Chiếc laptop quý bởi nó chứa đựng phần mềm điều khiển máy phân tích gen và dữ liệu quản lý gen, đang là đề tài nghiên cứu khoa học cấp quốc gia, có nguồn gốc bản quyền từ nước ngoài, trị giá cả tỷ đồng.
Máy tính “cùi” trị giá tiền tỉ
Từ khi tòa nhà A3, nơi Trung tâm nghiên cứu gen-protein (Đại học Y Hà Nội) đặt văn phòng làm việc được tiến hành cải tạo, sửa chữa, mới xảy ra vụ mất cắp. Cả trường nháo nhác khi kẻ trộm táo tợn đột nhập vào cả phòng điểu khiển phân tích gen.
Chị Trần Vân Khánh, phó Giám đốc Trung tâm kể lại, sáng 6/9, khi mở cửa phòng làm việc, chị giật mình phát hiện có dấu chân trên ghế của mình, một số đồ vật trong căn phòng làm việc bị xáo trộn. Sau khi kiểm tra, chị phát hiện laptop hiệu Sony Vaio và một số tài sản khác như ĐTDĐ Nokia E71, 3 USB dữ liệu, 1 máy sưởi Samsung “không cánh mà bay”. Biết kẻ trộm đã “ghé thăm” trung tâm, chị yêu cầu các cán bộ, nhân viên tiến hành kiểm tra tài sản tại tất cả các phòng làm việc.
Tòa nhà A3 nơi liên tiếp xảy ra các vụ mất cắp. |
“Khi vào phòng điều khiển phân tích gen, mọi người hoảng hồn khi chiếc laptop nhãn hiệu Dell cũng đã bị đánh cắp. Mất hai cái máy tính, máy tính Vaio của chị Khánh đã lưu giữ nhiều dữ liệu nghiên cứu quan trọng. Tuy vậy, việc mất chiếc máy tính thứ hai, chứa phần mềm điều khiển máy phân tích gen mới làm anh em thực sự lo lắng”, một cán bộ trung tâm kể lại.
Theo lãnh đạo trường Đại học Y, chiếc laptop này vô cùng quý. Nó chứa đựng phần mềm điều khiển máy phân tích gen và dữ liệu quản lý gen đang là đề tài nghiên cứu khoa học cấp quốc gia, có nguồn gốc bản quyền từ nước ngoài, giá trị 1 tỷ đồng.
Chiếc máy tính là phương tiện duy nhất điều khiển cả hệ thống phân tích gen của trung tâm. “Không có chiếc máy tính này thì máy phân tích gien không thể hoạt động. Đáng nói, chiếc máy tính có cài đặt một phần mềm rất chuyên biệt, phần mềm này đi theo máy và không cài đặt rộng rãi được. Trước đây nhà trường đã mua phần mềm này mất rất nhiều tiền, chỉ cài đặt cho cái máy tính đó thôi và chỉ cài đặt đúng một lần”, GS.TS Tạ Thanh Văn, Phó hiệu trưởng Trường Đại Học Y Hà Nội cho biết.
Vụ mất trộm khiến lãnh đạo nhà trường hết sức lo lắng. Sau đó, sự việc đã nhanh chóng được trình báo với Công an phường Trung Tự (quận Đống Đa).
Ba tiếng đồng hồ phá án
Trước tính chất nghiêm trọng của vụ việc, Công an phường Trung Tự đã chỉ đạo một tổ công tác phối hợp với đơn vị nghiệp vụ của Công an quận Đống Đa khẩn trương có mặt, khám nghiệm hiện trường và tiến hành rà soát, khoanh vùng đối tượng. Vấn đề đặt ra là bằng mọi cách phải tìm ra đối tượng, thu hồi tang vật vụ án trong thời gian nhanh nhất, bởi giá trị của các đề tài khoa học chứa trong đó là rất quan trọng.
Theo quan sát, khu vực làm việc của Trung tâm nằm ở tầng 2, tòa nhà A3 trong khuôn viên Đại học Y Hà Nội. Phòng điều khiển phân tích gen là một nơi được bảo vệ tương đối nghiêm ngặt. Bình thường người không có nhiệm vụ, phận sự không thể ra vào tự do ở đây. Qua dấu vết còn lưu lại hiện trường, các điều tra viên nhận định tên trộm đã leo lên từ cửa sổ tầng 2. Do cửa kính bên ngoài đã tháo ra chưa lắp mới, cửa kính bên trong thì đã cũ, tên trộm đã luồn qua vị trí này để lẻn vào ăn trộm.
“Trong phòng có đặt camera nhưng vì không phải camera hồng ngoại nên chẳng quay được gì vào ban đêm. Tuy nhiên, qua thu thập các dấu vết, cảnh sát đã nhận định rất chính xác. Đó là đối tượng rất thông thuộc đường đi, lối lại. Tòa nhà A3 đang được cải tạo, sửa chữa nên đối tượng gây ra các vụ trộm nhiều khả năng là thợ xây tại công trình", GS. Văn cho hay.
Từ nhận định đó, bằng các biện pháp nghiệp vụ, các điều tra viên đã phát hiện chiếc laptop nhãn hiệu Dell đang được giấu tại lán ngủ của tốp thợ xây công trình. Người đang sử dụng chiếc laptop này là Trần Văn Vinh, thợ kỹ thuật tại công trình.
Tóm được “đầu mối” quan trọng, nhưng khi được đưa về trụ sở Công an phường để làm việc, Vinh lại khai báo loanh quanh, chối rằng mua máy tính của một đối tượng không quen biết. Nhưng bằng sự đấu tranh kiên quyết, sau chưa đầy một giờ, Vinh đã phải khai nhận mua chiếc laptop trên của đối tượng Lê Đình Thắng, phụ điện công trình.
Theo một điều tra viên, Vinh khai loanh quanh vì chính đối tượng này đã câu kết với Thắng trong vụ trộm cắp. Tuy nhiên, do phát hiện cơ quan công an tiến hành điều tra, Thắng đã chủ động bỏ trốn nên đồng bọn mới “cố gắng” chối tội.
Sau khi nắm bắt được vai trò của các đối tượng trong vụ việc, Công an phường Trung Tự đã huy động lực lượng truy tìm đối tượng Thắng. Đến 14h ngày 6/9, cảnh sát phát hiện Thắng đang lẩn trốn ở phố Xã Đàn, lập tức áp sát đưa về trụ sở để làm rõ.
Hai tên trộm phá hoại
Tại cơ quan điều tra, đối tượng này khai nhận: Do có thời gian làm việc tại công trình, Thắng biết được hướng đột nhập vào trung tâm nghiên cứu gen-protein. Khoảng 4h ngày 21/8, Thắng đột nhập lần đầu tiên vào trong trung tâm qua cửa sổ hành lang, dỡ trần thạch cao rồi chui qua cửa kính vào phòng thí nghiệm trộm cắp được 1 laptop Dell, sau đó đem bán cho Vinh với giá 3 triệu đồng. Thấy “ngon ăn”, đến 22h ngày 5/9, Thắng rủ Vinh tiếp tục đi ăn trộm tại Trung tâm nghiên cứu gen-protein.
Vì trung tâm mới thuê vệ sĩ bảo vệ, Thắng phân công Vinh đứng ngoài làm nhiệm vụ cảnh giới, còn mình đột nhập vào phòng làm việc của phó giám đốc trung tâm, lấy đi 1 laptop Sony Vaio, 1 ĐTDĐ Nokia E71, 3 USB dữ liệu...
Ăn trộm trót lọt, Thắng đã đưa cho Vinh chiếc laptop Sony Vaio mang đi để xóa sạch dữ liệu nhằm tránh bị phát hiện, sau đó sẽ đem bán. Còn lại, Thắng mang chiếc máy sưởi giấu tại giảng đường đang sửa chữa nhà A3, chiếc điện thoại giấu tại lán ngủ. Bọn chúng chưa kịp tiêu thụ đã bị cảnh sát bắt giữ, thu hồi lại toàn bộ tang vật. Khổ một nỗi, chiếc máy tính Dell cũng đã bị xóa trống trơn chẳng còn phần mềm, dữ liệu gì...
Trao đổi với PV, GS.TS Văn cho hay: “Nhà trường rất cảm phục tinh thần trách nhiệm của cán bộ, chiến sỹ Công an phường Trung Tự. Chỉ trong thời gian 3 tiếng đồng hồ đã truy bắt được thủ phạm gây án, thu hồi được toàn bộ tang vật, trong đó có chiếc máy tính rất quan trọng nhãn hiệu Dell.
Nhưng đến nay, nhà trường vẫn hết sức lo ngại vì phần mềm mua cả tỷ đồng đã bị tên trộm xóa đi. Đến giờ, chúng tôi cũng không biết thu được máy về liệu có phục hồi lại phần mềm này nữa hay không”.
Theo các trinh sát, những đối tượng gây ra vụ việc chỉ là những kẻ ăn cắp vặt. Chúng không hề biết giá trị đích thực của số tài sản cả về mặt vật chất cũng như ý nghĩa khoa học. Khi bị bắt, chúng mới hiểu sự nghiêm trọng do hành vi của mình gây ra. Hai gã trộm vặt sẽ đối diện với án phạt nặng, có thể phải bồi thường một khoản tiền không hề nhỏ nếu như những phần mềm, dữ liệu quan trọng trong hai chiếc máy tính không thể khôi phục lại.
Theo Xa lộ pháp luật