Mới đây, Bộ trưởng bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã đề xuất Thủ tướng sớm công nhận tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai của Việt Nam. Nhiều chuyên gia giảng dạy tiếng Anh tán đồng với đề xuất này, song cho rằng mọi thứ cần phải có sự chuẩn bị kỹ càng.
Nhiều năm du học ở nước ngoài, TS. Luật sư Hoàng Tám Phi tỏ ra khá trăn trở trước đề xuất mới của Bộ trưởng bộ Thông & Truyền thông. Theo ông Phi, hiện nay, nhiều nước trên thế giới cũng đã công nhận tiếng anh là ngôn ngữ thứ hai của nước mình. Nếu chúng ta thực hiện được đề xuất này sẽ đáp ứng được nhu cầu hội nhập với quốc tế.
Tuy vậy, theo ý kiến chủ quan của TS. Hoàng Tám Phi, để đề xuất này được thực thi trên thực tế thì cần thể chế hóa bằng các văn bản pháp luật và phải được nghiên cứu, cân nhắc một cách hết sức thận trọng, khách quan.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Diệp Năng Bình (đoàn Luật sư TP.Hồ Chí Minh) cũng cho rằng: "Việc công nhận tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai sẽ thúc đẩy mọi người siêng năng, trau dồi, học thêm tiếng Anh, đặc biệt là lớp trẻ. Đây sẽ là một thuận lợi để Việt Nam hòa nhập với cộng đồng quốc tế. Khi không còn bất đồng về ngôn ngữ, công dân Việt Nam cũng sẽ dễ dàng tiếp cận với các nguồn tài liệu về khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới".
Tuy nhiên, tại khoản 3, Điều 5, Hiến pháp 2013 nước cộng hòa xã hội Việt Nam quy định: “Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình”.
Điều 29, BLTTHS năm 2015 cũng quy định: “Tiếng nói và chữ viết dùng trong tố tụng hình sự là tiếng Việt. Người tham gia tố tụng có quyền dùng tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình, trường hợp này phải có phiên dịch”.
“Như vậy, chỉ khi sửa đổi Hiến pháp theo hướng Hiến pháp công nhận tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai thì lúc đó chúng ta mới hãy bàn tiếp đến chuyện sửa đổi lại các văn bản quy phạm pháp luật khác”, luật sư Bình nói.
Giả sử tiếng Anh được công nhận là ngôn ngữ thứ hai của Việt Nam, theo quan điểm của luật sư Bình thì việc đầu tiên là phải thay đổi chính sách, sửa đổi toàn bộ các hệ thống quy phạm pháp luật.
“Theo đó, tất các các bậc học, các cơ quan quản lý phải dần chuyển sang giảng dạy, quản lý, làm việc một phần bằng tiếng Anh. Trong một số lĩnh vực thông dụng trong cơ quan hành chính; hoạt động giao tiếp trong công sở giữa chính quyền và người dân cũng dần phải chuyển sang sử dụng tiếng Anh…”, luật sư Bình nêu quan điểm.