Hơn hai năm trước, khi HLV Calisto gọi Công Vinh lên tuyển dự AFF Cup 2010 rồi lại phải nhắm mắt để anh về vì chấn thương trầm trọng, nhiều người đã ngỡ đó là thời khắc đen tối nhất trong sự nghiệp của ngôi sao tiền đạo này. Nhưng hơn hai năm sau, khi cùng đội tuyển trở về từ Thái Lan, Lê Công Vinh, dù chẳng hề hứng chịu những cơn đau thể xác, lại đang phải đối mặt với những cơn giông bão thậm chí còn lớn hơn.
Thất vọng trong sân, tai tiếng ngoài sân
Mọi chuyện trước khi AFF Cup 2012 diễn ra hoàn toàn mang lại những hứa hẹn về một viễn cảnh tốt đẹp với Công Vinh. Không còn bị chấn thương dây chằng hơn hai năm trước ám ảnh, Vinh lên tuyển với tư cách ngôi sao số một, niềm hy vọng trên hàng công của đội tuyển Việt Nam. Phong độ khá tốt ở các giải giao hữu khởi động khiến người ta thậm chí tin rằng, chính Vinh, chứ không phải bất kì tuyển thủ nào khác sẽ giúp đội tuyển tái lập lại chiến tích lịch sử diễn ra 4 năm về trước. Tuy nhiên, mọi chuyện sau đó trên đất Thái lại diễn ra hoàn toàn trái ngược với sự kỳ vọng.
Lê Công Vinh đã trải qua kỳ AFF Cup 2012 đầy sóng gió
Trận mở màn gặp Myanmar, Công Vinh ra sân ngay từ đầu nhưng thể hiện thái độ thi đấu vật vờ. Sau 69 phút thi đấu mà không tạo được bất kỳ dấu ấn nào, tiền đạo xứ Nghệ khiến HLV Phan Thanh Hùng không thể kiên nhẫn và buộc phải đưa ra quyết định rút anh ra ngoài.
Tiếp tục được ban huấn luyện bảo vệ trước sức ép dư luận, Công Vinh một lần nữa có tên trong đội hình xuất phát ở trận đấu gặp Philippines. Lần này, ngôi sao 27 tuổi được cho phép chơi trọn vẹn 90 phút và thể hiện tinh thần thi đấu năng nổ hơn. Nhưng khi kết thúc trận đấu mà đội tuyển Việt Nam đón nhận thất bại cay đắng, người ta đã nhìn vào Công Vinh để nói về một câu chuyện lạ: Anh không có nổi dù chỉ một cú dứt điểm về phía khung thành đối phương sau liên tiếp hai trận đấu.
Nỗi thất vọng trên sân cỏ dường như đã ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý Công Vinh, khiến anh có nhiều hành động vượt quá giới hạn khác ngoài sân cỏ. Buổi tập chuẩn bị cho trận đấu cuối cùng vòng bảng, theo nguồn tin nội bộ của đội tuyển thì khi biết mình không có tên trong đội hình chính thức, tiền đạo xứ Nghệ đã phản ứng bằng cách thể hiện thái độ không mấy tích cực. Thái độ ấy dường như là lý do giải thích tại sao khi gặp Thái Lan, trong khi hàng loạt đồng đội cùng dự bị khác lục tục ra khởi động sau 20 phút bóng lăn theo quy định, thì Công Vinh ngồi lại một mình ở khu kỹ thuật.
Cả trận đấu đó, Vinh không được HLV Phan Thanh Hùng cho vào sân một phút nào. Dường như, không còn ai giữ được kiên nhẫn với cách hành xử thiếu tôn trọng của Công Vinh. Còn giới truyền thông theo chân đội tuyển sang Thái Lan, trong nỗi thất vọng, đã đặt câu hỏi Công Vinh, phải chăng tự đặt mình lên trên các thành viên còn lại với tư cách ngôi sao sáng giá nhất?
Không một ai trả lời cho hành động gây ì xèo của Công Vinh. Nhưng sau khi từ đất Thái trở về, cái mất nhãn tiền của tiền đạo xứ Nghệ đã có thể nhìn thấy được. Hình ảnh thần tượng, hình ảnh của một ngôi sao luôn biết cách hành xử mẫu mực mà anh gây dựng rõ ràng đã bị sứt mẻ rất nhiều. AFF Cup 2012 quả thực là cơn ác mộng với Công Vinh. Và có lẽ, anh sẽ còn phải mất nhiều thời gian nữa để nỗ lực bù đắp lại.
Tương lai màu xám
27 tuổi, sau quá nhiều thăng trầm đi qua trong sự nghiệp, Công Vinh lẽ ra phải đang đứng trên đỉnh cao của đời cầu thủ. Nhưng kể từ sau kỳ AFF Cup lịch sử 4 năm về trước, anh dường như không gặp may trong quãng đường bóng đá của mình. Ở cấp độ CLB, kể từ AFF Cup 2008, anh chỉ một lần ra đi từ Hà Nội T&T sang CLB bóng đá Hà Nội. Tiếc thay, đó lại là cú chuyển nhượng để lại quá nhiều tai tiếng, khi Vinh lật kèo bầu Hiển và bị xem là kẻ bội tín vì bản hợp đồng mà nhiều người đồn đoán có giá trị lên đến xấp xỉ 14 tỷ đồng.
Nhưng thế sự xoay vần, khi bản hợp đồng có thời hạn kéo dài ba năm còn chưa ráo mực, bầu Kiên, người đã mang Công Vinh về, lại bất ngờ vướng vòng lao lý. Chuyện động trời của bóng đá Việt Nam diễn ra đúng thời điểm đội tuyển Việt Nam tập trung cao độ chuẩn bị cho AFF Cup 2012 và chắc rằng ít nhiều, nó cũng làm ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần của tiền đạo xứ Nghệ.
Trở lại với chuỗi sự kiện chẳng mấy êm đẹp xảy ra với Công Vinh trong thời gian diễn ra giải đấu trên đất Thái, người ta chợt giật mình nhớ lại nó cũng trùng khớp thời điểm lãnh đạo CLB bóng đá Hà Nội tuyên bố giải thể, không tham dự mùa giải 2013. Thông tin bay đến đại bản doanh của đội tuyển và Công Vinh thừa nhận anh đã bị sốc nặng trước biến cố này (dù đã lường trước). Dường như, đấy cũng là một trong những nguyên nhân khiến Vinh đánh mất mình vào thời điểm kỳ vọng đặt lên vai anh lớn nhất.
Phía trước anh, tương lai đang trở nên gập ghềnh khi CLB đã giải thể
Cơn ác mộng AFF Cup 2012 rồi cũng sẽ trôi qua theo thời gian. Nhưng lúc này đây khi trở về nước, thực tại chờ đợi Công Vinh sẽ là viễn cảnh thất nghiệp. Cơn giông bão lớn nhất sự nghiệp, bắt đầu bằng AFF Cup 2012 thất bại, sẽ được nối dài khi tiền đạo xứ Nghệ buộc phải tìm bến đậu mới cho mình. Có điều không giống như các đồng đội khác, vị thế ngôi sao cùng bản hợp đồng khủng vừa ký kết chưa lâu với bầu Kiên, vô tình lại khiến Công Vinh gặp quá nhiều khó khăn. Anh chắc chắn không thể đào đâu ra số tiền lên đến 18 tỷ chuộc hợp đồng (như một lãnh đạo CLB bóng đá Hà Nội từng tuyên bố). Đáng nói hơn, giữa thời buổi thóc cao, gạo kém này, chẳng đội bóng nào mặn mà giải cứu Công Vinh.
Nhìn một lượt những đội bóng tiềm năng mà Công Vinh có thể đến, thì Becamex Bình Dương hay Sài Gòn Xuân Thành đến lúc này đều đã cơ bản chuẩn bị đủ lực lượng cho mùa giải mới. Trong khi đó, Hoàng Anh Gia Lai thậm chí còn đang âm thầm đẩy bớt người đi do khủng hoảng thừa nhân sự.
Trở lại đội bóng quê hương SLNA là một giả thiết. Nhưng trong bối cảnh đội bóng xứ Nghệ đang thiếu tiền giữ chân hàng loạt trụ cột, thì họ dù muốn cũng chẳng thể đào đâu ra số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng giúp Công Vinh chuộc hợp đồng. Những đội bóng đang tuyển quân rầm rộ khác như Kiên Giang hay Thanh Hóa thì rõ ràng chẳng thể tính đến, bởi đó đều là các CLB nhà nghèo.
Nỗi khổ kêu trời khó thấu của Vinh, lúc này đây, lại là cái thế đi không được, ở không xong của một ngôi sao. Đáng nói hơn, khi cơn bĩ cực mà Vinh đang đối mặt tại cấp CLB dường như không có lối thoát. Nó khiến tiền đạo xứ Nghệ trong một cuộc trả lời phỏng vấn phải cay đắng thừa nhận: "Tôi sẽ nói chuyện với lãnh đạo CLB sau khi trở về để nói chuyện tình cảm về bản hợp đồng của tôi”. Lường trước khả năng không được giải phóng miễn phí, Vinh có thể chấp nhận thất nghiệp và đi học đại học để đầu tư cho tương lai của mình. Tiền đạo này còn không ngại bật mí có thể sẽ chuyển sang đá futsal trong thời gian tới.
Không ai muốn sự nghiệp của tiền đạo tài năng nhất trong vòng 10 năm qua của bóng đá Việt Nam phải kết thúc theo kịch bản đen tối như vậy. Nhưng vào lúc này, khi bản thân Công Vinh cũng chẳng biết làm cách nào để tìm lối thoát cho mình, thì liệu ai có thể hóa giải cơn giông bão đang vần vũ trên đầu anh. Tiền đạo xứ Nghệ đang đối mặt với thách thức lớn nhất trong sự nghiệp, mà đau đớn thay, anh chẳng thể làm gì ngoài việc chờ đợi và cầu nguyện.
Còn ai hứng bi kịch vì thất bại tại AFF Cup? Không chỉ Công Vinh đứng trước sóng gió sau khi trở về từ Thái Lan, người đồng đội của anh là tiền vệ Thành Lương và cả HLV Phan Thanh Hùng cũng đang phải đối mặt với hàng loạt hệ lụy. Với cá nhân Thành Lương, vấn đề cốt lõi nhất cũng là tìm một bến đỗ mới cho mùa giải 2013, khi CLB đã tuyên bố giải thể. Bên cạnh đó, anh cũng bị chỉ trích không thương tiếc, khi lên Facebook cá nhân và đăng tải lời nhận xét chẳng lấy gì làm hay ho ám chỉ một số đồng đội chơi thiếu tích cực tại AFF Cup. Trong khi đó, HLV Phan Thanh Hùng sau thảm bại tại Thái Lan trở thành cái tên đầu tiên phải chịu trách nhiệm. VFF mặc dù tuyên bố không sa thải ông mà sẽ tôn trọng bản hợp đồng còn thời hạn đến hết năm 2013. Tuy nhiên, TTK Ngô Lê Bằng lại bỏ ngỏ khả năng Liên đoàn sẽ chấp nhận nguyện vọng xin từ chức, nếu chiến lược gia gốc Quảng - Đà chủ động. Sau phát biểu gây xôn xao này của TTK Ngô Lê Bằng, HLV Phan Thanh Hùng cho biết, ông quá mệt mỏi và sẽ chỉ quyết định tương lai của mình trong thời gian tiếp theo. |
Minh Trí