Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) gửi công văn yêu cầu CTCP Xuất khẩu Tổng Hợp I Việt Nam (Generalexim, mã CK: TH1) về việc báo cáo giải trình nguyên nhân tình trạng bị hủy niêm yết.
Theo đó, TH1 ghi nhận thua lỗ trong 3 năm liên tiếp 2015, 2016 và 2017, vượt quá số vốn điều lệ thực góp theo Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2017. HNX yêu cầu công ty gửi văn bản giải trình và công bố thông tin chậm nhất đến ngày 7/3/2018.
TH1 chính là doanh nghiệp của ông Trần Anh Vương - một nhân vật khá quen mặt với khán giả truyền hình trong chương trình Shark Tank 2017.
Mặc dù là một trong 5 "cá mập" ngồi ghế nóng Shark Tank với những phân tích kinh doanh sắc bén và thuyết phục, nhưng thực tế tình hình kinh doanh của doanh nghiệp gắn bó với shark Vương nhiều năm qua lại khá bết bát.
Tính đến hết năm 2017, TH1 đạt doanh thu 206,5 tỷ đồng, và chỉ đạt 1/3 kế hoạch doanh thu đặt ra đầu năm 2017. Kết quả kinh doanh ghi nhận lỗ 142 tỷ đồng, gấp tới 14 lần so với kế hoạch năm 2017 đề ra là lỗ 10 tỷ đồng.
Trước đó, năm 2015, TH1 lỗ 134,4 tỷ đồng, năm 2016 tiếp tục lỗ tới 133,7 tỷ đồng. Tổng số lỗ trong 3 năm qua là 410 tỷ đồng.
Mới đây nhất, một doanh nghiệp khác do ông Trần Anh Vương nắm quyền lãnh đạo là CTCP Đầu tư và Phát triển Sacom - SAM Holding (SAM) đã nộp đơn để trở thành một trong 3 nhà đầu tư muốn tham gia vào cổ phần hóa Tổng công ty TNHH Một thành viên Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương (Protrade Corp) với mục tiêu trở thành cổ đông chiến lược.
Doanh nghiệp này có ngành nghề chính là trồng rau, đậu các loại và trồng hoa, cây cảnh, cây ăn quả, chăn nuôi, khai thác gỗ, nuôi trồng thủy sản... nhưng hệ thống các công ty con của XNK Bình Dương có nhiều doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản gồm golf, hạ tầng khu công nghiệp...
Đáng chú ý, một trong số những công ty liên kết tại Protrade Corp đang là Công ty FrieslandCampina Việt Nam, đơn vị liên doanh sản xuất sữa Cô gái Hà Lan - Dutch Lady tại Việt Nam.
Doanh nghiệp mà "cá mập" Vương đang nhắm đến còn góp vốn đầu tư vào công ty Sân Golf Palm Sông Bé, công ty May mặc Bình Dương; nhà máy Giấy Vĩnh Phú hay Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc...
Theo tính toán, để trở thành cổ đông chiến lược nắm giữ 40% vốn tại Tổng công ty Xuất nhập khẩu Bình Dương, doanh nghiệp của shark Vương sẽ phải chi ra không dưới 1.440 tỷ đồng cho thương vụ này.