Hồi tháng 8, chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI), thuộc Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) đã công bố hình ảnh vệ tinh cho thấy một số cấu trúc lục giác chưa xác định được Trung Quốc xây dựng trái phép trên Đá Chữ Thập, Đá Vành Khăn, Đá Subi, ở quần đảo Trường Sa, vốn thuộc chủ quyền hợp pháp của Việt Nam.
Cho đến lúc này các chuyên gia vẫn không chắc chắn những công trình bí ẩn hình lục giác trên Biển Đông là gì.
"Tôi phải thừa nhận chúng tôi vẫn chưa biết gì về các cấu trúc này, ngoài nói rằng chúng xuất hiện ở đây để mang tính chất phòng thủ", Gregory Poling, giám đốc AMTI, nói với Business Insider về các thiết kế hình lục giác.
Bonnie Glaser, cố vấn cao cấp châu Á và các là người đứng đầu Dự án Quyền lực Trung Quốc tại CSIS cho biết, đã có một số suy đoán nói rằng đây có thể là vị trí đặt tên lửa đất đối không.
Công trình này luôn được đặt hướng về phía biển và bắt đầu xuất hiện từ hồi tháng 5, theo các chuyên gia tại AMTI.
Ít nhất các công trình này đã có mặt từ trước khi phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) được công bố 3 tháng, trong lúc đó, Trung Quốc vẫn tiếp tục xây dựng các công trình trái phép của mình trên các đảo, đá thuộc quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam.
Phán quyết PCA đã bác bỏ tuyên bố chủ quyền lịch sử của Trung Quốc, trong đó tuyên bố đường lưỡi bò nuốt trọn Biển Đông của Trung Quốc hoàn toàn không có giá trị pháp lý. Hành động xây dựng công trình và quân sự hóa trên các đảo ở Biển Đông là hoàn toàn không phù hợp với luật pháp quốc tế, khuấy động căng thẳng trong khu vực.
Việt Nam tuyên bố có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời kiên quyết phản đối và đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động xây dựng trái phép tại đây, nghiêm túc thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982.
Quốc Vinh