Theo ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, ngay sau khi xảy ra việc công trình Đập Đá bị bong tróc lớp thảm nhựa, ông đã trực tiếp về kiểm tra. Ông Phương cho rằng, công trình chỉ bị bong lớp thảm nhựa khoảng 150m2, còn về tổng thể thì không ảnh hưởng gì.
“Khi được nâng cấp mở rộng, bề mặt Đập Đá được thảm một lớp bê tông nhựa trên nền đập cũ. Trước đây, đập này từng có lần nước lũ tràn qua sau khi được nâng cấp nhưng không xảy ra vấn đề gì. Vậy nhưng sau khi bị "ngâm" 3 ngày trong đợt mưa lũ vừa rồi thì lớp thảm nhựa bị bong tróc”, ông Phương nói.
Cũng theo ông Phương, công trình bị hư hại như trên nhìn thì đúng là phản cảm nhưng nếu nhìn về góc độ kỹ thuật, lớp thảm không thể chịu nổi với áp lực nước sâu khoảng 2m.
Đánh giá về chất lượng thi công, ông Phương thông tin, không có vấn đề gì về nhà thầu vì quy trình thảm, tính chất thảm không thể ẩu, 2 năm qua mặt đường rất tốt.
Ngoài ra, ông Phương nói thêm, sau khi nước lũ rút, công trình Đập Đá sẽ được thảm lại lớp bê tông nhựa ở những chỗ bị hư hỏng.
Tuy nhiên, như tin đã đưa, ngày 8/11, sau khi nước lũ bắt đầu rút, công trình Đập Đá nối từ đường Lê Lợi và đường Nguyễn Sinh Cung tại TP.Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế lộ ra nhiều điểm hư hỏng nghiêm trọng ngay trên bề mặt, khiến cho nhiều người tham gia giao thông cảm thấy lo lắng.
Có mặt tại hiện trường, theo ghi nhận của PV, trên bề mặt đường, lớp thảm nhựa bị bong tróc có độ dày khoảng 10cm, dài từ 5 - 15m tạo ra những ổ voi rất nguy hiểm người dân khi điều khiển phương tiện qua lại khu vực này.
Ngoài ra, một khu vực tại bờ kè nằm cạnh sông Hương cũng bị sạt lở nghiêm trọng, tạo thành hàm ếch gây nguy cơ sụt lún.
Một người dân qua đường cho hay, tôi cảm thấy rất lo lắng khi đi qua đoạn đường này; nếu không được tu sửa an toàn rất dễ gây nguy hiểm cho những người điều khiển phương tiện qua lại tại đây.
Trao đổi với PV, một cán bộ của sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Thừa Thiên - Huế có mặt tại hiện trường cho biết, công trình này do một đơn vị của sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh làm chủ đầu tư, sở GTVT chỉ tiếp nhận quản lý, bảo trì.
Được biết, đây là công trình kết hợp giữa giao thông và thủy lợi có vốn đầu tư trên 19 tỷ đồng, hoàn thành và đưa vào sử dụng cuối năm 2016. Đây là loại công trình thủy lợi cấp III, nhóm C, do ban Quản lý Đầu tư và xây dựng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên – Huế làm chủ đầu tư.
Theo quyết định đầu tư, công trình được xây dựng mới cống ngầm bằng bê tông cốt thép gồm 5 khoang để lưu thông nước giữa sông Hương với sông Như Ý; cải tạo sửa chữa, mở rộng mặt đập về phía hạ lưu với mặt cắt hoàn thiện mặt đường là 10,5m; bố trí hệ thống điện chiếu sáng phù hợp với cảnh quan khu vực; gia cố vai phải hạ lưu đập và sửa chữa tường phía thượng lưu đập. Chiều dài cải tạo trên tuyến đập là 207,3m, cao trình mặt đường bằng cao trình mặt đường cũ, bề rộng cắt ngang hoàn thiện mặt đường là 10,5m.