Trước đó, ngày 7/9, Công ty đã tổ chức buổi giải quyết kiến nghị theo đơn của công nhân với sự tham gia của đoàn công tác huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.
Đoàn công tác gồm: Ông Lê Văn Vang, Chủ tịch liên đoàn Lao động huyện Nhơn Trạch làm Trưởng đoàn; bà Phan Thị Hiếu, hòa giải viên lao động; bà Nguyễn Hải Phượng, Trưởng đại diện ban Quản lý các khu công nghiệp Nhơn Trạch; ông Phạm Đình Duân, Trưởng đồn Công an khu công nghiệp...
Theo đó, nội dung kiến nghị của người lao động liên quan đến việc: Thông qua bộ phận quản lý, Công ty có chủ trương yêu cầu những công nhân làm việc tại đây từ 1997-2008 chuyển đổi hồ sơ làm việc. Cụ thể, họ yêu cầu công nhân viết đơn xin nghỉ việc, rồi ký hợp đồng lao động thời vụ với mức lương 4,2 triệu đồng/người/tháng (trước đó là hợp đồng vô thời hạn, mức lương hơn 6 triệu đồng-PV). Trường hợp công nhân không đồng ý, công ty gây khó dễ như chuyển công nhân qua bộ phận khác…
Giải thích về việc làm trên, đại diện Công ty cho rằng, những năm gần đây, Công ty gặp khó khăn trong sản xuất nên đưa ra nhiều phương án giảm chi phí cắt giảm lao động. Để tạo điều kiện cho công nhân có việc làm, công ty đề xuất thỏa thuận với công nhân lâu năm chuyển đổi hợp đồng lao động và giảm mức lương thực tế.
Tuy nhiên, sau buổi làm việc với đoàn công tác huyện Nhơn Trạch vào ngày 31/8, Công ty đã thông báo với các bộ phận ngừng thương lượng chuyển đổi hợp đồng lao động đối với lao động lâu năm.
Còn đối với những công nhân đã thương lượng chuyển đổi hồ sơ thành công trước ngày 31/8, công nhân và công ty sẽ tiếp tục thực hiện theo hợp đồng lao động mới. Từ ngày 1/9, công ty đã ngừng thương lượng chuyển đổi hồ sơ. Thế nên, đối với những trường hợp vẫn còn thương lượng chuyển đổi hồ sơ, công ty sẽ cho công nhân rút đơn xin nghỉ việc và tiếp tục thực hiện hợp đồng cũ.
Vẫn chưa yên tâm khi được mời lên Công ty để cùng làm việc với đoàn công tác huyện Nhơn Trạch, một nữ công nhân ngậm ngùi: “Thực ra, buổi làm việc trước đó, Công ty đã cam kết không chuyển đổi hồ sơ. Thế nhưng thực tế, những việc này vẫn xảy ra, các bộ phận đều vận động công nhân ký vào đơn nghỉ việc, với những lý do rất vớ vẩn như người nhà bị bệnh, mất sức lao động nhằm giảm chi phí trợ cấp thôi việc cho công nhân".
"Và theo như buổi làm việc sáng 7/9, những công nhân đã lỡ đăng ký chuyển đổi hợp đồng lao động trước 31/8 vẫn phải tuân theo mức lương mới, nghĩa là đã có hàng chục lao động bị thiệt thòi.
Trước đó, những lao động này đã bị hù dọa, nếu không ký sẽ cho nghỉ việc, cắt thưởng cuối năm… Những người này hầu hết là cán bộ, trưởng các bộ phận…
Thế nên, chúng tôi vẫn đành nín thở theo dõi vụ việc cho đến khi có văn bản chính thức. Thực ra, chuyện công ty cam kết với đoàn công tác cũng từng diễn ra trước đó, nhưng ép công nhân ký đơn nghỉ việc, chuyển đổi hợp đồng lao động vẫn âm thầm diễn ra”, nữ công nhân cho biết thêm.
Đại diện đoàn công tác huyện Nhơn Trạch cho rằng, việc Công ty thực hiện chuyển đổi hợp đồng lao động như trình bày là chưa đúng quy định pháp luật lao động.
Ngoài ra, trước đó ngày 31/8, đoàn công tác đã làm việc về vấn đề này, Công ty cam kết ngừng việc chuyển đổi hồ sơ nhưng đoàn công tác vẫn liên tục nhận được kiến nghị của công nhân.
Đến nay, Tổng Giám đốc Công ty khẳng định đã ngừng việc chuyển đổi hồ sơ làm việc với công nhân lâu năm từ ngày 1/9 theo cam kết. Thế nên, đề nghị Công ty phối hợp cùng công đoàn phổ biến cho công nhân toàn công ty biết.