Trước việc người dân Bắc Ninh ồ ạt đưa con đi xét nghiệm sán lợn, chiều nay (21/3), Bộ Y tế đề nghị UBND tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo các Ban an toàn thực phẩm địa phương tăng cường kiểm soát chặt chẽ nguyên liệu đầu vào của các bếp ăn tập thể, các đơn vị cung cấp suất ăn công nghiệp, đặc biệt là đơn vị cung cấp nguyên liệu cho các trường học, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Cùng với đó, thông tin trên Người lao động, Bộ Y tế đã có công văn khẩn đề nghị UBND tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo Sở Y tế và các cơ sở y tế trên địa bàn dừng việc lấy mẫu máu xét nghiệm Elisa để chẩn đoán sán lợn. Theo Bộ Y tế, xét nghiệm Elisa dương tính (+) không thể khẳng định là hiện tại đang mắc bệnh sán lợn. Xét nghiệm này chỉ mang tính chất hỗ trợ khi có dấu hiệu lâm sàng và có một số kết quả xét nghiệm xác định khác.
Bệnh nhân chỉ cần xét nghiệm lại khi kết quả xét nghiệm Elisa dương tính (+), có triệu chứng lâm sàng và có chẩn đoán xác định hiện đang mắc bệnh. Bệnh nhân nhiễm sán lợn sẽ được điều trị theo phác đồ quy định tại các cơ sở y tế địa phương. Trường hợp kết quả xét nghiệm Elisa âm tính (-) thì không cần phải xét nghiệm lại, Thanh niên đưa tin.
Thứ trưởng bộ Y tế cũng đề nghị UBND tỉnh Bắc Ninh tăng cường công tác truyền thông để người dân hiểu bản chất của bệnh sán lợn, ý nghĩa của biện pháp chẩn đoán, xác định người đang mắc bệnh hay không để tránh ồ ạt đi xét nghiệm gây lãng phí. Đại diện Bộ Y tế đề nghị tỉnh Bắc Ninh khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh như ăn chín, uống chín, rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; tẩy giun, sán định kỳ theo huống dẫn.
Như Người Đưa Tin đã thông tin, tính tới hiện tại đã có trên 3.000 trẻ được phụ huynh đưa về Hà Nội xét nghiệm sán lợn. Đó là chưa kể hàng ngàn cháu khác được xét nghiệm tại địa phương.
Chiều 19/3, tại cuộc họp báo do UBND tỉnh Bắc Ninh tổ chức, đại diện Bộ Y tế khẳng định chưa có cơ sở khẳng định nguyên nhân các bé dương tính với nhiễm sán là do ăn thịt lợn ở trường, kể cả mẫu thịt lợn nghi có sán nếu đã được nấu chín, nguy cơ lây nhiễm bệnh hầu như không còn. Nguồn lây nhiễm sán lợn không chỉ có trong thịt, cá, rau sống mà nguồn nước không bảo đảm và không rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh đều có thể khiến trẻ nhiễm sán.
Đình Văn (Tổng hợp)