Theo đó, vào hồi 17h ngày 5/12/2013, đoàn cán bộ của Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Thủy Nguyên và Chi cục thủy lợi (Sở Nông nghiệp Hải Phòng) đã có cuộc kiểm tra đột suất việc xả nước thải ra môi trường của Công ty TNHH CN Giày Aurora.
Tại cửa xả nước thải ra mương thoát nước chung với khu dân cư, nước xả ra của Công ty khi quan sát bằng mắt thường có màu trắng đục và có mùi hôi. Tại khu vực ngoài tường bao của Công ty (sau trạm xử lý), các bên cũng phát hiện một số điểm rò rỉ nước từ phía trong nhà máy ra khu ruộng canh tác của nhân dân cũng có màu trắng đục và mùi hôi.
Đoàn công tác đã yêu cầu Công ty TNHH CN Giày Aurora dừng ngay việc xảy nước thải ra môi trường, gây ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.
Ông Nguyễn Thế Phòng, trưởng thôn 5, trực tiếp dẫn phóng viên ra hiện trường để chỉ những dòng nước bẩn tràn từ nhà máy ra.
Công ty TNHH Công nghiệp Giày Aurora Việt Nam hoạt động từ năm 2008 nhưng đến ngày 15/10/2013, Công ty này mới mang hồ sơ đến Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hải Phòng làm thủ tục xin cấp nước thải vào hệ thông công trình thủy lợi và đến ngày 5/12, Nhà máy này vẫn chưa được các ngành chức năng chấp thuận cho phép xả thải vào hệ thống thủy lợi.
Được biết từ ngày nhà máy Giày Aurora hoạt động cho đến nay, đã có nhiều ý kiến, kiến nghị. Tại kỳ họp thứ 14, HĐND khóa 13(năm 2009), ông Nguyễn Văn Thành, phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng (nay làm Bí thư Thành ủy) đã nêu rõ: tiếp thu kiến nghị của cử tri, Trung tâm quan trắc môi trường thuộc Sở Tài nguyên và môi trường Hải Phòng đã tiến hành kiểm tra, quan trắc và phân tích môi trường, kết quả cho thấy có dấu hiệu ô nhiễm một số thông số của mẫu nước thải: BOD5 vượt 17,82 lần; COD vượt 14,83 lần; tổng chất rắn lơ lửng (TSS) vượt 1,47 lần; Ni tơ tổng vượt 3,5 lần; Phốt pho tổng vượt 1,21 lần, Dầu mỡ vượt 1,7 lần; Nitơ ammoniac vượt 7,63 lần; Coliform vượt 2600 lần…
Căn cứ vào kết quả quan trắc này, sở Tài nguyên môi trường Hải Phòng đã giao cho thanh tra sở xử lý nghiêm các vi phạm và thực hiện chương trình giám sát môi trường theo quy định.
Khu Đầm Dê bị bỏ hoang.
Ở đây có rất nhiều người chết vì bệnh ung thư trong thời gian gần đây.
Ông Đồng Văn Thăng, chủ tịch HĐND xã Thiên Hương cho biết: "Trong bản tổng hợp ý kiến cử tri của kỳ họp thứ 6, HĐND xã khóa 19, nhân dân cũng đã có đề nghị UBND xã xử lý khu công nghiệp Aurora chở rác thải ra khu Đồng Kênh(thôn 8) đốt vật liệu thải, xả hơi độc hại thường vào ban đêm, gây độc hại ảnh hưởng đến khu dân cư và nhân dân".
Ông Nguyễn Thế Phòng, trưởng thôn 5, người trực tiếp dẫn phóng viên ra hiện trường xung quanh Nhà máy Giầy Aurora tố cáo: "Hiện tại, khu Đầm Dê không nuôi trồng thủy sản được, có khoảng gần 20.000m2 đất bị bỏ hoang. Hàng ngày mùi khét lẹt từ nhà máy lan tỏa trong không khí gây ảnh hưởng đến nhà trẻ và trạm y tế xã ngay bên cạnh đó".
Ông Phòng mong muốn các cơ quan chức năng Trung ương cần vào cuộc làm rõ nạn ô nhiễm môi trường ở đây cũng như làm rõ việc một số người dân bị mắc bệnh ung thư, viên phổi, viên đường hô hấp…
Được biết, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 201/2013/NĐ-CP (có hiệu lực trong quý I – 2014) quy định chi tiết một số điều của Luật Tài nguyên nước, trong đó quy định việc lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân liên quan trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước. Quản lý chặt chẽ vấn đề xả nước thải vào nguồn nước.
Theo Nghị định này, việc lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân liên quan trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước có ảnh hưởng lớn đến sản xuất, đời sống của nhân dân trên địa bàn theo quy định tại Điều 6 của Luật Tài nguyên nước.
Một bên là trạm y tế và trường mầm non – một bên là nhà máy.
Văn bản này nêu rõ, các dự án có xây dựng công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước phải lấy ý kiến của nhân dân, trong suốt quá trình thực hiện công trình khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước, các thông tin trên phải được niêm yết công khai tại Uỷ ban nhân dân cấp huyện, uỷ ban nhân dân cấp xã và nơi địa điểm công trình. Đồng thời các thông tin này cũng phải được công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng của Uỷ ban nhân dân các huyện và trên trang thông tin điện tử của Uỷ ban nhân dân tỉnh nơi có công trình khai thác, sử dụng nước thực hiện… Đây sẽ là cơ sở, nền tảng pháp luật để xử lý nghiêm những doanh nghiệp coi thường pháp luật.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về các sai phạm ở đây.
Linh Nhâm – Đức Lãng