“Giảm giá cũng không ai thuê”
Dọc theo con hẻm 58 đường số 5, phường Tân Tạo, quận Bình Tân, nơi được mệnh danh là thủ phủ nhà trọ ở Tp.HCM, bầu không khí ảm đạm bao trùm cả khu trọ. Thỉnh thoảng, một vài chủ trọ với gương mặt ủ rũ lại mang tấm biển “Cho thuê phòng trọ” ra treo trước nhà.
Trao đổi với Pháp luật Tp.HCM, bà Trần Thị Thuật (90 tuổi) cho biết, dãy trọ của bà Thuật có 42 phòng, giá mỗi phòng dao động 800.000-900.000 đồng/tháng nhưng hiện có trên 10 phòng trống.
“Hơn 20 năm kinh doanh nhà trọ, đây là lần đầu tiên gia đình tôi gặp tình trạng như thế này. Lúc trước, khách thuê đông lắm, nhiều người phải đặt cọc trước để giữ chỗ. Còn bây giờ có giảm giá cũng không ai thuê”, bà Thuật buồn bã kể.
Tiệm tạp hóa nhỏ của bà trước đây công nhân thường xuyên lui tới mua thực phẩm. Bây giờ người ít, chi tiêu thắt chặt, sáng giờ bà chỉ bán được hai quả trứng với mấy ngàn nước đá. Danh sách những người mua nợ ghi chật cuốn sổ, trong đó có những người bà không còn nhớ mặt.
“Kinh doanh ế ẩm mà tháng nào cũng chi tiền sửa chữa, bảo dưỡng phòng trọ, tiền thuế, tiền lãi ngân hàng… Cứ mãi thế này thì các chủ trọ sống dở chết dở”, bà Thuật chép miệng.
Còn bà Nguyễn Thị Tám (53 tuổi) ở gần đó có 20 phòng cho thuê nhưng có đến chín phòng trống. Hôm qua, nhà trọ của bà vừa có thêm hai công nhân trả phòng trọ, về quê.
Theo bà Tám, ngày trước không ít người đua nhau vay tiền mở nhà trọ, kinh doanh chưa được bao lâu thì gặp đại dịch Covid-19 rồi đến đợt cắt giảm công nhân. Có nhiều người ở đây hơn chục năm vẫn trả phòng trọ, về quê hoặc đi nơi khác mưu sinh. Bây giờ nhiều chủ trọ rao bán cả khu trọ, giảm nửa giá cũng không ai mua.
Tương tự tình trạng của các chủ trọ ở quận Bình Tân, Tp.HCM, Khu đất nhà bà Hoắc Thị Nguyệt (ở xã Quang Châu, Bắc Giang) khá gần với các nhà máy, xí nghiệp sản xuất tại khu công nghiệp đóng trên địa bàn, tuy nhiên từ đầu năm 2023 đến nay, công nhân đến thuê phòng trọ không còn tấp nập như trước.
Chia sẻ với Dân Trí, bà Nguyệt cho biết, nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng vì tình trạng giảm đơn hàng, sản xuất đình trệ, công nhân ít việc. Không ít người lao động phải di chuyển, tìm đến khu vực nhiều việc hơn để có thể trang trải cuộc sống ở nơi đất khách quê người.
Những ngày qua, bà Nguyệt liên tục kiểm kê phòng trước khi công nhân trả. Nhiều người không thể trụ lại nên phải dọn dẹp, chuyển đi nơi khác tìm việc hoặc về quê.
Gia đình bà thường xuyên nghe ngóng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp. Một công ty sản xuất linh kiện điện tử lớn đang tuyển dụng nhiều vị trí, bà Nguyệt mừng thầm. Song khu vực nhà trọ của bà cách đó khá xa nên chưa nhiều người đến thuê.
Ngoài treo biển cho thuê trọ, bà còn đăng tải thông tin về nhà trọ trên nhiều hội nhóm để thu hút thêm công nhân. Đó là cách để bà có thêm tiền thuê trọ, trang trải cuộc sống cũng như "gánh" khoản lãi, nợ ngân hàng rất lớn.
Công nhân chắt chiu từng đồng
Chia sẻ với Pháp luật Tp.HCM, vợ chồng anh Cao Văn Đạt (33 tuổi, công nhân Công ty TNHH PouYuen Việt Nam, Tp.HCM) cùng hai con trai sinh sống. Kể từ khi cắt giảm lao động, vợ anh ở nhà chăm con, mọi gánh nặng kinh tế gia đình đè lên vai anh.
“Tổng chi phí thuê trọ khoảng 1,3 triệu đồng nhưng kể từ khi vợ thất nghiệp, tôi bị cắt giờ làm, chúng tôi phải thắt lưng buộc bụng mới không vay mượn. Không có tiền cho con đi nhà trẻ nên tôi ở nhà phụ vợ chăm con chứ không đi làm thêm. Sắp tới, nếu bị sa thải thì chúng tôi sẽ đưa con về quê, rau cháo sống qua ngày cũng hạnh phúc”, anh Đạt cười nói.
Cạnh phòng trọ của anh Đạt, anh Nguyễn Văn Hoàn (32 tuổi) ngồi trông con hộ chị hàng xóm. May mắn không nằm trong danh sách cắt giảm lao động nhưng lúc nào anh cũng nơm nớp lo sợ bị sa thải bất ngờ.
“Ngày trước bạn bè tôi ở đây rất nhiều, tối nào cũng tụ tập nói chuyện đông vui lắm. Từ khi có đợt cắt giảm lao động lịch sử, họ lần lượt về quê, có người đi tìm chỗ mới mưu sinh. Giờ còn mình tôi ở đây, nhiều lúc lủi thủi thấy cô đơn quá”, anh Hoàn nói.
Là công nhân công ty sản xuất quạt công nghiệp xuất khẩu trong Khu chế xuất Tân Thuận, từ đầu tháng 7, do không có đơn hàng mới nên chị Thùy Linh (26 tuổi, quê Sóc Trăng) phải ra về lúc 5h chiều, thay vì tăng ca đến 9h - 10h tối như nhiều tháng trước.
Trong khi đó, chồng chị Linh từ đầu năm đến nay thất nghiệp, thu nhập không thể lo nổi cho chính mình. Anh đi xin việc nhiều nơi nhưng bị từ chối do các công ty đều cắt giảm, nơi nhận làm thời vụ được hai tháng thì chủ nợ lương do "tình hình kinh doanh khó khăn quá". Gánh nặng tiền trọ, ăn uống và gửi về quê nuôi con đều dồn lên vai người vợ gầy gò.
Chị Linh cho biết nếu tăng ca và làm luôn chủ nhật, thu nhập mỗi tháng khoảng 11 triệu đồng, nếu không chỉ nhận lương cơ bản khoảng 5,5 triệu, cùng vài trăm nghìn tiền phụ cấp, chuyên cần.
Sau khi đóng tiền trọ, chị Linh chừa lại trong túi chừng 1 triệu đồng xài trong một tháng.
Tăng cường kết nối cung - cầu lao động
Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, báo cáo của 51/63 địa phương về tình hình lao động-việc làm trong những tháng đầu năm 2023 cho thấy nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn dẫn đến cắt, giảm việc làm. Số lao động trong doanh nghiệp bị ảnh hưởng việc làm là gần 510.000 người, chiếm 3,4% tổng số lao động đang làm việc trong doanh nghiệp.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ LĐTB&XH chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan tăng cường kết nối cung - cầu lao động, nghiên cứu thành lập sàn giao dịch việc làm.
Trả lời Vneconomy, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, tại phiên giao dịch trực tuyến mới nhất kết nối 9 tỉnh, thành phía Bắc, có 130 doanh nghiệp đăng ký tham gia tuyển dụng với 27.695 chỉ tiêu tuyển dụng. Trong đó, hơn 50% nhu cầu tuyển dụng đến từ các doanh nghiệp của tỉnh Bắc Giang, sau đó là Ninh Bình, Phú Thọ, Hải Phòng, Bắc Ninh…
Tập đoàn Luxshare - ICT là một trong những doanh nghiệp tại Bắc Giang đang có nhu cầu tuyển dụng 10.000 lao động. Theo đại diện tập đoàn, từ tháng 7, doanh nghiệp đã nỗ lực cả ngày lẫn đêm, qua nhiều kênh, nhiều nguồn nhưng mới chỉ tuyển được 5.000 lao động và đang còn thiếu 5.000 lao động. Để kịp tiến độ sản xuất, tập đoàn đã có Công văn đề nghị UBND tỉnh giúp đỡ, hỗ trợ tuyển dụng 5.000 công nhân thông qua Trung tâm dịch vụ việc làm giới thiệu và tuyển dụng lao động ở vùng sâu, vùng xa, vùng lân cận.
Tình trạng thiếu hụt lao động trên địa bàn Nghệ An, Hà Tĩnh tập trung vào một số ngành nghề lĩnh vực như may mặc, linh kiện điện tử, kỹ thuật và chủ yếu ở khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Những doanh nghiệp này có nhu cầu sử dụng nhân lực lớn và chủ yếu tuyển dụng lao động trình độ phổ thông. Các vị trí việc làm cao hơn như quản lý, văn phòng, hành chính lại yêu cầu khá cao về trình độ chuyên môn và ngoại ngữ nên lực lượng lao động địa phương không đáp ứng được, do đó, các doanh nghiệp buộc phải tìm người ở nơi khác.
Công ty TNHH Công nghệ Everwin Precision Việt Nam là doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài, đi vào hoạt động ổn định có thể sử dụng khoảng 8.000 lao động đến năm 2025. Bà Lê Đan Lin, Trợ lý Tổng giám đốc Công ty, cho biết: “Hiện nay, công ty đang cần tuyển người lao động có kinh nghiệm cao cho các vị trí: kế toán, chủ quản kho, trưởng phòng IT, nhân viên công nghệ thông tin... Các vị trí này yêu cầu chuyên môn và đặc biệt cần biết tiếng Trung để có thể chuyển giao, vận hành nhà máy. Công ty đăng tin tuyển dụng trên các trang mạng đã lâu nhưng vẫn chưa tìm được ứng viên phù hợp”.
Ở phía Nam, ghi nhận thị trường lao động tại Bình Dương những tháng gần đây, hầu hết các doanh nghiệp chưa có đơn hàng mới, chưa tuyển dụng lao động. Trong bối cảnh trên, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung ứng lao động cũng phải tạm ngưng hoạt động. Ông Trần Ngọc Lương, Giám đốc Công ty TNHH Cung ứng lao động Đức Lương, cho biết rất nhiều lao động thất nghiệp vẫn cố bám trụ lại thành phố, hàng ngày tìm tới các khu công nghiệp để mong tìm được việc làm.
Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty thực phẩm Bình Dương, tất cả các tỉnh hiện đều có sàn giao dịch việc làm nhưng thực sự là các sàn hoạt động chưa hiệu quả. “Chúng ta đang từng bước hình thành cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia. Đây sẽ là cơ sở để cung cấp nguồn dữ liệu rất lớn. Song song đó, chúng ta đang ở thời điểm bùng nổ công nghệ thông tin. Với những nguồn lực này tôi tin rằng nếu Cục Việc làm sắp xếp lại bộ máy, nâng cao năng lực hoạt động, sàn giao giao dịch việc làm sẽ là địa chỉ đỏ của doanh nghiệp và người lao động”, ông Nguyễn Văn Tuấn nhấn mạnh.
Hương Anh (t/h)