Tiếp sức cho người khỏe
Điều tưởng như rất vô lý trên lại đang là một thực tế. Trong Công văn 10550/BTC-TCHQ ngày 12/8/2012 của Bộ Tài chính gửi các công ty là Vinaxuki, Đông Phong, Hoàng Trà, TMT, Bộ Tài chính khẳng định 4 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô này đã có đơn xin gia hạn nộp thuế, nhưng căn cứ Luật Quản lý thuế thì các doanh nghiệp không đủ điều kiện để được gia hạn nộp thuế nên phải nộp thuế đúng theo quy định của pháp luật.
Trở lại toàn bộ sự việc này, giữa tháng 5/2013, Công ty Trường Hải có đơn xin gia hạn nộp thuế nhập khẩu linh kiện ô tô đối với 4 công ty thành viên, với số thuế phải nộp hơn 1.200 tỷ đồng. Bộ Tài chính được giao trách nhiệm thẩm tra, xem xét và báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Ngày 7/6/2013, Bộ Tài chính có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất cho Công ty Trường Hải được gia hạn nộp thuế nhập khẩu. Số thuế được gia hạn nộp 1 năm, không quá 1.240 tỷ đồng. Việc gia hạn nộp thuế này cũng kèm theo các điều kiện như: phải có bảo lãnh của ngân hàng; không gia hạn đối với thuế nhập khẩu linh kiện xe nguyên chiếc; phải sử dụng tiền gia hạn nộp thuế để đầu tư dự án nhà máy sản xuất và chế tạo động cơ Chu Lai – Trường Hải.
Nhiều công ty ô tô cùng xin gia hạn thuế nhưng chỉ Trường Hải có thể “ăn mừng”
Căn cứ để gia hạn nộp thuế đối với Công ty Trường Hải là Công ty được gia hạn nộp thuế do trường hợp gặp “khó khăn đặc biệt” theo quy định tại Điều 49 Luật Quản lý thuế và Nghị định 87/2007/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Quản lý thuế.
Theo báo cáo của Công ty Trường Hải, khó khăn “đặc biệt” mà công ty gặp phải trong năm 2012 là hàng tồn kho lớn (khoảng 3.385 tỷ đồng), nợ đọng các tổ chức tín dụng 5.685 tỷ đồng, công ty phải sản xuất cầm chừng và trong thời gian tới, hoạt động của công ty còn gặp nhiều khó khăn, sức mua giảm, tiêu thụ chậm nên đề nghị được gia hạn nộp thuế.
Với các “khó khăn” mà Công ty Trường Hải nêu ra thì 4 doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô khác là Vinaxuki, Hoàng Trà, TMT, Đông Phong cũng ở hoàn cảnh tương tự. Thậm chí, 4 doanh nghiệp này còn bi đát hơn khi thị phần và sức cạnh tranh của họ trên thị trường ô tô còn thua kém Công ty Trường Hải về nhiều mặt.
Vì lý do trên, khi Công ty Trường Hải được xem xét gia hạn nộp thuế nhập khẩu linh kiện, các doanh nghiệp ở hoàn cảnh tương tự cũng thấy cần được “đối xử” tương tự. Tuy nhiên, khác với ý kiến trong báo cáo 7310/BTC-TCHQ gửi Thủ tướng Chính phủ, trong Công văn 10550/BTC-TCHQ, Bộ Tài chính thẳng thừng trả lời, các công ty không thuộc đối tượng được gia hạn nộp thuế theo Điều 14 Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế vì các doanh nghiệp này không gặp “khó khăn đặc biệt”. Bộ Tài chính cho rằng, những khó khăn mà 4 công ty nêu ra là khó khăn chung của toàn bộ nền kinh tế, không phải khó khăn riêng của các doanh nghiệp này. Hơn nữa, sản xuất và lắp ráp ô tô không thuộc danh mục các sản phẩm công nghiệp trọng điểm.
Cần phải đối xử công bằng
Cùng một vấn đề, một hoàn cảnh nhưng có thể thấy việc áp dụng chính sách của Bộ Tài chính hoàn toàn trái ngược nhau. Đánh giá về vấn đề này, luật sư Nguyễn Văn Tú cho rằng, lập luận của Bộ Tài chính về cùng một vấn đề đã có nhiều mâu thuẫn. Khi thuyết phục Thủ tướng Chính phủ cho phép Công ty Trường Hải được gia hạn nộp thuế, Bộ Tài chính cho rằng, những vấn đề về tồn kho hàng hóa, sức mua giảm, tiêu thụ chậm cần phải được xem xét là khó “khăn đặc biệt”. Khi không đồng ý với đề nghị gia hạn nộp thuế của 4 doanh nghiệp khác thì vấn đề tồn kho, tiêu thụ chậm, sức mua giảm lại trở thành “khó khăn chung”, không phải là “khó khăn đặc biệt”. Với sự tùy tiện này thì các quy định có tính chât tùy nghi của pháp luật đã trở thành “món quà” mà cơ quan nhà nước cho cũng được mà không cho cũng được.
Luật sư Nguyễn Văn Tú cũng cho rằng, việc nợ các tổ chức tín dụng, mở rộng đầu tư của Công ty Trường Hải không phải là “khó khăn đặc biệt” vì doanh nghiệp nào cũng là “con nợ” của ngân hàng cả. Hơn nữa, việc mở rộng đầu tư càng chứng minh doanh nghiệp này không khó khăn.
Theo luật sư Nguyễn Minh Anh, việc áp dụng cơ chế gia hạn nộp thuế cho Công ty Trường Hải đồng nghĩa phải áp dụng cơ chế này cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô khác vì họ có chung các điều kiện áp dụng cơ chế, chính sách. Những khó khăn hiện nay đều xuất phát từ việc sức mua giảm, tổng cầu của nền kinh tế giảm và “cầu” trong ngành công nghiệp ô tô giảm dẫn đến tồn kho, thu hẹp sản xuất của các doanh nghiệp. Những khó khăn này xuất phát từ những điều chỉnh chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ nhằm kiểm soát lạm phát trong thời gian vừa qua. Theo quy định tại Điều 24, Nghị định 106/2010/NĐ-CP của Chính phủ thì trường hợp do chính sách của Nhà nước thay đổi làm ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả sản xuất, kinh doanh của người nộp thuế thì được xem xét gia hạn nộp thuế.
Hơn nữa, việc chỉ Công ty Trường Hải được hưởng chính sách ưu đãi còn các doanh nghiệp khác thì không được như các Bộ Tài chính đã làm đã khiến các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô bất bình. Ai cũng biết, hiện nay Trường Hải đang là doanh nghiệp nội thống lĩnh thị trường lắp ráp, sản xuất các loại ô tô. Việc được gia hạn nộp thuế sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp này có thêm “máu” và thêm năng lực cạnh tranh, củng cố vị thế trên thị trường ô tô.
Với cách đối xử không công bằng này, không khác gì giúp sức cho Công ty Trường Hải cạnh tranh với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô khác đang thực sự gặp khó khăn.
Bình Minh