Ngang nhiên hoạt động
Tình trạng lợi dụng một số kẽ hở của pháp luật và quản lý để khai thác đất ở huyện Sóc Sơn, TP.Hà Nội thời gian gần đây đang diễn ra rầm rộ và được cho là phức tạp.
Khi vụ việc khai thác hàng chục héc-ta đất nằm ở phía sau sân bay Nội Bài, thuộc địa bàn giáp ranh xã Mai Đình và Quang Tiến (vừa bị Công an TP.Hà Nội phát hiện) chưa lắng xuống về độ nghiêm trọng thì từ một nguồn tin riêng, PV báo Người Đưa Tin đã nhận được phản ánh, khu đồng đất bị đào sâu, khoét trũng, tàn phá biến dạng thuộc thôn Xuân Tàng, xã Bắc Phú, huyện Sóc Sơn.
Cứ thế, hết xe này đến xe khác, thi nhau vận chuyển đất trái phép mang đi khỏi khu vực cánh đồng. Họ hoạt động công khai như một công trường thực thụ, tấp nập xe và người ra vào.Để tìm hiểu thực hư, PV báo Người Đưa Tin đã có mặt tại hiện trường, chứng kiến cả một khu đất rộng gần đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên đang được máy múc hoạt động hết công suất đưa đất lên thùng xe ôtô.
Khu vực diễn ra hoạt động khai thác đất trái phép này một mặt nằm gần ngay đường liên xã. Tuy nhiên, đứng ở ngoài đường nhìn vào thì mọi người khó có thể nhận ra được khu vực bên trong đã bị múc sâu như thế nào. Hơn thế, để phương tiện cơ giới có thể đi vào được bên trong thì chỉ có duy nhất một con đường đất đỏ.
Vào sâu được bên trong công trường khai thác đất này, theo quan sát của chúng tôi, mặt đất bị khoét sâu xuống khoảng hơn 10m. Hàng ngày, số lượng đất tại khu vực này bị lấy và đưa đi bán các nơi lên đến hàng vạn m3. Tại thời điểm PV mục sở thị có 3 chiếc máy múc đang làm việc hết công suất cho việc đào bới đất. Ở phía ngoài, ô tô tải đang đứng chờ đất múc lên đầy xe là chở đi.Sau khi đã tìm hiểu kĩ những thông tin, nhóm PV đã quyết định đi theo đường vòng, con đường nhỏ mà người dân vẫn thường hay đi thăm đồng để vào công trường này.
Ai "chống lưng" cho hoạt động khai thác đất?
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn H., người dân địa phương phản ánh: “Khu vực đang được khai thác đất là đầm, ruộng của thôn Xuân Tàng nằm ở vị trí giáp ranh với xã Tân Hưng, gọi là đầm thôi nhưng hàng năm người dân vẫn trồng lúa ở đó, thu hoạch và năng suất vẫn bình thường. Nhưng, chẳng hiểu vì sao, gần cuối năm 2015 có một nhóm người đưa máy múc, các loại xe tải trọng tải lớn (xe ben, xe “hổ vồ”…) đi vào đó để chở đất mang đi. Chúng tôi cho rằng, họ mang đi bán".
“Sau đó, Công an huyện có về xử phạt, đình chỉ khai thác. Thế nhưng, chỉ được một thời gian, chúng tôi lại thấy tình trạng khai thác đất đầm, ruộng tiếp tục diễn ra. Hàng ngày có đến hàng chục chiếc xe tải lớn đi ra, đi vào khu vực khai thác để đưa đất ra ngoài, rồi chở ra đường ĐT296 theo hai hướng, chạy qua địa bàn xã Tấn Hưng và xã Bắc Phú”. Ông H. cho biết thêm.
Trước những thắc mắc của PV về việc, đất ở đây được xe tải chở đi đâu? Họ dùng đất đó để làm gì? Ông H. cho hay: “Đất ở đây được đưa đi bán cho nhiều lò gạch, ai có nhu cầu mua thì họ bán. Nhiều người dân khu vực này cũng mua đất về đổ móng nhà. Tôi nghe nói họ còn chở cả đất đi lên Thái Nguyên và xuống Hà Nội để bán”.
PV hỏi: “Những người dân có đất đầm, ruộng bị khai thác, phản ứng thế nào trước tình trạng trên?”
Ông H. trả lời: “Người ta khai thác đất ở đây nhưng người dân chúng tôi không biết được lý do, chính quyền xã cũng không thông báo.
Người dân như chúng tôi nhận định rằng, đây không phải là chủ trương bán đất của UBND xã, có thể chỉ của một “nhóm lợi ích” bán đất để thu lợi nhuận bất chính có sự “bảo kê”. Nếu đây là khai thác đất trái phép giống như vụ khai thác đất ở sát sân bay Nội Bài thì chúng tôi mong chính quyền sớm đưa ra hình thức xử lý triệt để”.
(Còn tiếp)
Nguyên Mạnh – Thế Anh