BOTAŞ, công ty thương mại đường ống dẫn dầu thô và khí đốt tự nhiên thuộc sở hữu của nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ, đang phải tìm kiếm một khoản vay trị giá khoảng 2 tỷ USD để đáp ứng các khoản trả nợ sắp tới. Trong đó bao gồm một số khoản nợ với Gazprom PJSC, công ty khí thiên nhiên hàng đầu của Nga.
Cho đến nay, BOTAŞ mới được bảo đảm khoảng 5 tỷ Lira (365 triệu USD) từ một nhóm các nhà cho vay địa phương, thiếu rất nhiều so với nhu cầu của công ty trong năm. Các cuộc thảo luận về phần còn lại của nguồn tài trợ đã bị trì trệ trong những tuần gần đây. Nguyên nhân là các ngân hàng không muốn gia hạn khoản vay ngoại tệ của công ty do sự biến động của giá khí đốt toàn cầu và đồng Lira Thổ Nhĩ Kỳ. Công ty BOTAŞ, có trụ sở tại thành phố Ankara, dùng USD để chi trả cho khí đốt nhập khẩu và bán nhiên liệu này với giá chiết khấu, tuy nhiên khí đốt càng trở nên đắt đỏ khi đồng Lira suy yếu. BOTAS hiện chưa phản hồi với các yêu cầu bình luận. Quỹ đầu tư quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ (TWF), đơn vị sở hữu công ty BOTAS, cũng chưa đưa ra bình luận.
Công ty BOTAS mua gần một nửa lượng khí đốt của Thổ Nhĩ Kỳ, chủ yếu thông qua các hợp đồng dài hạn với Công ty Gazprom. BOTAS cũng mua khí đốt từ Azerbaijan, Iran, Nigeria và Algeria. Công ty BOTAS đã ký một thỏa thuận mới với nhà xuất khẩu Gazprom kéo dài bốn năm, để cung cấp lên tới 5,75 tỷ mét khối/năm thông qua đường ống Turk Stream bắt đầu từ ngày 1/1.
Giá khí đốt ở châu Âu và châu Á gần như đã tăng gấp ba lần trong sáu tháng qua, trong bối cảnh nguồn cung bị gián đoạn và nhu cầu tăng mạnh khi các nền kinh tế mở cửa trở lại hậu đại dịch Covid-19. Cuộc khủng hoảng năng lượng đã ảnh hưởng đến các nhà phân phối khí đốt trên khắp châu Âu. Một số công ty ở nước Anh đã sụp đổ, trong khi tập đoàn năng lượng khổng lồ Uniper SE của Đức vào tuần này cũng cho biết đã phải vay hàng tỷ USD để thanh toán các khoản ký quỹ.
Cuộc khủng hoảng tiền mặt có nguy cơ gây thêm sức ép cho nền kinh tế và bảng cân đối kế toán vốn đã căng thẳng của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ. Các nhà chức trách đang cố gắng kiềm chế lạm phát hiện đạt mức cao nhất trong vòng 19 năm (hơn 36% vào tháng 12), với giá điện và năng lượng tăng mạnh.
Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những nhà nhập khẩu khí đốt lớn nhất ở châu Âu. Những khó khăn của BOTAS càng trở nên trầm trọng do không thể chuyển hoàn toàn việc tăng giá cho người tiêu dùng trong nước. Bên cạnh đó, đồng Lira đang tiếp tục đà trượt giá sau khi đã giảm mạnh khoảng 44% so với đồng USD trong năm ngoái.
Giá năng lượng toàn cầu tăng cao buộc BOTAS phải tăng cường nguồn cung từ thị trường giao ngay với chi phí cao hơn. Tổng nợ của BOTAS đã tăng hơn 20% vào năm 2020, lên 54,8 tỷ Lira. Giá hỗn hợp nhập khẩu khí đốt của công ty trung bình ở mức 500 USD/nghìn mét khối. Theo ông Ali Arif Akturk, cựu giám đốc điều hành BOTAS, con số đó gấp 5 lần con số khoảng 100 USD mà công ty tính phí hộ gia đình. Ông cho biết thêm rằng sự chênh lệch giữa giá mua và giá bán có thể gây ra khoản lỗ lên tới 7 tỷ USD vào năm 2021.
Trong một nỗ lực nhằm hỗ trợ tài chính cho BOTAS, Nghị viện Thổ Nhĩ Kỳ đang xem xét dự thảo luật để bãi bỏ các khoản tiền phạt, thuế và các khoản nợ chưa thanh toán của công ty đối với các tổ chức chính phủ. Ngân hàng trung ương cũng bắt đầu khôi phục việc bán ngoại tệ cho BOTAS mà trước đó bị tạm dừng, cung cấp cho công ty 258 triệu USD vào tháng 10 và 2,23 tỷ USD vào tháng 11 năm ngoái.
Vào tháng 6/2021, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đã có phát hiện mới về khí đốt tự nhiên ở Biển Đen, đồng thời cho biết thêm rằng nước này sẽ tăng cường nghiên cứu nhằm giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu cũng như giảm chi phí về năng lượng của đất nước. Tuy nhiên, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ không bắt đầu sản xuất khí đốt trước năm 2023.
Vào năm 2021, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã dự kiến tiêu thụ khí đốt tăng 25%, lên mức kỷ lục 60 tỷ mét khối. Theo cơ quan quản lý năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia này đã nhập khẩu 50 tỷ mét khối khí đốt trong 11 tháng đầu năm 2021.
Hà Thanh (theo Bloomberg, Reuters)