Tuy nhiên, bỏ qua những điểm trừ không nổi trội lắm thì nhìn chung, ngày nay văn hóa sống của người Nhật Bản thường được đánh giá cao và được nhiều người ở nước ngoài nêu gương, học hỏi.
Từ hình ảnh 40 người cứu 1 người
Mà điển hình là cái tinh thần sống vì cộng đồng, bớt phần cá nhân để mình có thể vì mọi người của họ. Vì mọi người cũng chính là vì mình và cho mình. Cách sống đó dường như đã là cốt cách của con người Nhật Bản, đã ngấm vào máu thịt mỗi người, đến mức trong lúc những người ngoài như chúng ta hết lời khen ngợi và xưng tụng thì chính họ lại thấy là bình thường để rồi mỗi ngày vẫn mặc nhiên sống và ứng xử như thế.
Tinh thần của người Nhật là đây: 40 người hợp sức đẩy mạn tàu để cứu một nữ hành khách.
Người Nhật họ khiêm tốn, cẩn trọng với nhau thể hiện từ trong lời ăn tiếng nói với hệ thống kính ngữ nhiều tầng bậc, từ cái cách họ gập người cúi chào nhau lễ phép. Với họ, mỗi việc làm, hành động của bản thân luôn dựa trên nề nếp chung của xã hội, và ý thức đến sự tồn tại của những người khác chung quanh mình.
Để ý một chút thì chúng ta sẽ thấy rằng càng rơi vào tình cảnh khó khăn thì tinh thần đấy của họ càng được bộc lộ rõ nét. Hơn hai năm trước, cả thế giới đã ấn tượng mạnh với hình ảnh từng đoàn người trong và sau thảm họa động đất, sóng thần lịch sử nhẫn nại xếp từng hàng dài trước siêu thị thực phẩm để được mua và chỉ mua đúng khẩu phần mỗi người được phép mua còn nhường phần cho người khác phía sau, không tranh giành, không hỗn loạn dù ai lúc ấy cũng đang trong nỗi lo lắng tột độ cho an nguy của chính mình, người thân.
Và gần đây nhất là hình ảnh đẹp của khoảng 40 mươi hành khách không do dự cùng hợp sức đẩy mạn tàu để giúp một nữ hành khách thoát ra khi cô bị ngã xuống khoảng hở giữa tàu và sân ga ở nhà ga JR Minami Urawa, tỉnh Saitama hôm 22 tháng 7. Đó chính là tinh thần vì cộng đồng, vì nhau, và vì chính mình, một thứ tài sản vô giá, một thứ sức mạnh vô hình mà người Nhật từ lâu ý thức xây dựng và nắm giữ được.
Thực tế là với một đất nước nghèo nàn về tài nguyên như Nhật Bản thì tinh thần sống cộng đồng tốt đẹp này đã giúp người Nhật vươn lên, gặt hái được nhiều quả ngọt trong hầu khắp mọi lĩnh vực, và tất nhiên không ngoại trừ bóng đá, một môn thể thao tập thể mà ở đó tinh thần đồng đội được đặt lên hàng đầu.
Đợi chờ vai trò tiên phong của Công Vinh
Ở Việt Nam, Công Vinh được xem là cầu thủ chuyên nghiệp bậc nhất. Tính chuyên nghiệp của anh được xem là... của hiếm, được bao người ngưỡng mộ, đánh giá cao và là bí quyết giúp anh duy trì được phong độ cao suốt nhiều năm liền. Nhưng khi sang Consadole Sapporo thi đấu, hãy tin rằng Công Vinh sẽ bất ngờ về tính chuyên nghiệp của người Nhật, mà như đã nói ở trên, đây là điều rất bình thường đối với họ, bình thường như việc xếp hàng dài một cách rất trật tự, không chen lấn để mua thực phẩm.
Công Vinh đã đoạt Quả bóng vàng từ năm 2004 và suốt gần một thập kỷ qua, anh luôn được xem là ngôi sao số một của bóng đá Việt Nam. Dù là cầu thủ nổi tiếng về tính chuyên nghiệp, Công Vinh chắc hẳn đã quen với việc được cả đội bóng phục vụ, từ cấp CLB đến ĐTQG. Tất nhiên, điều này chỉ nhằm giúp Công Vinh phát huy tốt năng lực của mình mà thôi.
Nhưng khi sang Nhật, Công Vinh cần phải thay đổi để thích nghi. Dù kiệt xuất hay không, tất cả đều phải thi đấu, nỗ lực vì lợi ích chung, theo đúng tinh thần một người vì mọi người, và mọi người vì một người. Không hề là khẩu hiệu sáo rỗng, mà rất thực tế.
Sự thực, Công Vinh cần quá tự ti khi chuyển đến một nền bóng đá phát triển hơn. Dù mục đích của thương vụ là gì, anh sẽ có đất để "diễn", sẽ có đóng góp và vai trò nhất định đối với Consadole Sapporo. Nhưng trước hết, Công Vinh phải chuẩn bị tinh thần cống hiến hết mình cho đội bóng, giúp đội bóng giành được thành tích tốt, dù anh chỉ ở đó có vài tháng.
Công Vinh đã đóng vai trò tiên phong ở nhiều khía cạnh. Hãy hy vọng rằng, trong vai trò cầu thủ đầu tiên sang Nhật thi đấu, Công Vinh sẽ tạo được ấn tượng tốt trong mắt người Nhật. HLV Nguyễn Hữu Thắng hoàn toàn đúng khi nói rằng: "Nếu Vinh thi đấu tốt thì hình ảnh của bóng đá Việt Nam sẽ tốt hơn lên rất nhiều trong khu vực, đồng thời nó cũng sẽ tạo động lực để những cầu thủ khác, có khả năng như Trọng Hoàng, Thành Lương hay Văn Quyết sẵn sàng chấp nhận thử thách ở một đấu trường mới".
Hy vọng anh hiểu và thấm nhuần tinh thần Nhật Bản để hoàn thiện mình và chơi tốt trong thời gian sắp tới tại Consadole Sapporo. Tặng anh lời dạy đã đi cùng người dân Nhật Bản trong hơn 1400 năm nay của một nhà chính trị, nhà cải cách lừng danh trong lịch sử Nhật Bản, Thái tử Shotoku, đại ý rằng “Khi làm bất cứ việc gì, mọi người đều phải hợp lực, thuận hòa cùng nhau làm, không gây ra cãi vã thì mới tốt.”
Ngô Quang Vinh - Nghiên cứu sinh, Đại học Hitotsubashi, Tokyo (Nhật Bản)
Theo Thể thao & Văn hóa