Rau răm (hay còn gọi là thủy liễu) có vị cay, tính ấm. Là loại rau gia vị rất quen thuộc chuyên dùng để ăn kèm với các món ăn có tính chất tanh như lòng lợn, trứng vịt lộn, trai, hến,… rau răm còn có tác dụng chữa đau bụng lạnh, các vết thương do rắn cắn, chữa tràng ghẻ, cước khí (sưng chân – mùa đông chân tay hay bị cước), hắc lào, trĩ.
Người Campuchia còn dùng nó để chữa thông tiểu, chống nôn và sốt. Bởi dễ ứng dụng trong đời sống, thầy thuốc Đông y khuyên mỗi gia đình nên trồng một đám nhỏ trong vườn nơi gần nước để tiện sử dụng.
Thông tin trên báo Sức khỏe & Đời sống cho hay, trong Đông y, rau răm được dùng để chữa nhiều bệnh như:
1. Đầy hơi, chướng bụng, tiêu hóa kém: Dùng một nắm rau răm rửa sạch, giã nhỏ vắt lấy nước uống. Bã đem xoa vào bụng (xoa tập trung vào vùng rốn).
2. Cảm cúm, hắt hơi, sổ mũi: Rau răm một nắm, gừng sống 3 lát. Hai thứ giã nhỏ vắt lấy nước uống. Hoặc rau răm 20g, tía tô 20g, kinh giới 16g, xương bồ 16g, xuyên khung 10g, bạch chỉ 10g, kiện 10g. Sắc uống.
3. Chữa rắn cắn: Rau răm một nắm giã nhỏ vắt lấy nước cho nhân uống. Bã đắp vào nơi vết cắn băng lại (cần làm sớm thì có kết quả tốt) và cần đưa ngay người bị rắn cắn đến cơ sở y tế.
4. Đau bụng tiêu chảy do nhiễm lạnh: Rau răm (khô) 16g, bạch truật 12g, kinh giới 16g, lương khương 12g, quế 10g, gừng nướng 4g. Đổ nước 2 bát, sắc còn 1 bát. Chia 2 lần uống trong ngày.
5. Nước ăn chân: Rau răm giã nhỏ đắp vào nơi bị tổn thương. Hoặc giã nhỏ lấy nước cốt chấm vào nơi bị đau. Ngày 2 lần (giữ cho vết thương được khô ráo để chống bội nhiễm).
6. Mụn nhọt đang ở giai đoạn sưng nóng: Rau răm một nắm, muối vài hạt. Hai thứ giã nhỏ, đắp vào nhọt băng lại. Ngày thay thuốc 1 lần. Phương pháp này dùng cho tất cả các trường hợp mụn nhọt, áp-xe đang ở giai đoạn đầu. Tác dụng chống viêm, hoạt huyết, tiêu độc.
Tuy nhiên, việc ăn nhiều rau răm cũng sẽ sinh nóng rét, giảm tinh khí, thương tổn đến tủy... Cả nam và nữ nếu ăn rau răm nhiều và thường xuyên có thể gây giảm ham muốn, đàn ông kém cường dương, tráng khí, chân huyết sẽ khô đi. Phụ nữ có thể mất chu kỳ kinh nguyệt. Bởi vậy cần đặc biệt lưu ý:
- Phụ nữ có thai không được ăn nhiều rau răm. Tuyệt đối không được dùng rau răm để giã uống hay sắc làm thuốc uống. Như đã nói ở trên, rau răm có vị cay, tính ấm, tính thơm, hành khí mạnh (khí hành dẫn đến huyết hành) kích thích tử cung có thể làm ra thai.
- Những người máu nóng, ốm gầy và phụ nữ khi đang đến ngày “đèn đỏ” cũng không được dùng rau răm.
N.H (tổng hợp)