
Hoàn thiện hoá quy định pháp luật về việc sử dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, cho phép hình thức mang thai hộ có hiến tặng trứng hoặc tinh trùng và hiến tặng trứng hoặc tinh trùng nhưng không có mang thai hộ.
Ban hành luật chống phân biệt đối xử trên cơ sở bản dạng giới và xu hướng tính dục trong gia đình, nhà trường, nơi làm việc. Giới thiệu nội dung giáo dục về người LGBT vào chương trình học phổ thông dưới hình thức chính khoá hoặc ngoại khoá.
Tuyên truyền, giáo dục hướng đến toàn bộ xã hội, nhấn mạnh thông điệp rằng người LGBT là những thành viên bình đẳng, đầy đủ của xã hội.
Xây dựng sổ tay hướng dẫn xây dựng chính sách hỗ trợ và bầu không khí thân thiện đối với người LGBT cho các doanh nghiệp.