Theo phóng viên TTXVN tại London, Cơ quan Cạnh tranh và Thị trường Anh (CMA) đã phạt Meta, trước đây gọi là Facebook, 1,5 triệu bảng do công ty này không thông báo trước cho CMA về việc một số nhân viên chủ chốt rời công ty.
Theo tiêu chuẩn thông lệ, CMA sẽ ban hành một lệnh thực thi ban đầu (IEO) khi bắt đầu cuộc điều tra về một thương vụ sáp nhập đã hoàn tất.
Điều này nhằm đảm bảo rằng các công ty liên quan tiếp tục cạnh tranh với nhau như vốn có trước khi thương vụ sáp nhập diễn ra.
Quy trình này cũng giúp ngăn không cho các công ty hợp nhất sâu hơn trong khi quá trình xem xét việc sáp nhập đang được tiến hành.
CMA đã áp đặt loại lệnh này lên Meta tháng 6/2020, liên quan đến việc công ty này mua Giphy.
Lệnh này yêu cầu Meta phải chủ động thông báo cho CMA bất kỳ "thay đổi quan trọng" nào đối với doanh nghiệp, bao gồm cả việc từ chức của các nhân viên chủ chốt cũng như việc đạt được sự đồng thuận trước khi tuyển dụng lại hoặc phân bổ lại trách nhiệm.
Meta đã không thực hiện cả hai yêu cầu này khi có 3 nhân viên chủ chốt từ chức và tái bố trí công việc cho họ. Ba cá nhân này nằm trong danh sách các nhân viên chủ chốt mà trước đây Meta nộp cho CMA.
Hôm 6/1, cơ quan giám sát quyền riêng tư dữ liệu của Pháp (CNIL) cũng đã đưa ra án phạt đối với Facebook với khoản tiền phạt 60 triệu euro (68 triệu USD) vì vi phạm quyền riêng tư.
Theo báo cáo của CNIL, người dùng internet tại Pháp khi truy cập vào các trang web facebook.com gặp khó khăn nếu muốn thực hiện thao tác từ chối cookie. CNIL yêu cầu Facebook phải cung cấp cho người dùng ở Pháp các công cụ đơn giản hơn để từ chối cookie, nhằm bảo đảm đạt được sự đồng ý của họ.
Đào Vũ (Tổng hợp từ Vietnamplus, Công an Nhân dân)