Công nhân mất việc vì “chùm khế ngọt”

Công nhân mất việc vì “chùm khế ngọt”

Thứ 5, 27/12/2012 23:44

"Đừng vì những con sâu làm rầu nồi canh mà vô tình lãng phí những người lao động chăm chỉ, cần mẫn", quan điểm đối với sự kiện lao động Thanh Nghệ Tĩnh đang bị "tẩy chay" tại các DN ở Bình Dương.

Gần đây tại các Khu công nghiệp (KCN) ở Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM xảy ra tình trạng hàng loạt các doanh nghiệp không tuyển lao động là người ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Nhiều doanh nghiệp thậm chí thiếu công nhân làm việc hàng tháng liền cũng vẫn kiên quyết loại ngay từ vòng hồ sơ những công dân các tỉnh trên. Hiện tượng trên đã dấy lên một làn sóng bất bình trong dư luận. Nhiều người cam chịu tặc lưỡi, thôi thì "quýt làm cam chịu", nhưng không ít người bức xúc cho rằng các doanh nghiệp trên không chỉ đi ngược lại chính sách của Nhà nước mà còn hành xử không có tình người.

Bất động sản - Công nhân mất việc vì “chùm khế ngọt”

Từ chối lao động từ các tỉnh Thanh - Nghệ - Tĩnh chính là lãng phí những người lao động chăm chỉ, cần mẫn (Ảnh minh họa)

Quýt làm cam chịu

Thời gian qua, mặc dù nhiều công ty ở Bình Dương đang rất cần tuyển công nhân làm việc nhưng hễ cứ thấy hồ sơ gửi đến có hộ khẩu ở "Thanh - Nghệ - Tĩnh" là họ sẽ từ chối ngay ở vòng... gửi xe. Nhiều lao động quê ở ba tỉnh nói trên đang đứng trên bờ vực của sự nghèo đói khốn khó vì liên tục bị từ chối tuyển dụng. Vấn đề lựa chọn miền quê để tuyển dụng không còn là chuyện hiếm và nó cũng đã diễn ra manh mún ở nhiều tỉnh thành từ khá lâu. Tuy nhiên, việc công khai thừa nhận không tuyển dụng như thời gian này là việc làm gây nhiều bức xúc trong dư luận cả nước, nhất là với những người dân miền quê Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh.

Anh Nguyễn Văn Định (SN 1979), người quê Anh Sơn, Nghệ An với khuôn mặt thất thần nhìn chúng tôi như không tin vào sự thật mà chính mình vừa trải qua. Anh kể, anh đã đi mòn các con đường ở tỉnh Bình Dương suốt gần một tháng ròng rã để nộp hồ sơ tìm việc làm. Không chỉ mệt mỏi về sức khỏe mà còn tốn kém nhiều về kinh phí, nhưng kết quả đến đâu anh cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu ngao ngán. Mặc dù biết mình có thể bị từ chối, nhưng hễ cứ biết thông tin có nơi cần tuyển dụng là anh lại chạy tới dù đó chỉ là chút hy vọng mong manh.

Không riêng gì anh Định, hàng nghìn lao động là người Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đang mưu sinh ở Bình Dương cũng chung vòng khốn khó. Họ thuê nhà nằm đợi để được người tuyển dụng chấp nhận quê hương của mình cả tháng trời nay mà hầu như không có chút chuyển biến gì. Hầu hết các công ty, khu chế xuất ở đây đều thẳng thắn từ chối họ chỉ nguồn gốc nơi họ sinh ra. Cái câu hát "quê hương là chùm khế ngọt" của một nhà thơ nào đó bây giờ lại thành ra có vẻ là không còn ý nghĩa với những gương mặt chân chất hiền lành này.

Điều đáng nói ở đây là việc các doanh nghiệp từ chối tuyển dụng ngay cả khi chính họ đang rất cần công nhân làm việc. Nhưng chỉ vì lý do quê quán của công nhân, nhà tuyển dụng nhất định từ chối kể cả phải để trống dây chuyền sản xuất. Doanh nghiệp thà để sản xuất có tiến độ chậm lại vì thiếu công nhân chứ nhất quyết không nhận lao động là người Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh vào làm việc.

Theo thống kê mới nhất từ cơ quan Bảo hiểm Xã hội tỉnh Bình Dương, toàn tỉnh Bình Dương hiện có hơn 600.000 lao động, 80% trong số lao động này là người ngoại tỉnh và 60 % trong số lao động ngoại tỉnh là đến từ Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Ví dụ điển hình như công ty sản xuất gỗ ở KCN Đồng An, Sóng Thần có đến 70% số lao động là người ở 3 tỉnh nói trên. Họ không chỉ là công nhân mà có người còn được giữ những vị trí quan trọng như trưởng ca, trưởng xưởng hoặc là cán bộ công đoàn. Nếu không có năng lực thực sự thì chắc chắn họ không thể được đảm nhiệm những vị trí quan trọng như vậy. Không một doanh nghiệp nào có thể mạo hiểm với sự phát triển của mình mà giao công việc cho những người không đủ năng lực.

Bất động sản - Công nhân mất việc vì “chùm khế ngọt” (Hình 2).

TS. Hoàng Thị Nga

Tẩy chay lao động vùng miền là vi phạm pháp luật

Trao đổi với PV, ông Đặng Quang Điều, viện trưởng Viện công nhân tỏ ra vô cùng bất bình. Ông Điều khẳng định: "Bất cứ sự phân biệt đối xử nào trong việc tuyển chọn người lao động đều vi phạm pháp luật. Bất cứ người tỉnh nào, dân tộc nào, nam hay nữ… đều có quyền bình đẳng khi đi ứng tuyển. Trước tình hình này, các cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương cần phải vào cuộc điều tra, xem xét và có ý kiến góp ý hoặc nặng hơn là xử phạt đối với các doanh nghiệp có tình trạng trên".

Cũng theo ông Điều, nếu những người lao động khi bị doanh nghiệp từ chối thẳng thừng và cho biết từ chối vì hộ khẩu khi đi xin việc thì họ có thể phản ánh đến một số cơ quan chức năng trên địa bàn như: Sở Lao động Thương binh Xã hội địa phương, Công đoàn của quận hoặc phường nơi doanh nghiệp đó cư trú. Đây là những đơn vị có thể tiếp nhận các ý kiến và đòi lại quyền lợi cho họ.

Liên quan đến vấn đề này, PV Người đưa tin cũng đã có cuộc trao đổi với luật sư Phạm Thị Loan (Văn phòng luật sư Phạm Hữu Tình, Đoàn luật sư tỉnh Bình Dương). Bà Loan cho biết: "Bộ Luật lao động của nước ta quy định, người sử dụng lao động có quyền tuyển chọn lao động theo yêu cầu công việc về trình độ, đạo đức, tư cách. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là họ có quyền từ chối người này hoặc nhận người kia vì họ sinh ra từ một vùng quê nào đó.

Nhà tuyển dụng thẳng thừng từ chối, thậm chí loại ngay hồ sơ từ vòng đầu thì đó là hành vi phân biệt đối xử, kỳ thị người lao động. Người lao động ở những tỉnh trên cũng là những con người cụ thể, họ cũng có mong muốn được lao động để có tiền nuôi sống bản thân và gia đình. Chính sách của Nhà nước Việt Nam không cho phép bất kỳ một doanh nghiệp nào được phép tẩy chay người lao động chỉ vì họ sinh ra ở các tỉnh Thanh - Nghệ - Tĩnh. Các doanh nghiệp Bình Dương làm như thế không chỉ vi phạm pháp luật mà còn đi ngược lại cả đạo đức, tình người của dân tộc ta".

Đề cập đến nguyên nhân của hiện tượng đã trở thành phổ biến ở tỉnh thành sử dụng công nhân nhiều nhất cả nước, bà Loan cũng đưa ra nhận định: "Tuy nhiên, nhìn nhận sâu xa thì cũng có những nguyên nhân nhất định của nó. Một nhóm người nào đó thuộc các tỉnh thành trên đôi khi có những hành vi không kiềm chế được. Người sử dụng lao động đôi khi cũng rất sợ phiền phức vì họ không muốn hiệu quả sản xuất của họ bị ảnh hưởng".

Theo bà Loan, các doanh nghiệp không nên từ chối một cách thẳng thừng, thậm chí thiếu tế nhị như thế. Người sử dụng lao động nên nhìn nhận thực chất và năng lực của người ứng tuyển chứ đừng nhìn vào tấm hộ khẩu. Ở vùng miền nào cũng có người tốt người xấu, đừng vì những con sâu làm rầu nồi canh mà vô tình lãng phí những người lao động chăm chỉ, cần mẫn.

Theo TS. Hoàng Thị Nga, giảng viên khoa Xã hội học, ĐH Công đoàn chia sẻ, tính cộng đồng bảo vệ nhau ở một hoàn cảnh không hợp lý sẽ gây bức xúc và gây ra những hậu quả khôn lường. Trên thực tế, không chỉ người Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh mới biết đến việc giúp đỡ đồng hương, đồng môn những lúc khó khăn hoạn nạn. Nhưng trong nhiều trường hợp, sự cực đoan của tinh thần đoàn kết đã gây ra những sự việc không hay như việc đình công tại các công ty thường trùng hợp rơi vào đúng những người ở xứ Thanh Nghệ.

Họ đáng được ca ngợi

Trao đổi với PV báo Người đưa tin vào chiều qua, ngày 10/10, ông Bùi Thanh Nhân, phó chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương cho biết: "Cá nhân tôi thấy lao động ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh có rất nhiều ưu điểm mà nhiều lao động ở các tỉnh khác không có hoặc là không thể bằng được, ví dụ như là đức tính cần cù chịu khó. Họ không bao giờ ngại khó ngại khổ, thức khuya dậy sớm, tăng ca làm thêm. Mục đích cuối cùng của việc đi làm của ai cũng là để kiếm tiền, nhưng kiếm tiền một cách chịu thương chịu khó như những công nhân xứ Thanh - Nghệ mà tôi từng biết đến thì thật là đáng ca ngợi. Đại đa số công nhân của tỉnh Bình Dương là người lao động đến từ miền Trung và tôi nghĩ sự phát triển của Bình Dương ngày nay một phần cũng nhờ họ".

Dương Thu - Phạm Hạnh


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.