“Nóng” chuyện bảo hiểm xã hội và hạn chế giờ làm
Tại hội nghị “Gặp gỡ doanh nghiệp đầu tư nước ngoài ở Bình Dương" vừa diễn ra, đại diện một số doanh nghiệp có vốn đầu tư FDI tại tỉnh Bình Dương cho biết, việc quy định số giờ làm thêm tối đa của người lao động là không quá 200 giờ/năm, trường hợp đặc biệt không quá 300 giờ/năm theo quy định của Bộ luật Lao động như hiện nay gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp.
Một số chủ doanh nghiêp cho rằng, họ có rất nhiều hợp đồng liên kết sản xuất hàng hoá, đôi khi phải làm nhanh, làm gấp nên cần phải có thời gian để hoàn thành sớm. Tuy nhiên, việc hạn chế giờ làm đã khiến doanh nghiệp mất đi nhiều cơ hội hợp tác, giảm tính cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng Giám đốc công ty TNHH II-VI Việt Nam cho biết, quy định về làm ngoài giờ như hiện nay, Việt Nam đang thất thế so với các nước khác trong khu vực như: Indonesia, Philippines.
"Quy định này trên thực tế đã gây khó khăn cho chúng tôi, như một số đơn hàng chúng tôi buộc phải từ chối, chuyển sang một số nước khác có chế độ ngoài giờ linh hoạt hơn. Do đó, doanh nghiệp coi như mất cơ hội trong những trường hợp đó", ông Thanh nói.
Đại diện công ty TNHH Sơn Toa Việt Nam cho biết, việc hạn chế giờ làm đã gây ra nhiều khó khăn nhất định và khiến các hợp đồng của công ty này không được linh hoạt. Vị này đề xuất, nếu như toàn thể công nhân ký đơn để xin được tăng thêm giờ làm tự nguyện để có thêm thu nhập thì mong đơn vị chức năng xét duyệt để có lợi cho công nhân và công ty.
Một trong những vấn đề nóng của hội nghị là vấn đề bảo hiểm xã hội cho doanh nghiệp nước ngoài.
Các vị lãnh đạo doanh nghiệp vốn FDI cho biết, họ từ nước ngoài qua Việt Nam sinh sống và làm việc phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế nhưng dường như chất lượng phục vụ không tốt. Họ cũng thắc mắc, liệu khi trở về nước họ có được nhận phần bảo hiểm đã đóng và phải chờ trong thời gian bao lâu để được giải quyết.
Trả lời về vấn đề trên, ông Nguyễn Duy Hiểu, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương cho biết: “Hiện chưa có văn bản hướng dẫn, nghị định hướng dẫn vấn đề này. Chúng tôi cam kết khi có văn bản hướng dẫn cụ thể sẽ hỗ trợ hết mình cho doanh nghiệp và không có bất cứ rào cản nào khi thực hiện vấn đề này”.
Bên cạnh đó, ông Hiểu cũng cho biết, việc tham gia bảo hiểm y tế với người nước ngoài làm việc tại Việt Nam là bắt buộc của pháp luật. Tại Bình Dương hiện nay, bảo hiểm xã hội đang làm các thủ tục với nhiều bệnh viện như: Bệnh viện quốc tế Becamex, Đa khoa tỉnh Bình Dương... và chờ ý kiến của bộ để kết nối với bệnh viện quốc tế Colombia, tạọ điều kiện cho người nước ngoài tiếp cận thăm khám dễ dàng.
Siết chặt quản lý phế liệu
Cũng tại hội nghị, công ty TNHH Giấy Vina Kraft thắc mắc về việc tổng cục Hải quan đã yêu cầu hàng hóa là phế liệu phải lấy mẫu gửi cục Kiểm định Hải quan để thực hiện phân tích đánh giá sự phù hợp với Quy chuẩn Kỹ thuật môi trường khiến việc cấp chứng thư giám định nhập khẩu phế liệu bị kéo dài.
Ông Nguyễn Phước Việt Dũng, Cục trưởng cục Hải quan tỉnh Bình Dương cho biết, vấn đề phế liệu nhập khẩu là vấn đề hết sức nhạy cảm trong thời điểm hiện nay. Theo thống kê của tổng cục Hải quan, trong số 6.000 container còn tồn đọng tại các cảng TP.HCM, Hải Phòng... có rất nhiều container là rác thải.
Do đó, từ ngày 1/7/2018, theo chỉ đạo của Chính phủ đã có yêu cầu bộ Tài nguyên và Môi trường, bộ Tài chính trong đó có tổng cục Hải quan phải tăng cường phối hợp kiểm tra giám sát chặt chẽ vấn đề này. Cho nên, thay vì chỉ có bộ Tài nguyên và Môi trường cấp chứng thư để cho Hải quan thông quan, nay có 2 bộ cùng quản lý nên thời gian đầu triển khai việc cấp chứng thư giám định nhập khẩu còn kéo dài so với trước đây.
Tuy nhiên, ngày 17/7/2018, tổng cục Hải quan đã có công văn số 4202/TCHQ-PC hướng dẫn quản lý phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam. Theo đó, bên cạnh việc siết chặt quản lý hoạt động nhập khẩu, mua bán phế liệu, công văn của tổng cục Hải quan cũng đã yêu cầu cục Kiểm định Hải quan xây dựng kế hoạch, giải pháp thực hiện nhiệm vụ được giao nhằm đảm bảo khi triển khai thực hiện không làm ách tắc hàng hóa tại cửa khẩu. Bố trí cán bộ kiểm định thường trực tại cửa khẩu để phối hợp thực hiện kiểm tra và lấy mẫu.
"Theo đó, 24 tờ khai nhập khẩu hàng hóa của công ty TNHH Giấy Vina Kraft sau ngày 17/7 đã được thông quan trong thời gian từ 2 đến 4 ngày làm việc tại cảng Tổng hợp Bình Dương", ông Nguyễn Phước Việt Dũng cho biết.
Ngoài ra, tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp thắc mắc về những quy định về chính sách bảo hiểm cho người nước ngoài, chính sách ưu đãi giá…
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Văn Nam, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương cho biết, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, hàng năm, UBND tỉnh tổ chức hội nghị gặp gỡ với cộng đồng doanh nghiệp để kịp thời lắng nghe, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp đang đầu tư tại Bình Dương.
Liên quan đến các vấn đề mà doanh nghiệp thắc mắc, tỉnh Bình Dương sẽ tiếp tục xin ý kiến chỉ đạo của cơ quan cấp trên và sẽ tiếp tục tạo mọi điều kiện, môi trường thuận lợi nhất, tốt nhất cho doanh nghiệp nước ngoài đầu tư, theo khuôn khổ quy định.
Theo báo cáo của sở Kế hoạch đầu tư tỉnh Bình Dương, năm 2017, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước tăng 9,15% (kế hoạch 8,3%); GRDP bình quân đầu người đạt 120 triệu đồng (kế hoạch 115,4 triệu đồng). Trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Bình Dương tăng 7% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, công nghiệp - xây dựng tăng 8,2%, dịch vụ tăng 5,3%; nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,5%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 4,2%. Cơ cấu kinh tế của Bình Dương trong năm 2017 là Công nghiệp - Dịch vụ - Nông nghiệp - thuế nhập khẩu trừ trợ cấp sản phẩm với tỷ trọng tương ứng là 63,99% - 23,68% - 3,74% và 8,59%. |