Tìm về xã Kim Chung (huyện Đông Anh, Hà Nội), chúng tôi dễ dàng nhận ra những xóm trọ dành cho công nhân đang làm việc trong khu Công nghiệp Thăng Long. Cả xã Kim Chung có ba thôn: Nhuế, Bàu và Hậu thì gần như cả ba thôn này, người dân dành đất để xây nhà ở cho công nhân thuê. Theo một người bạn đi cùng, nếu như những năm trước, công nhân "vắt chân lên cổ" tăng ca để sản xuất kịp đơn hàng thì năm nay, họ lại rơi vào tình trạng "thèm việc", do doanh nghiệp gặp khó khăn, thiếu đơn hàng.
"Đói" tăng ca
Vào các xóm trọ ở xã Kim Chung lúc 10h sáng nhưng chúng tôi thấy nhiều công nhân vẫn còn ở phòng. Vì trời lạnh nên có người còn đang "ngủ nướng". Anh Trần Văn Nam (quê Nam Định) cho biết: "Năm ngoái, giờ này, chúng tôi đang căng sức để tăng ca ngày đêm, có hôm không ngủ, nhưng nghĩ đến cuối năm sẽ có tiền mang về quê là lại có thêm động lực. Nhưng năm nay, ở phân xưởng lắp ráp của tôi, công việc bị giảm, công nhân muốn tăng ca cũng không có việc để làm. Tết đến nơi rồi mà vẫn không có thu nhập vì... đói tăng ca, làm thêm".
Bên cạnh phòng Nam là phòng trọ của hai cô gái đến từ Yên Bái: Hoàng Thị Quỳnh và Hà Thị Mai, sinh năm 1993 nhưng hai cô đã làm công nhân cho công ty Nissei từ hai năm nay với mức lương 2,5 triệu đồng/tháng. Quỳnh cho biết, hôm nay, cô và Mai phải làm ca ba nên ban ngày được ở nhà. Học xong cấp ba, Quỳnh được người chị họ làm ở khu Công nghiệp Thăng Long giới thiệu vào làm việc tại công ty và cô cũng rủ Mai - là người cùng quê Trấn Yên (Yên Bái) đi làm cùng. Ở quê, gia đình Quỳnh và Mai đều làm nông nghiệp, nhà lại đông anh chị em nên hai cô quyết tâm "xuống" Thủ đô... làm giàu. Mai cho biết, năm ngoái, tuy mới vào công ty nhưng các cô đã được tăng ca, cả thưởng, cả tết gần 10 triệu đồng, đó là một số tiền không nhỏ để mang về phụ giúp gia đình. Thế nhưng, năm nay, công ty cũng ít việc hơn, mỗi tháng chỉ thu nhập không đến 3 triệu đồng. Căn phòng Mai và Quỳnh ở tầm 15m2 với giá 650.000 đồng/tháng, cả tiền điện, tiền nước và tiền ăn uống thì cũng đủ cho hai cô tiêu trong một tháng, nếu muốn gửi về quê, cả hai sẽ phải tiết kiệm tối đa.
Hà Thị Quỳnh (áo vàng) và Hà Thị Mai (áo đen) trong phòng trọ của mình.
Tại khu nhà trọ xóm 3 (thôn Nhuế), bà Hoài - một người cho thuê phòng trọ cho biết: "Trước đây, thời điểm này, xóm trọ vắng hoe vì công nhân tăng ca đến tối mịt mới về, còn bây giờ ở nhà suốt nên... đông vui lắm. Không có việc làm thêm nên đời sống công nhân ở đây cũng chật vật. Có khi cả tuần, họ chỉ ăn lạc rang và trứng tráng thôi. Nhiều người nợ tiền nhà hai tháng, hẹn đến tháng lĩnh lương mới có tiền trả cho chủ nhà". Hoàng Thị Quỳnh tiếp lời bà Hoài: "Năm nay, lượng hàng ít nên chúng tôi chỉ làm đúng giờ hành chính rồi về nhà... ngồi chơi". Lương hàng tháng của công nhân gần 3 triệu đồng/tháng, nếu tăng ca thường xuyên thì được 5 - 5,5 triệu đồng/tháng, phải khéo léo lắm bọn em mới không bị... chúa chổm".
Trong căn phòng trọ chật hẹp ở xóm 2 (thôn Bầu), cả dãy trọ gần 10 phòng cũng có tình trạng công nhân "ngồi vêu" mà không có việc làm. Vì không có các phương tiện giải trí nào khác nên anh Trần Văn Hợp (quê ở Hòa Bình) đành nằm nghe những bản nhạc phát ra từ chiếc điện thoại cũ kỹ. Anh Hợp cho hay, thu nhập hàng tháng của anh ở công ty GoiyA chỉ vỏn vẹn hơn 2,3 triệu đồng. Chi phí tiền ăn, tiền phòng trọ đã hết hai triệu đồng. Với các chi phí khác trong tháng, anh đành phải "giật gấu vá vai" các bạn cùng xóm trọ rồi lại "kéo cày trả nợ".
Một số công nhân cho biết, không chỉ giảm giờ làm, nhiều công ty còn cho công nhân nghỉ phép đồng loạt. Có doanh nghiệp còn chấm dứt hẳn chuyện tăng ca, chỉ sản xuất cầm chừng để giữ chân công nhân. Một số công ty thì cắt giảm lao động. Nhiều công nhân đã tranh thủ kiếm thêm thu nhập bằng cách đi làm tiếp thị, bán quần áo, rau quả, vé số; một số nam giới còn đi phục vụ ở quán nhậu buổi đêm trong nội thành Hà Nội, rạng sáng lại quay về khu công nghiệp làm... công nhân.
Doanh nghiệp chật vật, công nhân đói khổ
Trần Văn Biên (20 tuổi, quê ở Bắc Giang) cho biết: "Tháng 9 năm nay, công ty của em đã cho nghỉ việc hàng loạt công nhân và không tuyển thêm nữa, chỉ những ai có tay nghề cao mới được giữ lại. Cuối năm, ai cũng mong có nhiều giờ làm thêm ca để dành dụm tiền cuối năm cho thêm "chút đỉnh" làm quà về cho gia đình. Thế nhưng, sắp hết tháng 11 âm lịch rồi mà tình hình vẫn "im ắng" lắm. Có thể nói, năm nay, bọn em khó có một cái tết tử tế...".
Ông Trần Anh Tuấn (phó giám đốc trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động) cho biết: "Năm 2012, có nhiều lao động thất nghiệp, không tìm được việc làm, mất việc. Nguyên nhân chính xuất phát từ sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn và yêu cầu tái cấu trúc doanh nghiệp, đặc biệt tại các nhóm ngành tài chính, kinh doanh, dịch vụ. Số lượng chỗ làm việc năm 2012 của các doanh nghiệp trên địa bàn giảm so với năm 2011, trong đó giảm nhiều nhu cầu lao động phổ thông, sơ cấp nghề trong các ngành nghề sản xuất, chế biến như: Dệt may, da giày, chế biến thực phẩm. Khảo sát tại 2.080 doanh nghiệp vào quý IV/2012 cho thấy, lương bình quân của lao động đang làm công việc phổ thông, sơ cấp nghề khoảng 2,5 - 2,9 triệu đồng/tháng".
Anh Lê Hùng (trưởng phân xưởng 4, công ty Lắp ráp phụ tùng xe máy L.H - khu Công nghiệp Thăng Long) cho biết: "Năm nay, việc không tăng ca cuối năm nguyên nhân chính là do tình hình kinh tế khó khăn, do thiếu vốn sản xuất và khó khăn về đầu ra. Bạn tôi làm việc ở công ty may mặc cũng cho biết, trước đây, việc tăng ca gần như là việc làm thường xuyên với các doanh nghiệp may mặc, đặc biệt vào các thời điểm cuối năm, đơn hàng gấp, nhưng năm nay thì khác. Nhiều doanh nghiệp không có đơn đặt hàng, phải sản xuất cầm chừng, thậm chí cho công nhân về quê... ăn tết sớm".
Anh Hùng cho biết thêm, nếu công nhân tăng ca thì chi phí của doanh nghiệp sẽ đội lên rất nhiều, gồm tiền điện, nước, tiền ăn giữa ca, tiền công... đây là điều mà doanh nghiệp không mong muốn vào lúc này. Đơn hàng của công ty năm nay cũng không bằng năm ngoái. "Hiện nay, chúng tôi cũng hạn chế tăng ca, thay vào đó là tăng mức thưởng nếu tay nghề công nhân cao, sản lượng tốt", anh Hùng nói. Nhiều công ty đã động viên tinh thần của công nhân bằng cách: Nếu trong 2h mà công nhân đạt được 10 sản phẩm tốt thì sẽ được thưởng số tiền bằng 2h tăng ca, hay hỗ trợ đồ ăn, sữa, bánh ngon giữa những giờ làm. Cách làm này vừa giúp người lao động nâng cao tay nghề, ý thức làm việc... vừa giúp doanh nghiệp giảm được chi phí.
Theo tìm hiểu, chúng tôi được biết, nhiều công ty cũng đang nỗ lực để chia sẻ những khó khăn mà công nhân đang gánh chịu. Bà Trịnh Phương Mỹ (Trưởng nhóm bộ phận Quan hệ khách hàng, công ty TNHH khu Công nghiệp Thăng Long) cho biết: "Khu Công nghiệp Thăng Long có 67 nhà máy, 24 tòa nhà chung cư với hơn 55.000 công nhân. Phần lớn công nhân đều ở các tỉnh phía Bắc, phải ở trọ để làm việc. Có công ty thuê trọ cho công nhân ở khu chung cư và trang bị tivi, bếp điện cho công nhân. Có công ty không đủ khả năng thuê trọ cho công nhân thì hỗ trợ tiền thuê trọ".
Ngoài mức lương cơ bản, các công ty đều có khoản hỗ trợ cho công nhân như trợ cấp xăng xe, ăn trưa, trang bị bình nóng lạnh... Trước khi về nghỉ tết, thông lệ hàng năm ở nhiều công ty trong khu Công nghiệp này đều tổ chức tiệc tất niên, giao lưu cho công nhân, làm phong phú hơn cho đời sống tinh thần của công nhân. Ngoài công việc hàng ngày, các công nhân cũng được tham gia vui chơi thể thao với những giải đấu trong phạm vi khu Công nghiệp. Mới đây, một dự án của Đan Mạch dạy khóa học miễn phí về kỹ năng sống cho công nhân trong khu chung cư vừa được triển khai. Điều đó giúp cho các công nhân có thêm thông tin, thêm hiểu biết để sống an toàn và yên tâm lao động.
"Chắc em sẽ nghỉ việc thôi" Tuy nhiên, với những khó khăn chung mà nhiều công ty đang gánh chịu thì việc tăng ca, làm thêm cũng đang là một dấu hỏi lớn. Hà Thị Mai chia sẻ: "Em với Quỳnh ở cùng nhau nhưng cũng không tiết kiệm được nhiều, do giá cả ngày càng "leo thang". Có lẽ sau tết, em sẽ về quê và ở nhà luôn để phụ giúp cha mẹ. Sau đó, em muốn đi ôn để thi đại học. Em hy vọng rằng, mình sẽ thi đỗ ngành sư phạm để trở thành cô giáo...". |
Lạc Thành