Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Giáo dục Hà Nội (MCK: EID) công bố báo cáo tài chính năm 2021 với nhiều chỉ tiêu đi ngang so với năm 2020.
Cụ thể, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp ghi nhận 813 tỷ đồng, tăng 18,5% so với cùng kỳ. Cơ cấu doanh thu chủ yếu đến từ bán sách giáo khoa, sách bổ trợ (806 tỷ đồng) và bán sách tham khảo (151 tỷ đồng).
Giá vốn hàng bán của công ty kinh doanh các sản phẩm giáo dục trên ghi nhận 562 tỷ đồng, tăng 15,8% so với năm trước giúp doanh nghiệp đem về 216,5 tỷ đồng lãi gộp.
Doanh thu đến từ hoạt động tài chính đạt hơn 7 tỷ đồng, tăng gấp 1,5 lần so với cùng kỳ. Các khoản chi phí đều ghi nhận có sự tăng trưởng, cụ thể chi phí tài chính tăng 7,8% lên 6,9 tỷ đồng; chi phí bán hàng tăng 16,7% lên 81,7 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh tới 48% lên mức 70,9 tỷ đồng.
Sau khi khấu trừ đi mọi chi phí, doanh nghiệp đem về 49,5 tỷ đồng tiền lãi sau thuế TNDN, gần như đi ngang so với năm 2020, giảm nhẹ hơn 383 triệu đồng.
Năm 2021, công ty đề ra mục tiêu kinh doanh với doanh thu đạt 557 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 46 tỷ đồng. Kết thúc năm tài chính 2021, EID đã thực hiện được vượt kế hoạch với tỉ lệ đạt 146% doanh thu và 144% lợi nhuận trước thuế theo kế hoạch đề ra.
Doanh nghiệp cho biết năm 2021 là năm công ty gặp nhiều khó khăn do các khó khăn chung của cả nước và toàn ngành giáo dục. Nhưng EID đã phát huy trình độ, kinh nghiệm và các mối quan hệ của mình để giữ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty duy trì sự ổn định.
Đến cuối năm 2021, tổng tài sản của EID ghi nhận hơn 505 tỷ đồng, tăng nhẹ 5,4% so với hồi đầu năm. Cơ cấu tài sản chủ yếu là tài sản ngắn hạn, trong đó ghi nhận tiền và các khoản tương đương tiền chiếm phần lớn với gần 197 tỷ đồng, bên cạnh đó hàng tồn kho cũng ghi nhận lên tới gần 130 tỷ đồng (giảm 15 tỷ đồng so với đầu năm).
Đáng chú ý, trong năm, EID ghi nhận khoản nợ xấu hơn 3 tỷ đồng đến từ CTCP Đầu tư và Phát triển Giáo dục Phương Nam. Theo đó, công ty Phương Nam chưa thể thanh toán khoản công nợ mua sách phát sinh từ năm 2017 theo đúng thời hạn thanh toán được quy định trong các hợp đồng mua bán. Căn cứ vào số nợ quá hạn và thời gian quá hạn thanh toán với công ty này trong các năm trước, Công ty đã thực hiện trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi.
Năm 2021, theo thỏa thuận hợp đồng giữa hai bên, EID đã đồng ý nhận trả lại bộ sách Tiếng Anh 3S (Express) của CTCP Đầu tư và Phát triển Giáo dục Phương Nam, đồng thời hạch toán giảm nợ phải thu và dự phòng tương ứng đối với công ty này và ghi nhận một khoản hàng bán bị trả lại là bộ sách Spark Special Edition với tổng số lượng 224.330 bản với giá trị hơn 10,48 tỷ đồng được nhận trả lại từ Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Giáo dục Phương Nam do khó tiêu thụ. Công ty cũng đã đánh giá để trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho đối với các loại sách nhận trả lại.
Về nguồn vốn, nợ phải trả của doanh nghiệp sách tính đến ngày 31/12/2021 ghi nhận 173,5 tỷ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn chiếm tới 171 tỷ đồng, tương ứng 98,5% trên tổng nợ. Vốn chủ sở hữu của EID vào cuối năm tài chính 2021 đạt gần 332 tỷ đồng.
Năm 2022, Đầu tư và Phát triển Giáo dục Hà Nội dự báo sẽ có nhiều khó khăn do sự bất ổn của thế giới và ảnh hưởng của đại dịch dẫn đến giá cả các yếu tố đầu vào tăng cao, học sinh cả nước chưa thể ổn định đến trường,… có nhiều thay đổi tác động trực tiếp đến hoạt động SXKD, việc cung ứng sách giáo dục cho các công ty sách thiết bị giáo dục địa phương.
Từ đó, doanh nghiệp đề ra kế hoạch sản xuất kinh doanh cho năm 2022 với sản lượng phát hành sách đạt 54,37 triệu bản; doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ ghi nhận ở mức 700 tỷ đồng, giảm 10% và lợi nhuận đạt 50 tỷ đồng, tăng nhẹ 1 tỷ đồng so với thực hiện năm 2021.
Trong cuộc họp HĐQT được tổ chức gần đây, HĐQT của EID đã tiến hành biểu quyết thông qua việc bầu ông Nguyễn Chí Bình lên giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT doanh nghiệp nhiệm kỳ 2022-2027 kể từ ngày 31/3.
Ông Bình hiện đang là Phó Tổng giám đốc Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam, doanh nghiệp đang nắm giữ tới 40,16% vốn tại EID, đồng thời là cổ đông lớn có ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh tại EID.