Anh Sơn là một trong những công nhân bị công ty Cấp nước Cà Mau cho nghỉ việc trái luật. Bản án sơ thẩm của TAND TP.Cà Mau tuyên không chấp nhận toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn. Sau đó, nguyên đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, yêu cầu cấp phúc thẩm xem xét.
Theo đơn khởi kiện, anh Đới Văn Sơn cho rằng, công ty ban hành quyết định số 161/QĐ-CN ngày 27/7/2016 về chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) cho nguyên đơn nghỉ việc hưởng chế độ và chốt sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) đến tháng 7/2016 là trái quy định pháp luật.
Do đó, anh Sơn khởi kiện công ty Cấp nước Cà Mau ra tòa, yêu cầu hủy quyết định số 161/QĐ-CN ngày 27/7/2016 về việc chấm dứt HĐLĐ vì trái luật; buộc công ty nhận anh Sơn trở lại làm việc; tiếp tục truy đóng các chế độ như: BHXH, y tế, thất nghiệp từ tháng 8/2016 đến ngày xét xử phúc thẩm tháng 6/2018 là 22 tháng; buộc công ty vẫn tiếp tục trả lương từ ngày xét xử phúc thẩm đến khi nhận người lao động làm việc trở lại;…
Tại phiên tòa phúc thẩm, luật sư Hồ Nguyên Lễ, Trưởng văn phòng luật sư Tín Nghĩa – TP.HCM, người tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn cho biết, anh Sơn làm việc tại công ty Cấp nước Cà Mau theo HĐLĐ từ ngày 6/2/1993 cho đến khi bị chấm dứt HĐLĐ (căn cứ theo Điều 27 BLLĐ năm 1994, 2002 là không xác định thời hạn).
Đến ngày 27/7/2016, công ty ban hành quyết định số 161/QĐ-CN về chấm dứt HĐLĐ cho nguyên đơn nghỉ việc hưởng chế độ và chốt sổ BHXH đến hết tháng 7/2016. Lý do được đưa ra là công ty không bố trí được việc làm cho anh Sơn sau khi tái cơ cấu tổ chức bộ máy, bố trí lại lao động.
Mặt khác, tại công văn 847 của sở LĐTB&XH tỉnh Cà Mau ngày 14/6/2017 đã xác định và kết luận “công ty không công khai và phối hợp công đoàn tổ chức tuyên truyền chủ trương đến người lao động (NLĐ) theo quy định là chưa thực hiện đúng quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc quy định tại Điều 6, 7, 8 và 20 Nghị định số 60/2013 ngày 19/6/2013 của Chính phủ.
Bên cạnh đó, ngày 27/7/2016, công ty đã ký 27 quyết định chấm dứt HĐLĐ do thay đổi cơ cấu giảm bớt lao động còn lại sử dụng 238 người. Tuy nhiên, ngày 29/7/2016, Chủ tịch HĐQT công ty vẫn phê duyệt định mức lao động kế hoạch năm 2016 là 265 người (tức là vẫn định mức lao động năm 2016 bao gồm 27 người đã ký nghỉ việc) là sự vô lý và dẫn đến là Nghị Quyết 06 giảm 27 lao động là không có hiệu lực thi hành.
Và thực tế là sau khi công ty đã ký 27 quyết định chấm dứt HĐLĐ thì công ty cũng có nhiều văn bản và làm việc với các sở, ngành rằng có nhu cầu nhận 27 NLĐ trở lại làm việc.
Từ đó, HĐXX quyết định chấp nhận một phần kháng cáo của anh Đới Văn Sơn; sửa lại một phần bản án sơ thẩm số 05 ngày 16/3/2018 của TAND TP.Cà Mau; hủy quyết định số 161 ngày 27/7/2016 của công ty Cấp nước Cà Mau về việc chấm dứt HĐLĐ đối với anh Sơn.
Ngoài ra, buộc công ty Cấp nước Cà Mau phải nhận anh Sơn trở lại làm việc theo HĐLĐ đã ký; buộc công ty phải trả cho anh Sơn khoản tiền lương trong những ngày anh Sơn không làm việc là hơn 146 triệu đồng; buộc công ty bồi thường cho anh Sơn 2 tháng tiền lương là hơn 14 triệu đồng…