Liên quan đến vụ việc cư dân khu vực Tây Nam TP.Hà Nội bức xúc phản ánh nước máy do Công ty Cổ phần Nước sạch sông Đà (Viwasupco) cung cấp có mùi lạ, khét. Người dân đang rất quan tâm không biết khu dân cư mình đang sinh sống có bị ảnh hưởng bởi sự cố này hay không. Vậy, người dân ở những quận, huyện nào đang dùng nước của Viwasupco?
Theo tìm hiểu của báo Lao Động, công ty Cổ phần Nước sạch sông Đà cung cấp nước tới các công ty nước sạch sau: Công ty cổ phần Viwaco; Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên nước sạch Hà Đông; Công ty Ngọc Hải; Công ty trách nhiệm hữu hạn Đồng Tiến Thành Hà Nam và Cổ phần Tây Hà Nội.
Trong đó, Công ty Nước sạch Hà Đông hiện đang quản lý, cung cấp dịch vụ cấp nước cho khoảng 150.000 khách hàng tại khu vực quận Hà Đông, một phần Nam Từ Liêm, một số xã của huyện Hoài Đức, Thanh Oai, Đan Phượng, Ứng Hòa...
Công ty Nước sạch Hà Đông sử dụng nguồn nước từ các trạm cấp nước do nguồn nước sạch sông Đà cung cấp khoảng 40.000 - 50.000 m3 cho khách hàng của mình. Nhu cầu sử dụng nước trung bình khoảng 115.000 m3/ngày đêm, vào các đợt nắng nóng có thể tăng lên 130.000 - 145.000 m3/ngày đêm.
Trong khi đó, công ty cổ phần Viwaco quản lý, cung cấp dịch vụ cấp nước cho hơn 147.000 khách hàng, tại khu vực quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, một phần quận Hoàng Mai, Cầu Giấy, Thanh Trì (phía Tây Quốc lộ 1A).
Đối với Công ty TNHH Đồng Tiến Thành Hà Nam và Cổ phần Tây Hà Nội, Công ty Ngọc Hải, đây là những doanh nghiệp tiếp nhận nguồn nước sạch sông Đà để cung cấp cho khu vực nông thôn dọc Đại lộ Thăng Long (các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Hoài Đức). Nhu cầu sử dụng nước ở khu vực này trung bình khoảng 30.000 m3/ ngày đêm, vào các đợt nắng nóng có thể tăng lên 32.000 m3/ngày đêm.
Chiều ngày 15/10, tại buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, ông Lê Văn Dục - Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, tại khu vực đầu nguồn tại khe núi tại xã Phú Minh, Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình có dấu hiệu bị đổ dầu nhớt thải trộm. Chất dầu thải này đã chảy lan ra suối rồi chảy vào hồ Đầm Bài (là hồ chứa nước của công ty nước sạch sông Đà).
Vậy nhưng, theo Dân trí, tắc trách hơn là dù phát hiện ra vụ việc nhưng cán bộ của Viwasupco không có bất cứ hành vi ứng cứu ngăn chặn ô nhiễm của nguồn dầu này theo quy định, mà cứ để mặc kệ, dẫn đến váng dầu này đã chảy vào nguồn nước qua hệ thống xử lý nước của nhà máy, rồi chảy vào hệ thống phân phối đến người dân ở các vùng Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Xuân.
Tối 15/10, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc xử lý ô nhiễm nguồn nước sạch sông Đà. Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo ngay Viwasupco khắc phục sự cố, kịp thời cung cấp nguồn nước sạch, bảo đảm chất lượng cho nhân dân.
Đồng thời, yêu cầu UBND TP Hà Nội, UBND tỉnh Hòa Bình có giải pháp kịp thời bổ sung, thay thế nguồn nước bị ô nhiễm, bảo đảm cung cấp đủ nước sạch, ổn định đời sống nhân dân trong khu vực trên.
Người đứng đầu Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, cùng các địa phương kiểm tra tình hình hoạt động của các nhà máy nước sạch trong cả nước để đảm bảo nguồn nước sạch, an toàn phục vụ nhân dân.
Đặc biệt, giao Bộ Công an chỉ đạo khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ việc nguồn nước bị ô nhiễm và việc cung cấp nước sạch từ Viwasupco không đảm bảo chất lượng.
Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Ông đề nghị các bộ, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ trên, báo cáo kết quả lên Thủ tướng trước 25/10.
Hiếu Nguyễn (tổng hợp)