“Mỗi năm vợ chồng tôi chỉ để ra được khoảng 70 triệu đồng. Nhưng với tình hình giá nhà ở xã hội tăng cao như thế thì tới 10 năm nữa vợ chồng tôi cũng không thể sở hữu căn nhà của riêng mình”, chị Quyên là công nhân tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long chia sẻ.
Người dân muốn mua được một căn hộ thuộc các dự án nhà ở xã hội phải qua khâu xét duyệt hồ sơ nghiêm ngặt. Tuy nhiên, chính sự khan hiếm nguồn cung và giá rẻ đang khiến nhà ở xã hội từ một sản phẩm chính sách được "cò mồi" biến thành món hàng kiếm lời.
Thời gian qua, trên một số trang mạng xã hội, trang tin bất động sản, đã có những cá nhân rầm rộ chào bán, nhận tư vấn hồ sơ, đặt mua căn hộ khi chưa đủ điều kiện nhận hồ sơ theo quy định. Trong khi đó nhà ở xã hội là sản phẩm nhà ở được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước chỉ dành cho người có thu nhập thấp, gia đình chính sách…
Giá NOXH tăng gần gấp đôi sau một năm
Trên một trang web về bất động sản đã có những thông tin đăng tải về việc chuyển nhượng căn hộ, chính chủ bán lại căn hộ dự án nhà ở xã hội CT4 Kim Chung, huyện Đông Anh, Tp.Hà Nội.
Liên hệ tới số điện thoại đăng tải theo thông tin rao bán căn hộ nhà ở xã hội CT4 Kim Chung trên website, PV Người Đưa Tin nhận được tư vấn của một cá nhân tên là Thế Anh. Trong lời tư vấn, người này cho biết đang bán lại nhà hộ anh trai vì mua nhà nhưng không có nhu cầu ở. Căn này đã được tất toán với chủ đầu tư và bây giờ bán lại chênh giá.
Căn hộ được rao bán đã được hoàn thiện nội thất cơ bản bao gồm gạch lát nền, trần và tường, thiết bị nhà vệ sinh, kệ tivi, tủ bếp, tủ quần áo, máy giặt và tủ lạnh. Theo người bán thì căn hộ này có 3 phòng ngủ với diện tích 63m2 và có giá 1,5 tỷ đồng (23,5 triệu/m2) bao gồm thuế phí và phí bảo trì.
Cũng đang rao bán căn hộ dự án nhà ở xã hội CT4 Kim Chung trên, trong phần thông tin mô tả của cá nhân tên Thu có nói tới việc hỗ trợ vay ngân hàng 700 triệu đồng. Nhưng khi được hỏi thì người này nói “ghi nhầm", khách hàng muốn mua thì phải trả toàn bộ tiền nhà trị giá 1,5 tỷ đồng (24 triệu/m2 với diện tích 61,85m2).
Người này cho biết đang là nhân viên một công ty bất động sản, căn này công ty đã tất toán nên không thể hỗ trợ vay vốn ngân hàng. Nếu người mua muốn sở hữu căn hộ thì làm đơn xin cấp hỗ trợ cho vay mua nhà ở xã hội với gói tài chính 15.000 tỷ đồng hỗ trợ cho đối tượng thuê, mua nhà ở vay với lãi suất thấp.
Thế nhưng qua lời chia sẻ của chị Trần Thị Thảo là công nhân tại khu công nghiệp Thăng Long, chị Thảo cho biết chị đã mua căn hộ 62m2 cũng tại dự án CT4 Kim Chung từ những ngày đầu mở bán theo chính sách nhà ở xã hội chỉ với giá 831 triệu đồng (13,4 triệu/m2), đã bao gồm thuế phí.
Như vậy kể từ tháng 12/2021 tới hiện tại thì giá nhà ở xã hội tại CT4 Kim Chung đã tăng khoảng 10 triệu/m2, gần gấp đôi với giá ban đầu chủ đầu tư mở bán.
10 năm nữa cũng khó có căn nhà cho riêng mình
Chị Trần Ngọc Quyên 38 tuổi, là công nhân sản xuất mô-tơ rung cho máy ảnh, máy chiếu tại một công ty ở khu công nghiệp Thăng Long, cho biết năm 23 tuổi, chị rời quê hương Thái Bình lên Tp.Hà Nội lập nghiệp. Sau bao năm, chị Quyên luôn khao khát có được một căn nhà ở Tp.Hà Nội để ổn định cuộc sống.
Chị Quyên chia sẻ: “Thu nhập của tôi và chồng khoảng 16 triệu đồng/tháng. Với số tiền này, nếu trừ tiền thuê trọ, sinh hoạt hằng ngày, chi phí con đi học thì hằng tháng vợ chồng tôi còn dư khoảng 6 triệu đồng. Cứ như vậy thì mỗi năm vợ chồng tôi chỉ để ra được khoảng 70 triệu đồng. Nhưng với tình hình giá nhà ở xã hội tăng cao như thế thì tới 10 năm nữa vợ chồng tôi cũng không thể sở hữu căn nhà của riêng mình”.
“Trước đây, tôi nghe thông tin sẽ có hàng trăm căn nhà ở xã hội với giá chỉ từ 500 triệu đến 950 triệu đồng. Nếu đúng vậy, tôi rất mừng và kỳ vọng vào một ngày mình sẽ có nhà ở Tp.Hà Nội” chị nói.
Cùng hoàn cảnh, anh Nguyễn Tùng Lâm 29 tuổi là nhân viên tại một công ty sản xuất phụ tùng trong khu công nghiệp Thăng Long cũng cho rằng việc những nhà ở xã hội với giá phải chăng sẽ giúp cho nhiều người lao động có thu nhập thấp sở hữu căn nhà của riêng mình. Anh mong muốn sẽ có nhiều doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội cùng với những chính sách ưu đãi sẽ giúp người lao động như mình có hy vọng về nơi an cư lạc nghiệp, không phải đi thuê trọ hằng tháng.
Để NOXH thực sự đến tay người dân
Trao đổi với Người Đưa Tin, Giáo sư Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết cần tập trung xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân tại các khu công nghiệp bởi có thể quản lý được thu nhập, biết được đời sống và hiện trạng của họ rõ nhất thay vì tập trung vào phân khúc người lao động có thu nhập thấp.
Để nhà ở xã hội thực sự đến với công nhân thì ông khuyến nghị Nhà nước cần động viên các chủ doanh nghiệp, có thể giảm giá hơn nữa, tạo điều kiện cho họ sở hữu căn nhà của mình. Ngoài ra, Nhà nước và các công ty tại các khu công nghiệp nên có các chính sách hỗ trợ tài chính cho công nhân.
Bên cạnh đó, theo GS Đặng Hùng Võ, nhà ở thương mại giá rẻ mới là giải pháp cốt yếu. Bởi nhà ở xã hội dùng ngân sách Nhà nước, trong khi đó ngân sách không nhiều để hỗ trợ từ những người có thu nhập thấp mà chỉ có thể là công nhân các khu công nghiệp, nhà máy.
Giáo sư Đặng Hùng Võ nói, trên thực tế quy định về mua nhà ở xã hội quá chặt, làm đơn nhưng có khả thi hay không lại là câu chuyện lớn nên mới xảy ra tình trạng chuyển nhượng như hiện nay. Để giải quyết vấn đề đó thì ở khoản 4 Điều 62 Luật Nhà ở 2014 quy định bên thuê mua, bên mua nhà ở xã hội không được bán lại nhà ở trong thời hạn tối thiểu là 05 năm, kể từ thời điểm thanh toán hết tiền thuê mua, tiền mua nhà ở.
Trong buổi chất vấn Bộ Xây dựng chiều 3/11, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết về giải pháp trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ cùng với các cơ quan bộ, ngành tiếp tục tập trung quan tâm để rà soát trong các quy định của pháp luật để đảm bảo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển nhà trọ.
"Thời gian tới, chúng tôi sẽ hoàn thiện hệ thống pháp luật, tháo gỡ vướng mắc tạo điều kiện nhằm tăng nguồn cung nhà ở xã hội. Các cơ quan sẽ tập trung triển khai đề án phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp, công nhân", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu tại phiên chất vấn vào ngày 3/11 vừa qua.
Tú Anh