CTCP Dược – Trang thiết bị Y tế Bình Định (Bidiphar, HoSE: DBD) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2023 với doanh thu thuần đạt 444,5 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, giá vốn lại nhích nhẹ lên 242 tỷ đồng khiến lợi nhuận gộp giảm 10% về mức 202 tỷ đồng.
Trong kỳ, chi phí bán hàng của doanh nghiệp giảm 10% xuống 84,5 tỷ đồng trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng 12% lên 61,2 tỷ đồng. Kết quả, Bidiphar lãi sau thuế gần 59,2 tỷ đồng, giảm 25% so với quý IV năm ngoái.
Dù quý cuối năm không mấy khởi sắc nhưng luỹ kế cả năm 2023 Bidiphar vẫn đạt kỷ lục về cả doanh thu và lợi nhuận.
Theo đó,doanh thu thuần của công ty đạt 1.657,7 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ. Mảng đem về doanh thu lớn nhất là dược phẩm sản xuất với 1.194,7 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế và sau thuế lần lượt đạt 320 tỷ đồng và 269,3 tỷ đồng, tăng 8% và 11% so với cùng kỳ năm ngoái.
Năm 2023, Bidiphar lên kế hoạch kinh doanh tương đối thận trọng với mục tiêu tổng doanh thu đạt 1.800 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế gần như đi ngang so với cùng kỳ ở mức 300 tỷ đồng.
Với kết quả đạt được, công ty đã thực hiện được 92% mục tiêu doanh thu và vượt gần 7% chỉ tiêu lãi trước thuế cả năm.
Tại thời điểm 31/12/2023, tổng tài sản của Bidiphar đạt 1.989,6 tỷ đồng, tăng 94 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền đạt 309 tỷ đồng, tăng 12% so với đầu năm.
Hàng tồn kho nhích 8% lên 487,8 tỷ đồng. Trong đó chi phí xây dựng cơ bản dở dang tăng 68% lên gần 163 tỷ đồng, chủ yếu nằm ở nhà máy sản xuất dược công nghệ cao và dây chuyền thuốc tiêm bột.
Phía nguồn vốn, tính đến ngày 31/12, tổng nợ phải trả của Bidiphar ở mức 556,6 tỷ đồng, nhích nhẹ so với số đầu năm. Nợ vay ngắn hạn ở BIDV tăng gấp hơn 2 lần đầu năm lên 35 tỷ đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp còn khoản vay dài hạn 44 tỷ đồng từ Quỹ đầu tư phát triển Bình Định.
Vốn chủ sở hữu doanh nghiệp ở mức 1.428 tỷ đồng, gồm 748 tỷ đồng vốn góp và 478,6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.