Công phu độc xà quyền nơi đất võ Bình Định

Công phu độc xà quyền nơi đất võ Bình Định

Trần Sơn Tùng

Trần Sơn Tùng

Thứ 2, 30/12/2024 20:25

Trong bộ "tứ hình quyền" (hổ, hầu, xà, hạt), xà quyền (võ rắn) là một trong những bài quyền thuộc hàng công phu, khó nhất, đòi hỏi người mãi võ phải đạt đến độ tinh thông. Đặc biệt, trong xà quyền có cương như, uyển chuyển nhưng đòn hiểm, mạnh mẽ…

Nơi đất võ Bình Định, bài quyền võ rắn này đang được truyền trao, lưu giữ như tinh thần đạo võ đạo văn đầy ý nghĩa.

Công phu xà quyền

An Vinh là một trong 3 dòng phái võ tiêu biểu của võ cổ truyền Bình Định (cùng An Thái, Thuận Truyền - PV) trong tổng số gần 200 võ đường, câu lạc bộ với hàng chục nghìn võ sinh, võ sư, đại võ sư hiện nay. Theo các bậc đại võ sư, phái võ An Vinh xưa được truyền thừa từ "lão bà" đại võ sư Nguyễn Thị Dũ (có tài liệu chép Nguyễn Thị Vũ), là sư phụ của nữ tướng trong "Tây Sơn ngũ phụng thư" Bùi Thị Xuân.

Võ sư cao cấp Nguyễn Thanh Vũ “truyền nhân” của dòng võAn Vinh đang thực hành bài xà quyền độc đáo riêng có của người Việt.

Võ sư cao cấp Nguyễn Thanh Vũ “truyền nhân” của dòng võAn Vinh đang thực hành bài xà quyền độc đáo riêng có của người Việt. Ảnh: Sơn Tùng

Dòng võ An Vinh có nhiều "món võ", trong đó, bộ "tứ hình quyền" (hổ, hầu, xà, hạt) được thể hiện rất riêng và độc đáo. Đặc biệt nhất là bộ xà quyền (võ rắn) ở đây cực kỳ độc lạ. Xà quyền được sáng tạo từ các nguyên tắc âm dương ngũ hành, sự quan sát tập tính tự nhiên của loài rắn để hình thành, mô phỏng đòn thế chiến đấu.Võ sư cao cấp Nguyễn Thanh Vũ (hiện là Phó Chủ tịch Liên đoàn võ cổ truyền Bình Định) là "truyền nhân" của đại võ sư Đinh Văn Tuấn hiện đang nắm giữ, truyền dạy bộ xà quyền độc đáo này trên đất Bình Định. Võ sư Vũ kể, ông được "sư phụ" Đinh Văn Tuấn yêu thương như con đẻ và cũng là người duy nhất trong các đệ tử của võ sư Tuấn nắm giữ, lĩnh hội được hết tinh túy và luyện thành công bài xà quyền.

"Trong tứ hình quyền, thì xà quyền là bộ rất khó học, đòi hỏi người học phải đạt được một trình độ nhất định thì mới học được. Trước đây, khi truyền dạy cho tôi, thầy Đinh Văn Tuấn rất khắt khe dạy tâm tính, dạy đạo lý nhân sinh. Riêng với bài xà quyền thầy răn dạy rằng, trước hết phải là người học được cơ bản các đòn thế, khi nào được sự tinh chắc, uyển chuyển cơ thông, khí thông thì mới được học. Người học phải có tâm tính điềm nhiên, hội đủ tâm đức và kiên trì mới học được. Bởi, bài quyền này không chỉ đòi hỏi độ tinh của cơ thể mà phải học khí huyết như người thiền định vậy. Nếu tâm khí không vững thì học giữa chừng là bỏ ngay", võ sư Nguyễn Thanh Vũ kể.

Công phu độc xà quyền nơi đất võ Bình Định- Ảnh 2.

Võ sư cao cấp Nguyễn Thanh Vũ “truyền nhân” của dòng võ An Vinh hiệnđang truyền dạy hàng ngàn võ sinh, đóng góp rất lớn cho nền võ học Bình Định. Ảnh: Sơn Tùng

Theo lời võ sư Vũ, bài xà quyền thuộc bộ võ cao cấp nên rất ít võ sinh lĩnh ngộ được. Nếu người học chưa đủ trình độ, tư cách thì sẽ rất nguy hiểm cho mình, cho người khác. Do phải học khí, học cơ nên người học đôi khi bị ép cơ, ép tim, mạch nếu học không đúng cách. Người giỏi và có cơ duyên đôi khi phải mất 4-5 năm mới luyện thành bài xà quyền.

37 tuổi, là một trong những võ sư thuộc thế hệ trung niên so với các vị tiền bối, tuy nhiên, võ sư Hồ Xuân Ảnh (võ phái An Vinh, đang lập phái võ đường bên bờ Nam sông Kôn, tỉnh Bình Định) thể hiện đậm chất tinh túy của xà quyền. Nhìn chiêu thức của võ sư Xuân Anh dễ cảm nhận đường quyền phong phú, đa dạng, khi thì uốn lượn uyển chuyển, khi thì nằm trườn thủ thế đá; khi lại giương nanh đe dọa rồi bất chợt ra đòn chớp nhoáng nhưng rất chính xác. Bộ tay người ra đòn mạnh mẽ như giương 2 nanh rắn tung đòn chí mạng. Nhiều đòn thế nhìn thì nhẹ nhàng, có sơ hở nhưng ẩn chứa sau đó là những đòn kết liễu đầy hung hiểm…

Võ cổ truyền Bình Định hiện có hàng trăm lò võ, nhiều dòng pháisở hữu những tuyệt kỹ độc đáo và ẩn chứa nhiều huyền cơ, võ đạo sâu sắc.

Võ cổ truyền Bình Định hiện có hàng trăm lò võ, nhiều dòng pháisở hữu những tuyệt kỹ độc đáo và ẩn chứa nhiều huyền cơ, võ đạo sâu sắc.

Không phải ngẫu nhiên võ sư Hồ Xuân Ảnh được giới mộ võ coi là người học, đánh tốt nhất bài xà quyền của xứ võ Bình Định hiện nay. Vào năm 2015, lần đầu tiên anh tham gia thực hành bộ xà quyền trước sự ngỡ ngàng của những đại võ sư, ban huấn luyện và người hâm mộ. Bởi, nhìn cách đi quyền của Hồ Xuân Anh rất độc lạ, khiến người xem nhìn lại được hơi thở của những tiền nhân võ học cổ truyền năm xưa.

Theo võ sư Xuân Ảnh, xà quyền khi thực hành lấy mô phỏng tập tính loài rắn ngoài tự nhiên, nhưng là cả một quá trình đúc kết, rèn luyện đầy khắc khổ. Quan trọng nhất là người học thả được hồn vào bộ quyền để nó phát huy hết được tinh túy. Người thực hành quyền phải vận dụng được khí huyết, hơi thở và động tác như "nước chảy mây trôi" thấy được cái khí chất, tinh thần và sự quyết đoán. Ở từng động tác xà quyền An Vinh nhìn vào thấy uyển chuyển, trôi chậm nhưng lại ẩn chứa sự mạnh mẽ, dứt khoát. Trong nhu thấy được cương. Động tác đôi lúc thấy mềm mỏng nhưng toát ra sự hung dữ, hiểm trở ở mỗi đòn đánh.

Tinh thần "võ đạo"

Thực tế, xà quyền hay các bài quyền khác ở xứ võ Bình Định kết tinh của đạo văn, đạo võ. Võ sư Nguyễn Thành Vũ kể, ngày xưa hầu hết người học võ đều khó khăn, làm gì có tiền mà học. Tuy nhiên, sư phụ dạy ông luôn động viên những người mài võ thật sự. Học võ không phải phân cao thấp, giàu nghèo hay hơn thua, mà chọn lấy cái tâm, cái đức, nhân nghĩa để giúp đời, phải hướng đến "lấy tâm, đức làm gốc".

Với nhiều yêu cầu khắt khe, nên người học lĩnh ngộ bài xà quyền ở dòng võ An Vinh rất ít, cả trăm cả ngàn người mới có 1.

Với nhiều yêu cầu khắt khe, nên người học lĩnh ngộ bài xà quyền ở dòng võ An Vinh rất ít, cả trăm cả ngàn người mới có một. Ảnh: Sơn Tùng

"Cái đích cuối cùng và đỉnh cao của một người học võ là "về không". Sự "về không" của người học võ Bình Định nó rất thâm sâu, khó diễn giải. "Về không" nghĩa là tâm anh tĩnh lặng như nước, như tinh không như triết lý vô vi của Lão Tử. Khi ấy, ứng biến linh hoạt vào đời sống, tự nhiên thì người học võ sẽ linh hoạt hơn, ai dùng gì thì mình ứng biến nấy", võ sư Vũ phân tích.

Trong võ đạo cổ truyền Bình Định đa số các môn phái đều hướng đến một triết lý chung: Đức (đạo đức), Y (bảo vệ cứu chữa mình và người xung quanh), Triết (nhân sinh quan và thế giới quan) rồi mới đến Công (võ công hàng thứ yếu). "Khi học võ, các thầy các võ sư tiền bối ở Bình Định thường căn dặn rằng, cuối cùng của võ đạo là mình trở thành một người bình thường trước đã. Gốc rễ của người học võ là lấy tâm làm gốc, lấy đức để đối nhân xử thế với người.

Bộ xà quyền của dòng võ An Vinh không chỉ mô phỏng loài rắn mà ẩn chứa nhiều đạo lý, bản sắc văn hóa rất có giá trị để nghiên cứu, bảo tồn.

Bộ xà quyền của dòng võ An Vinh không chỉ mô phỏng loài rắn mà ẩn chứa nhiều đạo lý, bản sắc văn hóa rất có giá trị để nghiên cứu, bảo tồn. Ảnh: Sơn Tùng

Võ sư Hồ Xuân Ảnh cho hay, trong bộ tứ hình quyền, không chỉ xà quyền đòi hỏi khắt khe nhất mà hổ quyền, hầu quyền, hạt quyền cũng đòi hỏi tâm tính người học. Người học khi đạt được trình độ nhất định, khi thấu hiểu được đạo của võ, tâm tính điềm nhiên thì vào học, thực hành xà quyền hay các bộ tứ hình quyền đều thả được hồn mình vào đó để toát ra được vẻ đẹp của võ thuật, mới chinh phục được người xem.

Khơi dậy hào khí "Tây Sơn tam kiệt"

Theo võ sư cao cấp Nguyễn Thanh Vũ, xà quyền là một minh chứng sinh động cho lịch sử võ thuật đất Bình Định đầy mênh mông. Trong đó, nó làm nên võ cổ truyền Bình Định thì từ thời khởi nghĩa nông dân Tây Sơn với "Tây Sơn tam kiệt" (Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ). Từ ý chí của "Tây Sơn tam kiệt" đã quy tụ, hiệu triệu được những anh kiệt trong các vùng miền đến để cùng khởi nghĩa đánh Bắc, phạt Nam chấm dứt phân tranh Trịnh – Nguyễn.

Võ cổ truyền Bình Định phát triển, được khẳng định từ thời khởi nghĩanông dân Tây Sơn với “Tây Sơn tam kiệt”.

Võ cổ truyền Bình Định phát triển, được khẳng định từ thời khởi nghĩa nông dân Tây Sơn với “Tây Sơn tam kiệt”. Ảnh: Sơn Tùng

Võ sư Vũ kể, thuở ban đầu, 3 anh em "Tây Sơn tam kiệt" đều học võ nghệ của thầy Đinh Văn Nhưng ở làng Bằng Châu (nay thị xã An Nhơn, Bình Định-PV), cũng được thầy Trương Văn Hiến truyền dạy cả võ học lẫn binh pháp. Về sau, 3 vị đã quy tụ được nhiều anh hùng, hào kiệt từ nhiều võ phái ở các vùng miền đến giúp sức.

Trong đó, quy tụ được "Tây Sơn thất hổ tướng", gồm: Võ Văn Dũng, Trần Quang Diệu, Võ Đình Tú, Nguyễn Văn Tuyết, Lý Văn Bưu, Lê Văn Hưng, Nguyễn Văn Lộc; hay "Ngũ phụng thư" gồm 5 nữ tướng: Bùi Thị Xuân, Bùi Thị Nhạn, Trần Thị Lan, Huỳnh Thị Cúc, Nguyễn Thị Dung.

Mỗi vị "hổ tướng" hay "phụng thư" đều mang trong mình một trường phái, món võ riêng của dòng phái mình. Có vị thì giỏi cung, kiếm, đao; có vị thì giỏi quyền, roi; cũng có vị sở hữu tuyệt kỹ phi tiêu, ám khí còn biết tài huấn luyện voi chiến… mỗi người một sở học, một tuyệt kỹ, ra giúp nghĩa quân Tây Sơn.

Từ đây, tạo ra một thời buổi mà võ cổ truyền người Việt hưng thịnh nhất, quy tụ được các tinh anh mọi miền. Dưới cờ của 3 anh em nhà Tây Sơn, đặc biệt là vai trò của Nguyễn Huệ từ 17 tuổi đã bách chiến bách thắng ở mọi chiến trường từ Bắc vào Nam đã viết lên trang lịch sử anh hùng của vùng "đất võ".

Công phu độc xà quyền nơi đất võ Bình Định- Ảnh 7.

Võ cổ truyền Bình Định hiện có hàng trăm lò võ, nhiều dòng phái sở hữu những tuyệt kỹ độc đáo và ẩn chứa nhiều huyền cơ, võ đạo sâu sắc. Ảnh: Sơn Tùng

Về sau, ở mỗi dòng võ An Vinh, An Thái, Thuận Truyền đều có những bậc võ sĩ đức độ, trượng nghĩa. Như, ở dòng phái An Vinh có võ sư Hương Mục Ngạc (tên thật Nguyễn Ngạc). Năm 1908, ông Ngạc cùng một đồng môn của mình tên là Năm Nghĩa tham gia yểm trợ cho đồng bào An Vinh và An Thái chống tô thuế cao triều đình.

Trong số đồ đệ của ông Ngạc có một người nổi danh với tuyệt kỹ dùng kiếm bằng tay trái, được võ lâm mệnh danh là "vương kiếm" Hương Kiểm Mỹ (tên thật Đinh Hề). Về sau, dòng võ An Vinh tiếp tục kế truyền phát triển. Trong đó, có võ sư Phan Thọ người vạm vỡ, sức vóc kiên hùm từng hạ heo rừng dữ và đánh bại 3 võ sĩ Đại Hàn (Hàn Quốc).

Nhánh của võ sư Đinh Văn Tuấn về sau có các hậu nhân như anh Nguyễn Thanh Vũ và sau nữa là Hồ Xuân Ảnh đang đóng góp rất lớn để khẳng định giá trị tinh hoa Võ cổ truyền Bình Định.

Mới đây, từ năm 2021, UBND tỉnh Bình Định đã đề xuất Bộ VH&TT,DL lập hồ sơ võ cổ truyền Bình Định trình UNESCO đề cử ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. Hiện, địa phương đang nỗ lực để sớm đưa võ cổ truyền Bình Định ghi danh vào di sản nhân loại. "Chúng ta nỗ lực đem hết các tinh túy, tinh hoa để quảng bá, phát huy hơn nữa để vì cái chung, khiến cho thế giới họ thấy được đầy đủ vẻ đẹp của mình thì sớm muộn võ cổ truyền của người Việt sẽ được vinh danh trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại", võ sư cấp cao Nguyễn Thành Vũ chia sẻ.

Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương: “Võ cổ truyền Bình Định là di sản phi vật thể cần được nhận diện, bảo vệ, phát huy”Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương: “Võ cổ truyền Bình Định là di sản phi vật thể cần được nhận diện, bảo vệ, phát huy”

Theo thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Đạo Cương, võ cổ truyền Bình Định là di sản phi vật thể cần được nhận diện, bảo vệ và phát huy. Việc xây dựng hồ sơ ghi danh võ cổ truyền Bình Định vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại sẽ mang lại niềm tự hào lớn lao.


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.