Điện Quang “bớt sáng”
Được thành lập từ năm 1973, Bóng đèn Điện Quang luôn được đánh giá là đơn vị đi đầu trong lĩnh vực chiếu sáng và thiết bị điện với slogan kinh điển: “Ở đâu có điện, ở đó có Điện Quang”. Thế mạnh của doanh nghiệp này đến từ hệ thống 150 nhà phân phối và hơn 15.000 điểm bán lẻ. Sản phẩm bóng đèn Điện Quang phổ biến khắp các tỉnh thành với giá thành rẻ và sản phẩm mới, riêng biệt. Thậm chí, khi khảo sát tại điểm phân phối thiết bị điện tại một số tỉnh miền núi, các sản phẩm của Điện Quang đều được chủ cửa hàng khuyên dùng.
Trước khi bước vào năm 2017, tại thư gửi cổ đông Điện Quang, ông Hồ Quỳnh Hưng – Chủ tịch HĐQT Bóng đèn Điện Quang nhận định, năm nay sẽ là năm bản lề để chiếm lĩnh thị trường, chuẩn bị cho sự phát triển dài hạn của công ty, thuộc chiến lược chuyển từ doanh nghiệp sản xuất nguồn sáng thành doanh nghiệp chiếu sáng.
Tuy vậy, nhìn vào thực tế, trước sự đánh chiếm thị trường hàng loạt nhãn hàng mới, xu thế đầu tư và thay thế đèn truyền thống bằng đèn LED sẽ gây áp lực cạnh tranh trong ngành. Do dó, Điện Quang hướng đến kế hoạch doanh thu 1.050 tỷ đồng và chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế 150 tỷ đồng.
Tuy kế hoạch đề ra đã khá khiêm tốn, dự kiến lợi nhuận giảm 41% so với năm 2016 nhưng những gì Điện Quang phải đối mặt trong năm 2017 có phần tiêu cực và khốc liệt hơn nhiều so với nhận định của ban lãnh đạo. Theo thông tin từ CTCP Bóng đèn Điện Quang, kết quả kinh doanh quý IV và cả năm 2017 đều sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, doanh thu quý IV/2017 hợp nhất đạt 379 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, hụt thu từ mảng tài chính và các khoản chi phí bán hàng tăng mạnh đã bào mòn lợi nhuận trước thuế trong 3 tháng cuối năm chỉ đạt 43 tỷ đồng – mức lợi nhuận thấp không tưởng đối với một doanh nghiệp đầu ngành như Điện Quang.
Lý giải về hiện tượng trên, lãnh đạo Điện Quang cho biết, nguyên do chủ yếu là yếu tố chi phí tăng cao đồng thời doanh thu tài chính từ khách hàng Cuba không còn. Cách đây 10 năm, Điện Quang ghi nhận khoản phải thu lên tới cả nghìn tỷ đồng với khách hàng là Consumimport (Cuba) với khả năng thu hồi không chắc chắn.
Tuy nhiên, số tiền này sau đó đã bắt đầu được thanh toán dần bằng USD trong giai đoạn 2008-2016. Điều này giúp công ty ghi nhận doanh thu tài chính đều qua các năm, bao gồm lãi chênh lệch tỷ giá và lãi bán hàng trả chậm. Theo ước tính, khoản phải thu tưởng chừng khó đòi này mỗi năm đem về cho Điện Quang từ 50 đến 70 tỷ đồng lợi nhuận và đỉnh điểm là 100 tỷ đồng trong năm 2016.
Tính chung cả năm, doanh thu hợp nhất toàn công ty đạt 1.059 tỷ đồng, cao hơn kế hoạch đề ra song lãi trước thuế lại giảm về còn 134 tỷ đồng – kém xa mức kế hoạch đề ra và chỉ bằng 52% kết quả năm 2016.
Biến cố bất ngờ
Bóng đèn Điện Quang gặp khó đã được dự báo từ trước. Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) gần đây đã cảnh báo biên lợi nhuận của Điện Quang giảm mạnh trước sự cạnh tranh gay gắt từ sản phẩm Trung Quốc, vốn có lợi thế lớn về giá thành. Cả 2 dòng sản phẩm đèn truyền thống và đèn LED đều phải giảm giá để cạnh tranh nhằm giữ thị phần khiến doanh thu của Điện Quang vẫn tăng trưởng, nhưng lợi nhuận lại giảm sâu.
"Biên lợi nhuận của các cửa hàng nhỏ lẻ lên đến 40% khi bán hàng Trung Quốc so với 10% khi bán hàng của DQC", báo cáo của BVSC viết.
Tuy vậy, một “biến cố” liên quan đến ban lãnh đạo Điện Quang trong năm qua cũng là một trong những vấn đề được quan tâm hơn cả so với tình hình kinh doanh chung có phần kém sắc. Thông tin được tiết lộ từ báo cáo quản trị Điện Quang mới đây cho biết, cựu Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa tới cuối năm 2017 sở hữu 1,686 triệu cổ phần DQC, tương đương 4,91% vốn.
Vị cựu Thứ trưởng bộ Công Thương là nhân vật có ảnh hưởng lớn tới Điện Quang nhiều năm qua khi bà từng giữ chức Tổng giám đốc doanh nghiệp này từ năm 2000, sau đó trở thành Chủ tịch HĐQT từ năm 2010.
Kể từ khi bà Thoa được điều chuyển về giữ chức Thứ trưởng bộ Công Thương, chức danh Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Điện Quang được chuyển giao cho ông Hồ Quỳnh Hưng. Hiện ông Hưng sở hữu 7,33% vốn tại đây. Những người có liên quan khác như thân mẫu bà Thoa là bà Trần Thị Xuân Mỹ cùng con gái Nguyễn Thái Nga, Nguyễn Thái Quỳnh Lê cũng sở hữu hàng triệu cổ phần tại Điện Quang.
Đáng chú ý, hai nhân vật kể trên cũng nằm trong danh sách những cán bộ lãnh đạo cốt cán của doanh nghiệp này. Tổng cộng, bà Hồ Thị Kim Thoa cùng người nhà đang sở hữu 34,3% vốn tại Điện Quang, tương đương gần 11,8 triệu cổ phần DQC.
Năm 2017 là năm sự nghiệp của bà Hồ Thị Kim Thoa gặp sóng gió. Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, bà Hồ Thị Kim Thoa có phần trách nhiệm về các vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng bộ Công Thương nhiệm kỳ 2011-2016. Bà có vi phạm, khuyết điểm trong việc đồng ý với đề xuất tiếp nhận, bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh trái quy định, thực hiện không đúng nguyên tắc, quy định khi ký quyết định bổ nhiệm và điều động một số cán bộ.
Thêm vào đó, bà Thoa còn liên quan đến một loạt vi phạm, trong quá trình cổ phần hoá Bóng đèn Điện Quang và kê khai tài sản, thu nhập không đúng. Bà bị Ban Bí thư miễn nhiệm chức vụ ủy viên Ban cán sự đảng bộ Công Thương và Thủ tướng ký quyết định miễn nhiệm chức danh Thứ trưởng bộ Công Thương đối với bà Thoa từ ngày 16/8/2017.
Rạng Đông - anh em của Điện Quang
Ngoài ông Hồ Quỳnh Hưng đang nắm quyền lực tại công ty Bóng đèn Điện Quang thì cựu Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa còn một người em trai khác là ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa và đang là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc công ty CP Nhựa Rạng Đông.
Nếu để so găng hai doanh nghiệp này thì cũng thuộc dạng “người tám lạng kẻ nửa cân”. Điện Quang có vốn chủ sở hữu 343 tỷ đồng, doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng thì Rạng Đông có vốn 294 tỷ đồng, doanh thu năm 2017 đạt trên 1.300 tỷ.
Cũng giống như Bóng đèn Điện Quang, CTCP Nhựa Rạng Đông từng là một doanh nghiệp Nhà nước và chỉ chính thức được tư nhân hóa hoàn toàn vào cuối năm 2014 khi Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) hoàn tất việc bán trên 6,2 triệu cổ phiếu, tương ứng 43,36% vốn điều lệ cho 3 nhà đầu tư cá nhân là bà Nguyễn Thị Hương Giang, ông Nguyễn Hoàng Ngân và ông Huỳnh Minh Đoan vào cuối tháng 8/2014.
Chỉ chưa đầy một năm sau (tháng 7/2015), ông Hồ Đức Lam mua lại 5,8 triệu cổ phiếu từ ông Đoan và bà Giang theo phương thức thỏa thuận. Hiện tại, báo cáo quản trị năm 2017 do Rạng Đông công bố hôm 29/1 vừa qua cho thấy, tỷ lệ sở hữu của ông Lam tại đây đã tăng lên mức 64,15% vốn điều lệ - tương ứng 18,15 triệu cổ phiếu RDP. Tỷ lệ sở hữu này cho thấy ông Lam có quyền chi phối hầu như mọi hoạt động của Nhựa Rạng Đông.
Con số trên chưa tính đến phần cổ phiếu do con ông Lam và bà Hồ Thị Kim Thoa – chị gái ông Lam đang sở hữu. Trái ngược với tình hình kinh doanh lao dốc như Bóng đèn Điện Quang, năm 2017 là năm khá thành công với công ty Rạng Đông. Doanh thu đạt 1.312 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế công ty mẹ đạt 143 tỷ đồng, tăng lần lượt 10% và 110% so với năm 2016. Đóng góp chính cho thành công này đó là khoản thu 124,7 tỷ đồng trong quý IV, ghi nhận từ thương vụ chuyển nhượng cổ phiếu cho đối tác.
Tài sản “bốc hơi” nghìn tỷ Tình hình kinh doanh lao dốc ảnh hưởng lớn tới giá cổ phiếu DQC của Điện Quang thời gian qua. Chốt phiên giao dịch ngày 2/2/2018, giá cổ phiếu DQC giao dịch quanh ngưỡng 34.000 đồng/CP. So với thời điểm cách đây một năm, giá cổ phiếu này đã sụt giảm 44% (từ mức 60.000 đồng/CP). Với số lượng cổ phiếu nắm giữ là 11,8 triệu đơn vị, tài sản của gia đình bà Hồ Thị Kim Thoa tại Bóng đèn Điện Quang giảm gần một nửa, chỉ còn hơn 400 tỷ đồng. |