Theo phản ánh của anh Lê Việt Hưng, trú tại xã Kỳ Sơn, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, hiện là công nhân xưởng cưa bộ phận Đường biển công ty TNHH Vietex (có trụ sở đóng tại phường Kỳ Thịnh, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh), vào chiều 23/10, anh viết giấy xin được nghỉ làm ngày 24/10 vì có việc gia đình.
Thời điểm đó, anh đã trình giấy xin phép cho trưởng quản lý người Trung Quốc là ông Thái Dũng Cang và đã được ông Cang chấp thuận. Sau đó, giấy xin phép của anh được chuyển lên văn phòng công ty. Đến ngày 25/10, anh quay trở lại làm việc như bình thường thì bất ngờ nhận được quyết định chấm dứt hợp đồng lao động của công ty Vietex với lý do anh "đã tự ý nghỉ việc mà không báo lý do với quản lý người Trung, ảnh hưởng đến bố trí công việc và vi phạm kỷ luật lao động". Quyết định này cũng nêu rõ, có hiệu lực kể từ ngày ký và mọi quyền lợi, nghĩa vụ liên quan của anh Hưng sẽ được giải quyết đến hết ngày 31/10/2018.
Ngay sau khi nhận được quyết định thôi việc, anh Hưng đã nhiều lần lên gặp đại diện công ty, trình bày cụ thể nhưng không được phản hồi. Bức xúc, anh đã viết đơn khiếu nại gửi đến công đoàn công ty Vietex, liên đoàn lao động tỉnh Hà Tĩnh và các cơ quan chức năng liên quan “tố” công ty Vietex không tôn trọng lao động, làm trái các quy định của pháp luật Việt Nam.
“Tôi đã trình giấy xin phép cho ông Thái Dũng Cang theo đúng quy định của công ty và được ông ấy chấp thuận. Còn anh Hải, là người đã trực tiếp cầm giấy xin phép của tôi chuyển lên văn phòng công ty cũng cho biết đã chuyển lên rồi. Tôi xin nghỉ làm đã có giấy xin phép nên công ty tự ý sa thải tôi như vậy là không đúng. Họ là công ty nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, chủ yếu sử dụng lao động Việt Nam nhưng không tôn trọng người lao động và luật pháp Việt Nam”, anh Hưng bức xúc nói.
Theo anh Hưng, bản thân anh còn phải chăm lo cho bố mẹ già yếu, nuôi vợ và 2 con nhỏ nay bỗng dưng mất việc khiến anh chưa biết phải xoay xở thế nào.
“Tôi bắt đầu vào làm việc tại công ty Vietex từ tháng 11/2017. Đến tháng 3/2018, tôi được công ty chính thức ký hợp đồng lao động thời hạn 1 năm và được tham gia đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ. Quá trình làm việc tại đây, tôi luôn cố gắng hoàn thành tốt công việc, chưa một lần vi phạm quy định của công ty và người quản lý bộ phận cũng rất hài lòng về ý thức làm việc của tôi. Tôi không làm gì sai còn nếu phía công ty muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng thì đáng ra họ phải thông báo cho tôi trước đó một thời gian để tôi chuẩn bị và có thể tìm được chỗ làm thay thế”, anh Hưng nói.
Lý giải việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với anh Lê Việt Hưng, sáng ngày 27/10, trao đổi với Người Đưa Tin, ông Dương Ngọc Cừ, trợ lý của ông Lý Hải Sâng, Phó Tổng giám đốc công ty Vietex cho biết, trước đó, trong quá trình làm việc anh Hưng đã lấy đồ của công ty và có 1 lần to tiếng với người Trung Quốc nên cùng với việc nghỉ phép trên, công ty quyết định chấm dứt hợp đồng. Tuy nhiên, ông Cừ cho hay, việc to tiếng với người Trung chỉ vì trong quá trình làm việc, do bất đồng ngôn ngữ dẫn đến 2 bên không hiểu ý nhau và sự việc không để lại hậu quả gì. Cũng theo ông Cừ, việc anh Hưng trộm đồ cũng không có biên bản làm việc hay biên bản kỷ luật nào liên quan (?!).
Thông tin lấy trộm đồ sau đó đã được anh Hưng bác bỏ với PV. Mặt khác, tại Quyết định số 098/CDHĐLĐ ký ngày 25/10/2018, về việc chấm dứt hợp đồng đối với anh Lê Việt Hưng, phía công ty Vietex cũng đã nêu cụ thể lý do “tự ý nghỉ việc mà không báo lý do với quản lý người Trung”.
“Tôi đã có hỏi lại ông Thái Dũng Cang và được ông ấy cho biết đã nhận được giấy xin nghỉ phép của anh Lê Việt Hưng vào chiều ngày 23/10. Tuy nhiên, phía văn phòng công ty lại cho hay chưa nhận được. Cái này, chúng tôi sẽ cho kiểm tra lại”, ông Cừ nói.
Theo tìm hiểu, công ty TNHH Vietex là nhà thầu phụ của công ty Formosa, chuyên về lĩnh vực vận chuyển thép thành phẩm cho Fomosa.
Công ty chính thức hoạt động tại Việt Nam từ tháng 4/2014. Hiện, có khoảng 500 lao động làm việc ở các bộ phận trực thuộc công ty, trong đó, khoảng 450 người là lao động Việt Nam, số còn lại là người Trung Quốc đảm nhiệm các vị trí quản lý và hành chính.
Điều 38 Bộ Luật lao động được sửa đổi, bổ sung năm 2012 quy định rõ: Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong những trường hợp sau đây: Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động; Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, đã điều trị 06 tháng liên tục, đối với người lao động làm theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục; Khi sức khỏe của người lao động bình phục, thì người lao động được xem xét để tiếp tục giao kết hợp đồng lao động; Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật, mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc... Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn; ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn.
Như vậy, việc công ty Vietex đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với anh Lê Việt Hưng không thông báo trước là trái với các quy định hiện hành của luật Lao động Việt Nam.