COP29: Đi từ 100 tỷ USD đến 1.000 tỷ USD

Thứ 4, 13/11/2024 06:00

Tài trợ khí hậu vẫn là tâm điểm đàm phán tại Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP29) đang diễn ra ở Azerbaijan.

Năm nay, hơn bao giờ hết, Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP29) là về mức hỗ trợ mà các nước đang phát triển có thể mong đợi nhận được để chống lại hậu quả ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu.

Tương tự như các phiên trước, tài trợ khí hậu vẫn là tâm điểm đàm phán tại Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP29) khai mạc ở thủ đô Baku của Azerbaijan hôm 11/11.

Hai năm liên tiếp, hội nghị khí hậu của Liên Hợp Quốc được tổ chức ở các quốc gia giàu dầu mỏ: COP28 được tổ chức ở UAE, và COP29 đang diễn ra ở Azerbaijan.

COP29: Đi từ 100 tỷ USD đến 1.000 tỷ USD- Ảnh 1.

Một địa điểm khai thác dầu gần địa điểm tổ chức COP29 ở ngoại ô Baku, Azerbaijan. Ảnh: NY Times

Azerbaijan – quốc gia nằm tại khu vực Tây Á và thuộc vùng Kavkaz của lục địa Á-Âu – có tiềm năng năng lượng tái tạo khổng lồ chưa được khai thác, nhưng khoảng 60% doanh thu của nhà nước đến từ nhiên liệu hóa thạch và nước này có kế hoạch "tăng đáng kể" sản lượng dầu khí trong những năm tới.

"Là người đứng đầu một quốc gia giàu nhiên liệu hóa thạch, tất nhiên, chúng tôi sẽ bảo vệ quyền tiếp tục đầu tư và sản xuất của các quốc gia như vậy", Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev phát biểu vào tháng 4 tại một cuộc họp chuẩn bị cho COP29.

Bình luận của ông Ilham ám chỉ chương trình nghị sự mà quốc gia này có thể đưa ra khi tổ chức hội nghị COP29, nơi các nhà lập pháp từ gần 200 quốc gia sẽ đến thủ đô Baku để đàm phán về hành động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bên cạnh việc cắt giảm mạnh lượng khí thải, các quốc gia còn phải đối mặt với một thách thức đàm phán lớn khác: Thống nhất về mức hỗ trợ tài chính mà các nước đang phát triển cần nhận được để giúp giải quyết hậu quả của tình trạng thế giới nóng lên và phi carbon hóa nền kinh tế của họ.

Các quốc gia giàu có bao gồm Mỹ và Nhật Bản cũng như các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) trước đây đã cam kết huy động 100 tỷ USD mỗi năm vào năm 2020 để hỗ trợ các quốc gia đang phát triển.

Mục tiêu này lần đầu tiên đạt được vào năm 2022. Nhưng cho đến nay, một phần đáng kể nguồn tài trợ này đến từ các khoản vay lãi suất cao, dẫn đến những lời chỉ trích gay gắt và cáo buộc về việc "nuốt lời".

Ông Niklas Höhne, một chuyên gia về chính sách khí hậu của Viện Khí hậu Mới, một tổ chức phi chính phủ của Đức, tin rằng tại hội nghị COP29 ở Azerbaijan, các quốc gia có thể đồng ý với con số từ 200 tỷ USD đến 700 tỷ USD.

"Đó sẽ là một thỏa thuận tài chính công bằng giữa các quốc gia giàu có chịu trách nhiệm về biến đổi khí hậu và các quốc gia nghèo hơn chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ biến đổi khí hậu", ông Höhne cho biết.

Các quốc gia đang phát triển, bao gồm Ấn Độ và nhiều quốc gia châu Phi, đã nhiều lần kêu gọi khoản tài trợ hàng năm lên tới 1.000 tỷ USD – tăng gấp 10 lần so với cam kết hiện tại.

Các quốc gia công nghiệp đã bác bỏ những con số đó là không thực tế và muốn Trung Quốc và các quốc gia vùng Vịnh giàu dầu mỏ chia sẻ gánh nặng tài chính.

UAE, nơi tổ chức hội nghị về khí hậu năm 2023 (COP28), cũng chính thức được coi là một quốc gia đang phát triển.

Các nhà quan sát coi cam kết năm 2023 của quốc gia giàu dầu mỏ này về việc cung cấp tài trợ khí hậu cho các quốc gia nghèo hơn là một tia hy vọng rằng các quốc gia đang phát triển giàu có hơn có thể sẵn sàng chia sẻ trách nhiệm tài chính.

Minh Đức (Theo DW)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.