Điểm mới thu hút du lịch...
Cải tạo sông Tô Lịch trở nên không ô nhiễm đã là điều khó, biến khu vực này thành Công viên Lịch sử - Văn hoá - Tâm linh lại khó khăn gấp bội, và để công viên này trở thành bộ mặt của Thủ đô, thu hút khách du lịch lại là điều không nhiều người cho rằng sẽ làm được. Vậy sự tự tin này đến từ cơ sở nào?
Trao đổi với Người Đưa Tin về vấn đề này, ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch JVE Group chia sẻ: “Thoạt nhìn, mọi người sẽ thấy Đề án cải tạo sông Tô Lịch thành Công viên Lịch sử - Văn hoá -Tâm linh đâu đó sẽ giống mô hình của suối Cheonggyecheon tại Hàn Quốc, nhưng chắc chắn suối này lại không thể đẹp bằng sông Tô ở Hà Nội nếu cải tạo lại”.
Bởi, hai bờ tường của suối không có các bức phù điêu thể hiện lịch sử. Với mỗi triều đại lịch sử của dân tộc Việt, sẽ đều có một bức phù điêu thể hiện cuộc sống lúc bấy giờ, cao hơn là những người có công đức như các vị vua thì sẽ có tượng đài, văn bia, quảng trường,...
“Sẽ có rất nhiều công trình kiến trúc mang đến giá trị văn hoá, lịch sử cho người dân cũng như khách du lịch. Đây gần như là một cụm di tích ngoài trời, phát huy giá trị văn hiến nghìn năm Thăng Long", ông Tuấn Anh cho biết.
Mặt khác, điều thu hút khách du lịch khi đến với công viên chính là trải nghiệm và cảm giác thoải mái mà công trình mang lại. Người dân có thể thoải mái ngâm chân dưới dòng nước sông Tô mát lạnh ở phần nước nông, trải nghiệm các dịch vụ du thuyền trên sông ở phần nước sâu.
Nhưng phải thật thận trọng
Nhận định về ý tưởng Công viên này, GS. Nhà sử học Lê Văn Lan chia sẻ với Người Đưa Tin: “Kén chữ chọn câu mãi, cũng phải đến lúc dùng chữ “kỳ vĩ" cho ý tưởng này, có nghĩa lạ và lớn ”.
Tuy nhiên, Đề án mới đang ở mức ý tưởng, từ ý tưởng đến thực tiễn còn vô vàn khó khăn, phức tạp. Đơn cử như việc đặt tượng của hàng chục vị vua dọc theo bờ sông cũng đã là điều không tưởng.
Theo kinh nghiệm tôi đã trải qua từ bức tượng vua Lý Thái Tông, để cho ra đời một bức tượng thì cần có hội đồng, cuộc thi chọn, các tác giả tham dự, làm mẫu từ ¼ đến ½, sau khi được sự cho phép thì mới là mẫu tỉ lệ thực.
Quy trình đã phức tạp và tốn nhiều thời gian như vậy, chưa kể đến kinh phí. Bản thân GS.Lê Văn Lan cũng đang trong một dự án thực hiện bức tượng Vua Hùng, ông kể với Người Đưa Tin rằng, chỉ riêng việc nhờ nhà điêu khắc thiết kế mẫu đã lên tới 350 triệu, sau đó gửi mẫu để đúc, hoàn thiện sản phẩm, mức giá cuối cũng cho mỗi bức tượng lên tới hơn cả tỷ đồng.
Đó là ví dụ về một bức tượng, nhưng để hoàn thành công trình như JVE đề xuất lại cần đến hàng trăm đơn nguyên không chỉ dừng lại ở tượng mà còn là tranh, ảnh, câu chuyện gắn liền, khó khăn sẽ nhân lên gấp bội, ông nói tiếp.
Với quan điểm tương tự, GS.Viện sỹ Lương Ngọc Huỳnh cho rằng: “Đây là một Đề án hay và táo bạo. Song, chính bởi gắn liền với các cụm từ “Lịch sử”, “Văn hoá”, “Tâm linh" nên càng phải thận trọng khi triển khai".
Việc đưa tượng/ hình ảnh của các vị vua trưng dọc theo tuyến sông là điều cần phải nghiên cứu lại bởi đây là mô hình tuyến phố đi bộ công cộng. Đồng nghĩa với việc khó kiểm soát ý thức người dân, có thể họ sẽ gây tổn hại và có hành động không đúng mực với công trình, trong khi, hình ảnh những vị vua - người đứng đầu anh minh của các triều đại lịch sử phải được để ở nơi trang nghiêm, hoặc người dân có thể thờ cúng, bày tỏ sự kính trọng.
Mặt khác, ông giải thích thêm, sông Tô Lịch là dòng sông liên quan đến vấn đề tâm linh, phong thuỷ của cả Thành phố, vậy nên khi đề án đưa ra ý kiến đưa hầm ngầm xuống dưới lòng đất dọc sông, thì cần tính toán đến cả những yếu tố về tâm linh, phong thuỷ của vùng đất này.
Do đó, bên cạnh sự kết hợp công nghệ cao, ý tưởng mới, thì lịch sử, văn hoá, tâm linh là những điểm Đề án cần chú ý hơn nữa, đảm bảo để vấn đề này có thể lan tỏa nhưng không bị lệch lạc.
Trả lời về điều này với Người Đưa Tin, đại diện JVE cho biết sẽ sớm tổ chức một buổi hội thảo đặc biệt liên quan đến vấn đề văn hoá, tâm linh trong thời gian tới, để các chuyên gia lĩnh vực này cùng nhau bàn bạc, tiếp tục đóng góp ý kiến xây dựng cho dự án.
Bởi một trong những mục tiêu lớn của dự án được JVE đưa ra là, hồi sinh dòng sông Tô Lịch bị ô nhiễm nghiêm trọng thành một điểm đến của Lịch sử, Văn hoá dân tộc, một công trình mang đậm nét dấu ấn nghìn năm văn hiến Thăng Long, gắn với lịch sử phát triển của Thủ đô và đất nước.
Theo JVE, công trình sẽ được chia không gian mặt nước theo vùng mực nước nông và mực nước sâu. Từ đó, trong tổng số 18 Thời/Thời đại/Triều đại tái hiện chiều dài hàng ngàn năm lịch sử của dân tộc ta, sẽ được chia ra làm 2 vùng với mục đích sử dụng không gian mặt nước khác nhau.
Với ý tưởng để lòng sông tự nhiên, sẽ được áp dụng Công nghệ Bio-Nano Nhật Bản để xử lý tận gốc triệt để mùi hôi, phân hủy tầng bùn đáy, xử lý các chất ô nhiễm hữu cơ, diệt các vi khuẩn có hại đã và đang tồn tại trong lòng sông Tô Lịch và duy trì môi trường trong sạch, không còn bốc mùi hôi thối đảm bảo cảnh quan Công viên.
Bên cạnh đó, có kết hợp với Dự án thu gom nước thải bằng hệ thống cống bao dọc sông Tô Lịch đưa về Nhà máy XLNT Yên Xá và Dự án cấp nước bổ cập cho sông mà thành phố Hà Nội đã và đang triển khai để tránh chồng chéo, lãng phí chi phí đầu tư.
Cụ thể, vùng 1 - mực nước nông, mực nước sẽ được khống chế, giữ ở khoảng 50cm đến đầu gối bằng cách xây dựng các cửa thu nước chống ngập, chắn rác để khi mực nước cao hơn thì nó tự chảy tràn vào máng thu ở cạnh bên của sông.
Dọc hai bên bờ sát mép sông sẽ có dựng bậc tam cấp để người dân, du khách trong và ngoài nước có thể ngồi gần mặt nước hơn. Trẻ em, để người dân có thể đứng trong lòng sông khu mực nước nông 50cm này mà vẫn đảm bảo an toàn.
Vùng 2 - mực nước sâu, sẽ là khu vực đảm bảo cho dịch vụ Du lịch vãn cảnh trên Thuyền rồng hoạt động. Khu vực đảm bảo thiết kế, điều tiết để mực nước đủ độ sâu cho hoạt động du lịch thăm quan tái hiện cảnh Vua quan ngày xưa vãn cảnh trên Thuyền rồng. Hơn nữa, tùy nhu cầu của du khách, có thể thuê các bộ trang phục áo bào của Vua, áo quan để chụp ảnh trên Thuyền rồng. Khu vực này sẽ được xây dựng lan can ở mép sông để đảm bảo an toàn cho người dân, du khách.