Người dân lén xây trang trại, trồng cây trên đất của Công ty?
Liên quan đến vấn đề nhóm 8 người tự xưng là bảo vệ của công ty 24/3 đến trang trại của anh Quang và Trung tiến hành đập phá, nhổ cây trồng, trong công văn phản hồi đến tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật, ông Giang thông tin, nhóm người này chính là những người dân lao động địa phương được công ty ký kết hợp đồng lao động, làm công việc trông coi, bảo vệ đất đai theo đúng pháp luật về lao động.
Việc bảo vệ công ty tiến hành nhổ cây trồng là do ông Quang và ông Trung lén lút xây dựng trang trại và trồng cây lâu năm trên thửa đất số 7, tờ bản đồ số 59, GCNQSDĐ số CA784448 của Công ty.
Sau khi phát hiện công ty đã có đơn trình báo và UBND xã Phổ Phong đã kiểm tra hiện trường, lập biên bản hòa giải, trong đó có yêu cầu tháo dỡ và khắc phục hậu quả và trả lại hiện trạng ban đầu của đất (có Giấy CNQSDĐ và biên bản hòa giải kèm theo).
Nhưng ông Quang và ông Trung không chấp hành mà tiếp tục trồng các loại cây lâu năm nên ngày 22/8/2020 công ty tổ chức nhổ bỏ cây trồng lâu năm mà ông Quang và Trung đã trồng trái phép trên đất của công ty để bảo vệ đất đai theo quy định của pháp luật.
Trong lúc nhổ cây thì ông Trung đã dùng máy cắt cỏ ngăn cản, tấn công nên lực lượng bảo vệ của công ty phải dùng gậy tự vệ, chống đỡ làm hỏng máy cắt cỏ.
Về nội dung “rất nhiều vụ việc xảy ra nghiêm trọng như đốt rừng, nhổ cây, phá hoại tài sản và hành hung đánh người gây thương tích”, ông Giang cũng thông tin, công ty TNHH MTV Nông lâm nghiệp 24/3 Quảng Ngãi (nay là công ty CP Nông lâm nghiệp 24/3 Quảng Ngãi) đã được UBND tỉnh Quảng Ngãi cho thuê đất tại Quyết định 152 với tổng diện tích là 7.094.448m2 (có Quyết định 152/QĐ-UBND, ngày 24/3/2016 kèm theo).
Sau đó UBND Tỉnh và huyện Đức Phổ đã thu hồi 150.888,8m2 để xây dựng hồ chứa nước Cây Xoài, Trường bắn Tỉnh đội và Nghĩa trang xã Phổ Thuận nên diện tích đất còn lại là 6.943.559,2m2. Nhưng hiện nay người dân đang lấn chiếm, sử dụng hết 4.356.599,48m2.
Công ty TNHH MTV Nông lâm nghiệp 24/3 Quảng Ngãi trước đây giao khoán cho cán bộ - công nhân viên và một số người dân địa phương nhận khoán đất để trồng lúa, mía, mì và trồng cây cao su theo dự án 237 với diện tích manh mún, nhỏ lẻ.
Sau khi đi vào hoạt động công ty cổ phần Nông lâm nghiệp 24/3 Quảng Ngãi đã tổ chức quy hoạch sản xuất, xây dựng cánh đồng mẫu lớn theo tinh thần Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị nên thực hiện dồn điền, đổi thửa và thông báo mời người dân ký kết hợp đồng giao khoán theo Nghị định 168/ND-CP, ngày 27/12/2016 của Chính Phủ.
Nhưng người dân không hợp tác mà xảy ra tranh chấp, làm mất an ninh, trật tự tại địa phương nên ngày 11/9/2019 UBND huyện Đức Phổ đã có Công văn số 2634/UBND chỉ đạo công ty và các hộ dân không triển khai tổ chức sản xuất trên phần đất hiện nay đang xảy ra tranh chấp, khiếu nại làm nảy sinh xô xát, mất an ninh trật tự cho đến khi có kết luận giải quyết của cấp có thẩm quyền (có Công văn số 2634/UBND kèm theo).
Ngày 30/9/2019 UBND tỉnh có Công văn số 5410/UBND-NNTN yêu cầu các bên có tranh chấp, khiếu nại phải thực hiện tranh chấp khiếu nại theo đúng trình tự, thủ tục của pháp luật; trong khi chờ kết quả giải quyết phải chấp hành theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền về việc quản lý theo hiện trạng sử dụng đất (có Công văn số 5410/UBND-NNTN kèm theo).
Tuy nhiên người dân vẫn không thực hiện mà tiếp tục trồng cây nên Công ty tổ chức ngăn cản, nhổ bỏ cây trồng mà người dân trồng trái phép.
Bên cạnh đó, ông Giang cũng có phản hồi về thông tin “Nhóm người này tiến hành cày phá gây thiệt hại cây trồng của gia đình ông Tám. Sau đó, bà Bùi Thị May (vợ ông Tám) đến Công ty 24/3 đòi quyền lợi sau khi bị thiệt hại tài sản thì bị nhóm bảo vệ của Công ty này hành hung tới gãy tay”.
Theo đó, ông Giang cho biết, Công ty 24/3 trước đây đã giao khoán thửa đất số 128 và 163, tờ bản đồ số 3, giấy CNQSDĐ số CA784544 và CA784543 cho ông Tám nhận khoán. Sau khi ông Tám xin nghỉ việc, Công ty yêu cầu ông Tám giao trả lại các thửa đất trên (có Quyết định số 159/QĐ-24/3AFC và giấy CNQSDĐ kèm theo).
Chiều 18/9/2018, Công ty tổ chức cày đất để sản xuất thì bà May và ông Tám cùng một số người tập trung ngăn cản, sau đó kéo đến văn phòng công ty chửi bới, hăm dọa, không cho CB-CN ra về cho đến khi Công an xã đến giải quyết.
Chiều 19/9/2018 bà May và ông Tám lại đến phòng làm việc của ông Ngọc - Phó Giám đốc công ty la lối, chửi bới, lăng mạ, dùng tay đập bàn, uy hiếp, dồn ông Ngọc vào trong góc phòng. Bảo vệ Công ty là ông Lê Thanh Trưng đến yêu cầu bà May và ông Tám không được làm mất trật tự tại cơ quan, nhưng bà May càng la hét, chửi bới, đập bàn nhiều hơn buộc lòng ông Trưng phải nắm tay kéo bà May và ông Tám ra ngoài cửa phòng.
Ba hôm sau ông Tám và bà May lại đưa một số người lạ mặt đến Công ty vây đánh ông Trưng. Để tránh xảy ra án mạng ông Trưng chạy trốn lên núi cho đến khi Công an xã và Công an huyện đến can thiệp thì nhóm người kia mới chịu ra về.
Việc bà May đến Công ty gây rối trật tự, đe dọa, uy hiếp tính mạng con người, phá hoại tài sản của công ty nên ông Trưng đã thực thi nhiệm vụ để bảo vệ con người và tài sản của Công ty là hoàn toàn chính đáng.
Bảo vệ đất thuộc sở hữu theo quy định pháp luật?
Bên cạnh đó, ông Giang cũng lên tiếng giải trình về thông tin “Ngày 8/6/2019, công ty 24/3 đã cho nhiều công nhân đến địa phận đồi Cơ Pa, nơi 11 hộ gia đình sản xuất canh tác bạch đàn và keo tái sinh trên diện tích 12ha tiến hành đốt phá”.
Cụ thể, công ty 24/3 trước đây đã giao khoán 123.741m2 đất, tại 26 thửa đất và 09 giấy CNQSDĐ, tại đồi CơPa cho 13 cán bộ- công nhân nhận khoán để trồng keo và bạch đàn (có Giấy CNQSDĐ kèm theo) nhưng chưa ký hợp đồng giao khoán.
Sau khi khai thác xong cây trồng, Công ty có thông báo mời những người nhận khoán đến ký kết hợp đồng giao khoán theo Nghị định 168 của Chính Phủ, nhưng người dân không chịu ký kết hợp đồng, buộc lòng Công ty phải ký kết hợp đồng giao khoán với ông Lê Minh Thanh để sản xuất.
Ngày 8/6/2019 ông Thanh tổ chức đốt thực bì thì xảy ra cháy lan. Công ty đã phối hợp, tập trung toàn bộ nhân lực, vật tư, thiết bị để dập lửa, đồng thời thông báo cho Chính quyền địa phương và Công an PCCC đến chữa cháy.
Trong khi đó, người dân không những không tham gia chữa cháy mà còn cản trở công tác chữa cháy, kéo thực bì ra đường băng cản lửa để cho cháy lan ra nhiều hơn. Riêng việc giải quyết bồi thường thiệt hại cho người dân, hiện ông Thanh đã bồi thường cho một số người và đang thương lượng để bồi thường cho những người còn lại.
Về việc “ngày 9-11/9/2019 tại địa điểm đồi Thanh Niên, đồi Huyện Đội, đồi Đội 3. Công ty 24/3 cho hàng chục người tiến hành nhổ 2.500 cây keo của người dân”, ông Giang khẳng định: Sau khi Công ty cổ phần đi vào hoạt động đã tổ chức ký kết hợp đồng giao khoán theo Nghị định 168 của Chính Phủ.
Tuy nhiên, người dân không hợp tác mà tập trung khiếu nại Quyết định cho thuê đất số 152 nên tình hình tranh chấp đất đai xảy ra gay gắt, làm mất an ninh trật tự tại địa phương nên UBND huyện Đức Phổ đã chỉ đạo công ty và các hộ dân không triển khai tổ chức sản xuất trên phần đất hiện nay xảy ra tranh chấp, khiếu nại làm nảy sinh xô xát, mất an ninh trật tự cho đến khi có kết luận giải quyết của cấp có thẩm quyền.
Nhưng người dân không thực hiện mà tổ chức trồng cây keo trên đất trồng cây hàng năm, với mục đích chống đối lại chỉ đạo của chính quyền địa phương nên Công ty đã tổ chức ngăn cản và nhổ bỏ cây keo mà người dân tổ chức trồng trái phép trên đất trồng cây hàng năm của Công ty để quản lý, sử dụng và bảo vệ đất đai theo đúng quy định của pháp luật.
Ngoài ra, ông Giang cũng chia sẻ về vấn đề “Mới đây Công ty này còn được sở TNMT tỉnh Quảng Ngãi cấp phép cho tiến hành cải tạo nạo vét hồ Mỏ Vịt. Tuy nhiên, Công ty này đã “tiện tay” múc luôn phần đất liền kề đang tranh chấp với gia đình ông Phạm Hoàng Hải tại đồng Trại Heo với chiều dài 27m, chiều rộng 15m, chiều sâu 5,5m đem bán cho một doanh nghiệp khác”.
Cụ thể, ông Giang thông tin, Nông trường 24/3 trước đây đã đào ao nuôi cá để cải thiện đời sống cho CB-CNLĐ tại thửa đất số 145, tờ bản đồ số 3, giấy CNQSDĐ số CA784560 (có Giấy CNQSDĐ kèm theo).
Do lâu nay không được nạo vét nên ao cá bị bồi lấp, trong lúc thi công nạo vét lòng hồ Mỏ Vịt tiện thể Công ty có nhờ đơn vị thi công nạo vét lại ao cá để sau này thả cá giống.
Ông Hải đang lấn chiếm đất của công ty để trồng cây keo trên bờ ao, khi thấy Công ty nạo vét ao đã báo cáo chính quyền địa phương đến lập biên bản (không có đại diện Công ty) yêu cầu Công ty không được nạo vét vì đất đang tranh chấp.
Công ty đã thực hiện ý kiến chỉ đạo của chính quyền, không nạo vét ao nữa.
NGUYỄN ANH