Ảnh hưởng ra sao?
Liên quan đến việc DRH dùng cát mặn để san lấp dự án rộng hàng trăm ha, nhìn lại những thông tin mà công ty này quảng cáo cho thấy, đây là một dự án Khu du lịch sinh thái biển cao cấp, có tổng diện tích 738.571,9 m2, bao gồm: 10.828,1 m2 đất hành lang an toàn đường sông; 5.080 m2 đất hành lang và đường N7; 2.479,5 m2 đất tín ngưỡng (đình thần Nam Hải); 720.184,3 m2 đất quy hoạch.
Với 720.184,3 m2 đất quy hoạch để thực hiện khu du lịch thì có 385.914,1 m2 đất thương mại dịch vụ du lịch, 161.136,3 m2 đất công viên cây xanh, 1.769,9 m2 đất hạ tầng kỹ thuật và 171.364 m2 đất giao thông… cùng với hàng loạt tiện tích khác.
Có thể thấy, nếu phát triển thành công đây sẽ một “siêu dự án” tại khu vực huyện LaGi, tỉnh Bình Thuận, chắc chắn sẽ thu hút không ít khách du lịch và nhà đầu tư. Thế nhưng, việc những ngày qua, thông tin về doanh nghiệp này dùng cát mặn san lấp mặt bằng, phớt lờ chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Thuận đã khiến dư luận nghi ngờ về chất lượng công trình và môi trường sống của khu sinh thái biển này.
Chia sẻ với PV Người Đưa Tin, kỹ sư Anh Hồ Đức, kỹ sư xây dựng tại TP.HCM cho biết: "Việc sử dụng cát mặn trong việc san lấp mặt bằng, xây dựng công trình sẽ làm cho kết cấu công trình mau xuống cấp, vì khi dùng cát mặn có thể khiến công trình bị gỉ sắt thép, làm giảm sức bền, tạo ra nứt, hoặc gãy công trình sau một thời gian dài sử dụng”.
Một giám đốc công ty bất động sản đang phát triển các dự án sinh thái biển nhận định: “Việc sử dụng cát mặn để san lấp mặt bằng thì doanh nghiệp phải lấp cao hơn mặt nước biển nhiều lần, vì vậy sẽ tạo thành bề mặt đất khá lớn. Trong quá trình xây dựng, chủ đầu tư phải đào đất làm móng công trình thì không thể tránh khỏi việc một phần bê tông… dính với nền đất cát biển, có thể xảy ra việc ăn mòn cốt thép trong bê tông, làm giảm tiết diện ngang của thép, ảnh hưởng đến khả năng chịu lực. Về lâu dài, còn tạo thành các vết nứt và bong tróc trên bề mặt bê tông do sự tích tụ gỉ sét quanh cốt thép gây ra. Khi bị nứt, quá trình ăn mòn càng tăng nhanh vì lúc đó hiệu quả bảo vệ của lớp bê tông không còn nữa. Điều này sẽ khiến công trình bị hư hại, có thể bị sụp đổ".
Xem thêm: Nghi vấn DRH Holdings dùng cát mặn san lấp dự án: Phớt lờ chỉ đạo của tỉnh (kỳ 2)
Bị tỉnh tuýt còi?
Với việc phát triển dự án khu du lịch sinh thái biển hàng trăm hecta, đây được xem là một công trình lớn trong tương lai của DRH. Tuy nhiên, việc san lấp mặt bằng từ cát biển đã khiến doanh nghiệp này bị phản ứng dữ dội. Nhiều người dân đặt dấu hỏi về việc dùng cát mặn có thể ảnh hưởng đến chính chất lượng công trình dự án vì sao doanh nghiệp này vẫn dùng.
Và tự quảng cáo sẽ phát triển khu du lịch sinh thái biển cao cấp, nhưng DRH cụ thể sẽ làm gì thì chưa ai biết, công trình chất lượng ra sao cũng chưa thể được đảm bảo. Việc cả khu vực rộng lớn được lấp bằng cát biển liệu có thể trồng cây, cải tạo cảnh quan môi trường, xây dựng khu vực đúng với cái tên sinh thái vẫn đang là băn khoăn của nhiều nhà đầu tư.
Trong khi DRH cố biện minh rằng những gì mình làm đang đúng và được cho phép thì Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã yêu cầu sở Tài nguyên Môi trường phối hợp sở Kế hoạch và Đầu tư, bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; sở Giao thông Vận tải, Cảng vụ Hàng hải Bình Thuận, UBND huyện Hàm Tân, các sở, ngành liên quan tổ chức kiểm tra, làm rõ nội dung báo chí phản ánh.
Cụ thể, qua kiểm tra, đối với các nội dung công việc có liên quan thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ngành, địa phương thì khẩn trương xử lý theo quy định. Trường hợp vượt thẩm quyền thì báo cáo, để xuất hướng giải quyết cụ thể cho UBND tỉnh Bình Thuận xem xét, chỉ đạo.
Chủ tịch Bình Thuận giao trách nhiệm cho sở Tài nguyên Môi trường nắm toàn bộ thông tin, kết quả kiểm tra làm việc và các nội dung chỉ đạo tại Công văn số 5429/UBND-KGVXNV ngày 21/12/2018 liên quan đến hoạt động san lấp mặt bằng tại khu vực Dự án Khu du lịch sinh thái biển cao cấp Lạc Việt, báo cáo cho UBND tỉnh Bình Thuận trước ngày 19/4/2019.
Trước đó, sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Bình Thuận đã phát hiện chủ đầu tư Dự án Lạc Việt kê khai không đúng về nguồn gốc cát san lấp. Cụ thể, chủ đầu tư kê khai đã mua cát của các doanh nghiệp theo các hợp đồng tại thị xã La Gi và tỉnh Đồng Tháp vận chuyển đến khu vực san lấp dự án thông qua 4 hợp đồng mua bán cát của 5 doanh nghiệp.
Trong đó, chủ đầu tư báo cáo nguồn cát chủ yếu lấy từ công ty TNHH TM Tuấn Tâm (công ty Tuấn Tâm) từ việc nạo vét và tận dụng cát nhiễm mặn tại cửa biển LaGi - mua khoảng 10.000m3 để san lấp dự án Lạc Việt. Thế nhưng, qua làm việc với cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận, công ty Tuấn Tâm cho biết, tổng khối lượng cát đã nạo vét khoảng 6.500m3 và đã bán cho một doanh nghiệp khác hết 3.000m3.
Không những vậy, vào ngày 25/10/2018, sở TN&MT tỉnh Bình Thuận đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra tại khu vực dự án Lạc Việt ghi nhận dự án đã triển khai việc san lấp. Tại vùng biển tiếp giáp với dự án có 2 sà lan, 2 boong tàu đang neo đậu, có một số công nhân đang lắp đặt các đường ống và các máy bơm nối từ các sà lan vào khu vực dự án.
Theo ý kiến của bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận thì thời gian qua, đã tổ chức 2 đợt kiểm tra và đình chỉ hoạt động bơm hút cát từ sà lan lên dự án đối với các chủ phương tiện, do chưa có Giấy phép thiết lập Bến thủy nội địa của cơ quan có thẩm quyền.
Trước những sai phạm này, ngày 21/12/2018, UBND tỉnh Bình Thuận đã có Công văn số 5429/UBND-KGVXNV yêu cầu chủ đầu tư dự án Lạc Việt dừng ngay việc chuyển tải cát theo đường biển để san lấp mặt bằng dự án; khẩn trương tháo dỡ toàn bộ thiết bị máy bơm, ống bơm và các thiết bị khác có liên quan phục vụ cho việc bơm hút cát từ các phương tiện neo đậu ngoài biển vào khu vực dự án trước ngày 21/12/2018; chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước trong hoạt động mua bán cát san lấp mặt bằng…
Trước một số vi phạm bị cơ quan chức năng “chỉ mặt”, nhưng DRH cho rằng việc đơn vị này san lấp dự án đã được UBND tỉnh này cho phép. Và cũng cho rằng không có quy định nào yêu cầu phải san lấp bằng “cát mặn” hoặc “không mặn”. Đơn vị này cũng cho rằng, việc mua cát là có phối hợp với các công ty, còn nguồn gốc cát thì DRH không can thiệp.