Con dâu mà các gia đình này nhắm đến thường là những cô gái nhà nghèo hoặc gái quê con nhà lành, chịu thương chịu khó, ít đòi hỏi và phản kháng. Để mọi chuyện trót lọt, họ ít khi tiết lộ tình trạng của con trai mình, thậm chí còn cố che đậy lý lịch nghiện ngập cho đến khi “gạo đã nấu thành cơm”.
Trai nghiện mác “công tử”, “đại gia”
Ở nhiều vùng quê bây giờ bỗng dưng xuất hiện mấy cậu thanh niên từ thành phố về sống cùng với họ hàng, cô bác để thay đổi không khí. Hóa ra những ông bố, bà mẹ của các chàng trai này đang tìm cách ly gián các cậu quý tử của mình với đám bạn bè ăn chơi, hư hỏng, phá gia chi tử ở thành phố. Không ít trong số ấy về quê theo diện... cai nghiện ma túy.
Nhờ cái “mác” thành phố và đá đưa cái lưỡi tài tình, galăng, chịu chơi khiến họ nổi bật hơn hẳn đám trai làng hiền lành chân chất, không ít chàng đã “cưa đổ” những cô gái thôn quê xinh đẹp, hiền lành, rồi “điệu” cha mẹ về cưới hỏi.
Lan ở Kim Bảng, Hà Nam - một cô gái thanh tú, không ít chàng trai từng theo đuổi nàng 3 năm phổ thông nhưng không thành. Gái lớn phải dựng chồng đó là quy luật muôn thuở từ xưa đến nay, nhiều chàng trai gia đình khá giả trong làng đến có lời cưới hỏi Lan, nhưng cô đều lần lượt khước từ.
Người ta xì xào với nhau rằng, Lan được ăn học tử tế có bằng cấp, công việc ổn định trên Hà Nội lý nào lại lấy trai làng. Số khác lại cho rằng, gia cảnh nghèo khó trước đây, với bao năm ăn học, sinh sống trên Thủ đô đã quen với môi trường ồn ào, náo nhiệt làm thay đổi suy nghĩ cô gái thôn quê ngày nào. Lan muốn đổi đời, người chồng tương lai của cô phải là người có địa vị hay hộ khẩu Hà Nội.
Đến một ngày, làng quê vốn yên tĩnh bỗng xảy ra một việc bất thường. 3 chiếc xe ô tô sáng loáng nối đuôi, một đoàn người hiếu kỳ già trẻ lớn bé, nhí nhố nói cười theo sau về con đường mới trải đá bên ven sông.
Mọi người xì xào: “Xe từ trên Thủ đô cau trầu đặt lễ ăn hỏi con Lan. Nghe đâu anh này tên Hùng, con duy nhất của một đại gia bất động sản có tiếng trên Hà Nội. Bố mẹ Hùng còn hứa sẽ cho đôi trẻ ra ở một ngôi nhà sang trọng mặt phố, cấp vốn bán hàng…”. Nghe bà con bàn tán, gia đình Lan cũng mát dạ, khấp khởi vui mừng con gái mình tốt số… lấy được trai phố.
Ngày cưới, có lẽ đúng là chưa cái đám cưới nào lại đông người đến xem như thế. Cỗ bàn sang trọng cảnh trí bày biện rực rỡ vào diện “xưa nay hiếm” của vùng quê nghèo. Người ta kháo với nhau rằng ông bà Q. hưởng phúc lớn. Tiền đám cưới cũng do nhà trai chu cấp từ a đến z. Thế mới biết “sự lịch thiệp và cái giá lấy được chồng Hà Nội nó cao quý và hãnh diện như thế nào”.
Sau đám cưới, đúng như lời hứa, vợ chồng Lan được ra ở riêng, ngôi nhà mặt phố rộng rãi giữa khu dân cư có buôn gì cũng hái được ra tiền. Lan bỏ việc ở công ty mở một cửa hàng đồ điện, còn Hùng vẫn theo nghiệp bất động sản.
Những ngày đầu, Lan hụt hẫng khi thấy chồng thường xuyên vắng mặt, và không tỏ ra mặn mà, ăn nói bỗ bã trái với thái độ ngọt ngào trước kia, khi thì giở điên coi vợ như công cụ tình dục. Nhưng cô lại tự an ủi, đời sống vợ chồng cũng phải có lúc thế này khi thế kia.
Một thời gian sau, Lan thấy Hùng có nhiều biểu hiện khác thường, lúc ngẩn ngơ khi thì thao thao diễn thuyết chuyện trên trời dưới biển. Cô bắt đầu nghi ngờ và tìm hiểu những mối quan hệ của chồng mình, cô điếng người khi biết chồng mình đúng là một công tử điển trai thật nhưng nghiện ngập đã lâu. Đã thế tiền của trong nhà cứ liên tục “biến mất”.
Nhiều lần vốn liếng thâm hụt, những tưởng là trong quá trình bán hàng do tính toán sai mà ra thì nay ngỡ ngàng chồng nghiện lấy tiền đi mua thuốc. Khi phát hiện ra chồng nghiện ngập, Lan quản chặt chi tiêu, thế là cô bị chồng đánh thậm tệ.
Lan cay đắng đến nhà mẹ chồng thì mẹ chồng cô ngọt nhạt bảo: “Sao con nói mẹ lừa con? Chuyện nó nghiện ai chả biết, mẹ vì tế nhị nên không nói thẳng ra, nhưng mẹ tưởng con phải tìm hiểu kỹ rồi mới cưới chứ?” rồi bà lại an ủi: “Thôi con ạ, phận làm vợ là phải theo chồng, tròn méo gì cũng chấp nhận”. Sự tuyệt vọng khiến Lan không đủ sức giữ im lặng để khỏi làm đau lòng bố mẹ đẻ, cô không còn mặt mũi nhìn các em và hàng xóm láng giềng nơi quê nhà.
“Ván đã đóng” mới biết “lý lịch” thật
Lúc gia đình đã nhận lễ hỏi, Vân Anh (22 tuổi, Thường Tín, Hà Nội) mới được mẹ chồng tương lai thủ thỉ tiết lộ, Hưng, vị hôn phu của cô, từng nghiện ma túy. Bà nói, Hưng đã cai được ít lâu nên muốn lấy vợ để làm lại cuộc đời.
“Nó bỏ được rồi, vì vậy con chỉ cần giữ sao cho nó không quay trở lại với cái thứ đó thôi. Còn vài ngày nữa mới đến đám cưới, con cứ suy nghĩ đi”, bà nói. Dù rất sợ hãi trước tin vừa nghe nhưng vì mọi thứ cho đám cưới đã chuẩn bị sẵn sàng, và ngoài chuyện nghiện ra, Hưng là một đám đáng mơ ước nên Vân Anh không có can đảm hoãn hay ngừng hôn lễ. Cô tự nhủ, dù sao anh cũng đã cai được.
Nhưng đến khi đã trở thành vợ Hưng, cô mới ai oán trách mình ngu ngốc bởi thực tế anh ta chưa hề ngừng dùng ma tuý lấy một ngày. Hai vợ chồng trẻ cũng được cho ra ở riêng trong căn nhà cất cạnh nhà bố mẹ để tự chăm sóc nhau với một chút vốn liếng. Chán nản vì tưởng lấy được chồng có của ăn của để, không ngờ vớ ngay anh nghiện, Vân Anh cảm thấy đời mình đã lỡ một bước. Rồi những cuộc cãi vã liên tiếp xảy ra.
Cảnh giác với kiểu “hôn nhân chạy nghiện”
Theo chuyên gia Trần Thị Hồng Hà, Trung tâm tư vấn Tình yêu, hôn nhân và gia đình, những cuộc hôn nhân “kiểu chạy nghiện ma túy” như trên thường không đem lại những kết quả mà ông bố, bà mẹ có con nghiện mong đợi, bởi nó xuất phát từ sự lừa dối và lợi dụng lẫn nhau.
Gia đình chàng trai dùng vật chất để hấp dẫn cô gái mà không nói thật về tình trạng của anh ta, trong khi cô gái vì nghĩ mình sẽ được làm dâu nhà giàu mà chấp nhận lên xe hoa dù chưa có tình yêu. Những anh chàng “phố nghiện” không thể có một cuộc đời khác, nếu không từ bỏ ma túy, đừng hy vọng lấy được một cô gái nông thôn thì sẽ thay đổi cuộc đời.
Và những cô gái quê, con nhà lành ngoan ngoãn hãy cảnh giác và tỉnh táo trước những cám dỗ, cạm bẫy hôn nhân của các anh chàng “phố phiện”. Đừng để đến khi những cảnh tượng đau lòng xảy ra, tỉnh lại sau giấc mộng thị thành, hy vọng làm lại một cuộc đời lành lặn là cả một chặng đường quá dài.
Theo An ninh thủ đô