Phải thanh tra, kiểm tra một cách toàn diện
Ngày 9/9, dư luận tiếp tục quan tâm đến thông tin về tác động của vụ cháy ở Rạng Đông đến sức khoẻ của con người.
Theo đó, văn bản trước đó của UBND quận Thanh Xuân, Hà Nội chiều 30/8 nêu: “Công ty bóng đèn phích nước Rạng Đông đã nghiên cứu sử dụng loại amalgam thay thế cho thủy ngân lỏng trước đây và đưa vào sử dụng từ năm 2016”.
Tuy nhiên, Tổng cục Môi trường (bộ Tài nguyên và Môi trường), trong thông tin mới nhất cho biết: “Qua kiểm tra thực tế của Tổng cục Môi trường ngày 31/8/2019 cùng với quá trình đấu tranh với lãnh đạo Công ty, Công ty mới thừa nhận toàn bộ 480.000 bóng đèn huỳnh quang bị cháy sử dụng thủy ngân lỏng. Thủy ngân lỏng có độc tính cao hơn amalgam, dù amalgam là hỗn hợp thủy ngân với chất khác”.
Thông tin này được đưa ra đã khiến dư luận, đặc biệt những người dân sinh sống quanh khu vực công ty Rạng Đông khó hiểu, thậm chí không ít ý kiến cho rằng có sự bất nhất về thông tin từ phía công ty ngay từ sau khi vụ cháy xảy ra giống như cố tình che đậy trước dư luận.
Trao đổi với PV báo điện tử Người Đưa Tin, ĐBQH Bùi Văn Xuyền, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội bày tỏ: “Về phía chuyên môn, Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường, bộ Tài Nguyên và Môi trường phải vào cuộc, đồng thời xác định trách nhiệm của công ty Rạng Đông đến mức độ nào”.
ĐBQH Bùi Văn Xuyền cho hay, việc sử dụng hoá chất trong sản xuất hàng hoá đảm bảo tiêu chuẩn của bộ Khoa học Công nghê, bộ Tài nguyên và Môi trường theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn, nếu không thực hiện đúng thì phải xử lý theo quy định của luật pháp.
“Các cơ quan quản lý về khoa học công nghệ, về tiêu chuẩn đo lường chất lượng, đặc biệt là bộ Tài nguyên và Môi trường hàng năm thanh tra, kiểm tra thế nào? xử lý ra sao? các tiêu chuẩn của công ty sản xuất công bố thế nào.
Còn bây giờ, để một doanh nghiệp lớn như vậy có một báo cáo không thống nhất thì các cơ quan có chức năng quản lý về mặt môi trường, quản lý về tiêu chuẩn đo lường chất lượng, tất cả các cơ quan có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra phải vào cuộc, thanh tra và trả lời cho dư luận rõ. Xem công ty này sai phạm đến mức độ nào, cần phải xử lý ra sao.
Để xảy ra sự cố cháy vừa qua, nếu có thiệt hại thực tế cho người dân thì người dân hoàn toàn có thể khởi kiện”, ĐBQH Bùi Văn Xuyền cho biết.
ĐBQH Bùi Văn Xuyền cũng phân tích, trách nhiệm về quản lý nhà nước của các cơ quan chức năng đối với công ty này, thì có nhiều cơ quan chức năng có liên quan. Đặc biệt, vấn đề quản lý về môi trường, đảm bảo tiêu chuẩn về hàng hoá… Điều này, phải được xem xét xử lý, thanh tra một cách toàn diện, trả lời cho công luận cách xử lý một cách thoả đáng.
“Không thể có câu chuyện mỗi báo cáo lại có một nội dung, thông tin khác nhau. Tôi cho rằng, trách nhiệm của UBND các cấp, đặc biệt là Hà Nội đối với doanh nghiệp sản xuất này như thế nào cần làm rõ. Đồng thời, bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý các lĩnh vực về sản xuất môi trường có độc hại, trách nhiệm ra sao? Cần phải được thanh kiểm tra một cách bài bản”, ĐBQH Bùi Văn Xuyền nhấn mạnh.
Nói về ý kiến nhiều người đang cho rằng, phía công ty Rạng Đông đang đánh lạc hướng dư luận, ĐBQH Bùi Văn Xuyền cho rằng điều này chưa thể khẳng định mà cần thanh tra, kiểm tra cho rõ.
“Nếu có sự gian dối, không thống nhất trong báo cáo để dẫn tới hậu quả thì cần phải xử lý trách nhiệm của công ty, kể cả những người có liên quan trong quản lý, thanh tra, kiểm tra hàng năm. Vì thế, từ bài học của vụ cháy ở Rạng Đông, cần phải làm một cách bài bản, siết chặt trách nhiệm quản lý của các cơ quan có chức năng, đặc biệt cả những người đứng đầu, cán bộ công chức theo dõi mảng việc từ cấp xã, cấp huyện, phường cho đến cấp quận…”, ĐBQH Bùi Văn Xuyền cho biết thêm.
ĐBQH Nguyễn Quang Tuấn (Đoàn Hà Nội) cũng bày tỏ: “Tổng cục Môi trường đã làm rõ thông tin, phía công ty Rạng Đông cũng đã thừa nhận dùng thuỷ ngân lỏng với 480.000 đèn huỳnh quang bị cháy, mọi chuyện đã rõ vậy thì nên để pháp luật vào cuộc”.
Người dân có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại
Chia sẻ thêm với PV báo Người Đưa Tin, luật sư Quách Thành Lực (Giám đốc công ty luật TNHH LSX - đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, công ty Rạng Đông đã cung cấp thông tin thiếu trung thực, che giấu khối lượng, chủng loại thủy ngân trong vụ cháy có thể bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn, xử lý hình sự những người vi phạm quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường.
“Có thể nói, vụ cháy ở Rạng Đông là sự cố môi trường xảy ra trong quá trình hoạt động của con người, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Vì thế, phía công ty khi xảy ra sự cố môi trường, cần phải cung cấp đầy đủ thông tin và có trách nhiệm ứng phó với sự cố môi trường”, luật sư Quách Thành Lực cho hay.
Chiểu theo luật, luật sư Lực cho biết theo khoản 2, Điều 33 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, sau vụ cháy, Công ty Rạng Đông phải dừng hoạt động, thực hiện biện pháp khắc phục và báo ngay cho UBND cấp xã hoặc UBND cấp huyện nơi thực hiện dự án hoặc cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường thuộc UBND cấp tỉnh, cơ quan có liên quan.
Bên cạnh đó, công ty Rạng đông phải có trách nhiệm khắc phục sự cố môi trường theo quy định tại Điều 112 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.
“Việc Tổng cục Môi trường thông tin mới đây rằng, phía công ty Rạng Đông thừa nhận toàn bộ 480.000 bóng đèn huỳnh quang bị cháy sử dụng thuỷ ngân (Hg) lỏng có độc tính cao hơn so với Amalgam. Tôi cho rằng, đây là hành vi gian dối, cung cấp thông tin thiếu trung thực, che giấu khối lượng, chủng loại thuỷ ngân ở vụ cháy.
Vì sự che giấu này, dẫn đến cơ quan có chức năng ứng phó sự cố môi trường không có đầy đủ thông tin, không đánh giá đúng mức về quy mô, sự nguy hại sức khoẻ đến người dân ở sự cố này, khiến cho sự cố môi trường ngày càng nghiêm trọng’, luật sư Lực nhấn mạnh.
Từ những phân tích trên, luật sư Lực cho rằng có thể đình chỉ hoạt động công ty có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn theo quy định tại Điều 78 và Điều 79, bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017).
Vị luật sư này cũng phân tích, không loại trừ khả năng xem xét dấu hiệu hình sự của các cá nhân có liên quan có lỗi để xảy ra vụ cháy, cũng như trong việc thông tin thiếu trung thực, đầy đủ, không ứng phó, khắc phục sự cố môi trường theo Điều 237, bộ luật Hình sự năm 2015.
Ngoài ra, luật sư Lực cũng nhấn mạnh, UBND các cấp có quyền yêu cầu bồi thường theo quy định của Luật bảo vệ môi trường năm 2014. Đồng thời, người dân cũng có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo Điều 601 về bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra và Điều 602 về bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường.