Công ty Cổ phần Xây lắp điện 1 (PCC1, HoSE: PC1) công bố báo cáo tài chính quý IV/2021 với doanh thu thuần đạt 2.146 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2020. Trong quý, doanh thu tài chính đạt hơn 16 tỷ đồng, tăng gần 7 tỷ đồng so với cùng kỳ chủ yếu nhờ thu lãi tiền gửi.
Song chi phí tài chính cũng hơn gấp đôi lên 137 tỷ đồng, trong đó chi phí lãi vay là 92 tỷ đồng. Chi phí quản lý giảm 44% so với cùng kỳ, chủ yếu do giảm chi phí khấu hao tài sản cố định và lợi thế thương mại.
Ngoài ra, chi phí khác tăng hơn 10 tỷ lên 19,7 tỷ đồng, trong đó hơn 15 tỷ đến từ phân bổ quyền khai thác khoáng sản, phát triển dự án bất động sản. Kết quả, công ty báo lãi sau thuế 186 tỷ đồng, tăng 24%; lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ tương đương cùng kỳ, đạt 141 tỷ đồng.
Lũy kế cả năm 2021, Công ty thu về 9.813 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 47%. Trong cơ cấu doanh thu, hoạt động xây lắp mang về 6.714 tỷ đồng, gấp đôi năm trước và chiếm 68%.
Theo sau là doanh thu bán hàng hóa, vật tư 1.385 tỷ đồng. Hoạt động bán điện đem lại 928 tỷ đồng doanh thu, đây cũng mảng đóng góp nhiều nhất vào lợi nhuận gộp cả năm với 46% (528 tỷ đồng). Doanh thu sản xuất công nghiệp giảm 23% về 634 tỷ đồng. Còn lại là nguồn thu từ kinh doanh và chuyển nhượng bất động sản với gần 100 tỷ đồng, giảm mạnh 88%.
Trừ các chi phí phát sinh, Công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng 40% so với cùng kỳ lên 764 tỷ đồng và vượt 50% chỉ tiêu cả năm. Phần lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ tăng 35% lên 691 tỷ. EPS tăng 12% đạt 3.003 tỷ đồng. Trong năm 2020, Công ty phát hành thêm cổ phiếu ESOP và trả cổ tức, theo đó vốn điều lệ tăng từ 1.911 tỷ lên hơn 2.351 tỷ đồng.
Theo giải trình từ phía doanh nghiệp, kết quả năm ngoái tăng trưởng chủ yếu nhờ doanh thu tài chính đạt 319 tỷ đồng, tăng 282 tỷ đồng, phần lớn từ khoản lãi đánh giá lại khoản đầu tư khi mua tăng vốn từ công ty liên kết thành công ty con (262 tỷ đồng). Các công ty liên doanh liên kết Gang thép Cao Bằng cũng mang về khoản lãi gần 86 tỷ đồng, tăng 67 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Tại ngày 31/12/2021, quy mô tài sản tăng 75% lên 18.796 tỷ đồng, chủ yếu do tăng tài sản cố định từ 3.803 tỷ lên gần 10.257 tỷ đồng. Đầu tư tài chính dài hạn cũng tăng từ 81 tỷ đồng lên hơn 638 tỷ đồng do góp vốn 300 tỷ, ứng với 49% cổ phần tại công ty liên kết Đầu tư Bất động sản CT2; tăng vốn góp vào các đơn vị khác từ 4,5 tỷ lên hơn 214 tỷ đồng.
Tiền và tương đương tiền tăng hơn 800 tỷ đạt 2.300 tỷ đồng, gồm 777 tỷ đồng gửi không kỳ hạn tại ngân hàng, gần 1.500 tỷ đồng tiền gửi kỳ hạn 1 tháng với lãi suất 3-4%, cùng các khoản tiền gửi kỳ hạn dài hơn.
Về nguồn vốn, nợ vay tài chính ngắn hạn ở mức 2.781 tỷ đồng, tăng 1.195 tỷ đồng so với đầu năm do tăng các khoản vay bằng VND tại các ngân hàng như VietinBank, BIDV, Vietcombank, HSBC... Vay nợ dài hạn cũng tăng mạnh 4.084 tỷ đồng lên 6.255 tỷ đồng do phát sinh thêm các khoản vay bằng USD đáo hạn năm 2036 tại Asian Development Bank để xây dựng các dự án điện gió Liên Lập, Phong Huy, Phong Nguyên.