Trước đó, vào tháng 8-2003, bộ sưu tập 3 khẩu súng thần công này được phát hiện và trục vớt trên con tàu cổ bị đắm trên vùng biển tỉnh Hà Tĩnh - cách bờ biển Cửa Nhượng hơn 50km về phía Bắc và cách Cửa Hội 35km về phía Đông, ở độ sâu 28m.
Chúng đều kích thước, trọng lượng và hoa văn giống nhau. Có màu nâu xám (mỗi khẩu có trọng lượng 1.257,360kg, dài 2,45m, đường kính phía đuôi 45cm, phía miệng nòng 28cm).
Phần nòng của khẩu súng thần công.
Thân súng, chuôi súng và nòng súng đều trang trí các họa tiết hoa văn hình rồng, hoa lá dây leo cách điệu đẹp mắt.
Súng có cấu tạo 3 phần, chuôi, bầu nòng và nòng. Chuôi có chóp hình cầu đúc liền với khối hình nón. Bầu nòng và nòng đúc 8 đai nổi. Viền theo 9 diềm hoa văn đúc nổi các đề tài hoa cúc dây cách điệu, lá đề, móc tròn đồng tâm, chấm tròn.
Phần đuôi của súng thần công được lưu giữ tại bảo tàng Hà Tĩnh.
Điều đáng chú ý là trên tất cả các băng hoa văn này đều phủ bạc. Thân súng có 2 quai súng trang trí hình rồng cách điệu nạm bạc.
Đặc biệt, phía dưới gồm hình vương miện và bài minh súng hình chữ nhật, trong đó khắc chìm các chữ Hán cổ được phủ bạc. Phiên âm: Minh Mạng nhị niên Tuế thứ Tân Tỵ cát nguyệt nhật chú, mệnh danh Bảo quốc An dân Đại tướng quân tam vị chi nhất (chi nhị chi tam). Dịch nghĩa; Ngày tháng lành năm Tân Tỵ năm thứ 2 niên hiệu Minh Mạng đúc súng, mệnh danh là Bảo quốc An dân Đại tướng quân ba vị, vị thứ nhất (vị thứ hai, vị thứ 3).
Chi tiết hoa văn trang trí và bài minh văn chạm khắc trên khẩu súng thần công.
Việc công nhận ba khẩu súng thần công là bảo vật Quốc gia có ý nghĩa vô cùng quan trọng, góp phần vào bảo quản, gìn giữ, trưng bày, nghiên cứu và phát huy giá trị to lớn trong kho tàng di sản văn hóa Việt Nam.
Văn Đức