Không có thì thiếu
Chợ Cẩm Giàng nằm ở trung tâm xã, là nơi buôn bán của nhân dân các xã lân cận. Rác thải từ chợ Cẩm Giàng được thu gom, đổ vào bể chứa ngay bên cạnh chợ; nhân dân thôn Nà Tu cũng vứt rác thải vào bể chứa này. Những hôm trời mưa, nắng, bể chứa rác bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng tới các hộ dân sống gần đấy.
Cẩm Giàng được chọn là xã điểm xây dựng nông thôn mới ở Bắc Cạn. Huyện, tỉnh và xã phấn đấu đến năm 2015 hoàn thành các tiêu chí xã nông thôn mới. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Ma Trương Thiêm cho biết: “Xã nông thôn mới thì phải có công trình xử lý rác thải sinh hoạt, nên chúng tôi đầu tư cho Cẩm Giàng công trình trị giá 491 triệu đồng, UBND huyện Bạch Thông đầu tư 79 triệu đồng để giải phóng mặt bằng xây dựng công trình xử lý rác”.
Công trình được đầu tư, gồm lò đốt, ba bể chứa, xe đẩy vận chuyển rác. Rác sau khi được thu gom được phân loại, rác thải rắn (không thể cháy) thì chứa vào một bể, loại nào tự phân hủy thì chứa một bể, còn lại đưa vào lò đốt, xúc tro ra chứa vào một bể.
Lãnh đạo xã cho biết: “Công trình hoạt động đều, tốt lắm. Rác thải ở chợ Cẩm Giàng và các thôn dọc Quốc lộ 3 được thu gom vài ngày một lần, vận chuyển đến công trình xử lý”. Tuy nhiên, khi đến công trình xử lý rác thải này, thấy hình như nó chỉ hoạt động mỗi một lần vào ngày nghiệm thu, đưa vào sử dụng năm 2012, còn từ đó đến nay cửa luôn luôn khóa, bên cạnh lò đốt là đống rác nhỏ ẩm ướt, các bể chứa sạch trơn. Cạnh chợ Cẩm Giàng vẫn là đống rác bốc mùi hôi thối như khi chưa có công trình xử lý này.
Cần nỗ lực chung
Từ khi có công trình xử lý rác thải đến nay, ngân sách xã vốn rất eo hẹp nhưng hằng tháng xã phải trích ra 500 nghìn đồng để chi cho một người làm công tác thu gom, xử lý rác thải. Chỉ có một người, thu nhập quá ít nên thời gian qua việc thu gom, xử lý rác thải không thực hiện được.
Chủ tịch UBND xã Cẩm Giàng, Đinh Quang Tuấn, cho biết: “Ngân sách xã không thể chi ra cho việc thu gom, xử lý rác thải, người dân phải đóng góp để thành lập tổ thu gom ít nhất phải có năm người để hoạt động thường xuyên. Cái khó là, nếu tổ thu gom không đủ kinh phí thì cũng không hoạt động được”.
Không thể thu gom rác ở tất cả các thôn trong xã nên Cẩm Giàng chọn thu gom ở năm thôn trung tâm, dọc Quốc lộ 3 và chợ Cẩm Giàng. Nhân dân ở năm thôn này vẫn chưa thông mức đóng góp để “nuôi” tổ thu gom rác.
Quy chế chính quyền xã đưa ra để lấy ý kiến nhân dân các thôn là: mỗi khẩu đóng phí thu gom rác ba nghìn đồng/tháng, hộ buôn bán là 50 nghìn đồng và hộ kinh doanh ăn uống là 100 nghìn đồng/tháng. Nhiều hộ ở nông thôn xưa nay đã quen với vứt rác tùy tiện, nay phải thu gom, mất phí nên chưa đồng ý, thôn nào có một vài hộ không đồng ý thì kế hoạch thu gom rác thải của xã sẽ “phá sản”.
Công trình xử lý rác thải được xây dựng phía sau Nhà máy luyện gang Cẩm Giàng, xa trung tâm xã, những hôm trời mưa đường lầy lội, khó đi. Công trình ở xa, mất nhiều công sức, không có thu nhập xứng đáng thì sẽ không ai làm, công trình xử lý rác sẽ không có “cơ hội” hoạt động như thời gian qua, chỉ xây dựng cho có mà thôi.
Rác thải sinh hoạt hiện đang là vấn đề nổi cộm ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Bắc Cạn. Vì thế, năm 2013 tỉnh tiếp tục đầu tư xây dựng thêm các công trình như mô hình ở Cẩm Giàng, nhưng nếu không có nỗ lực chung thì công trình xây xong sẽ lại bỏ đó.
Rác thải sinh hoạt đổ bừa bãi gây ô nhiễm cạnh chợ Cẩm Giàng.
Theo Nhân dân