'Cột đá Thề' bị thay thế vì không có tính thẩm mỹ?

'Cột đá Thề' bị thay thế vì không có tính thẩm mỹ?

Thứ 7, 15/06/2013 14:55

Sau khi báo Nguoiduatin.vn đưa thông tin xung quanh việc “Cột đá Thề” tại Đền Hùng - Phú Thọ bị thay mới, chúng tôi đã tiếp xúc với nhiều cá nhân có trách nhiệm liên quan đến vụ việc này, cũng như nhiều nhà nghiên cứu văn hóa có hiểu biết sâu sắc về văn hóa tín ngưỡng.

Nhưng đến giờ, vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều chưa thể thống nhất trong việc nên, hay không nên đặt một Cột đá mới, to, đẹp, hoành tráng để thay “Cột đá Thề” cũ đã đi vào tâm thức của nhiều người.

Tìm câu trả lời cho “Cột đá Thề” cổ

PV đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Kim Hải, nguyên phó chủ tịch tỉnh Phú Thọ (phụ trách về văn hóa). Bà Hải cho biết, “Cột đá Thề” cũ là do ông Lê Tượng (nguyên là giám đốc khu di tích Đền Hùng thời điểm đó) tìm thấy vào năm 1966, sau đó người ta còn tìm thấy thêm 3 cột tương tự như vậy.

Bây giờ chưa ai khẳng định được cột đá đó nằm trong khu đền Thượng trước đây hay là cột đó là “Cột đá Thề” nhưng ông Tượng đã dựng nó tại đền Thượng. Từ ngày đó trở đi, trong suốt một thời gian dài, nhiều người, khi đến thăm Đền Hùng cho rằng đó là “Cột đá Thề” trong truyền thuyết. Người ta cho rằng, đó chính là minh chứng của lời thề Thục Phán thời kỳ giữ cơ nghiệp họ Hùng.

Xã hội - 'Cột đá Thề' bị thay thế vì không có tính thẩm mỹ?

Nhà nghiên cứu văn hoá Trần Lâm Biền.

Tuy nhiên, cũng xoay quanh sự có mặt của “Cột đá Thề” tại Đền Hùng, nhà nghiên cứu văn hóa Trần Lâm Biền lại cho rằng, ở Đền Hùng chẳng có cột đá nào là “Cột đá Thề” cả. Tôi là người đến đây từ những năm 1960, 1961 của thế kỷ trước, chẳng có hòn đá nào hết. Sau đó, người ta thấy ở đâu đó và người ta vớ được một cái cột như trong truyền thuyết, rồi nói là “Cột đá Thề”. Họ dựng lên đó như là một biểu tượng để cho người ta hướng tâm tới truyền thuyết chứ không hề có “Cột đá Thề” nào. "Trước đây, theo thuyền thuyết có nói đến “Cột đá Thề” và tôi đã được người ta dẫn ra lăng của vua Hùng, và bảo rằng hòn đá thề ấy thế này thế nọ, nhưng cũng không xác định được nó thế nào hết".

Xã hội - 'Cột đá Thề' bị thay thế vì không có tính thẩm mỹ? (Hình 2).

PGS.TS Lê Quý Đức.

Thay đá mới để xứng tầm với tổ tiên!?

"Năm 2008, bộ Văn hóa thông tin (cũ) đồng ý tu bổ, tôn tạo đền Thượng. Trong quá trình tu bổ di tích, nhận thấy “Cột đá Thề” cũ không có tính thẩm mỹ nên chủ trương thay thế cột đá cũ bằng “Cột đá Thề” mới có chất liệu đẹp, đảm bảo kiểu dáng màu sắc là một khối đá liền. Đồng thời cũng là để bỏ cột đá cũ bởi vì nó cũng là cột đá người ta dựng lên từ năm 1966 chứ nó không phải là cột đá nghìn năm để nhân dân cả nước còn chắp bái", bà Hải cho biết.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Hải, để có quyết định thay thế “Cột đá Thề” cổ bằng “Cột đá Thề” mới, tỉnh Phú Thọ và ban Quản lý di tích lịch sử Đền Hùng đã làm đầy đủ các thủ tục. Quyết định này do "Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia tổ chức họp và đã có chữ ký của 13 thành viên Hội đồng Di sản. Trong đó có chữ ký của giáo sư Đặng Văn Bài, cục trưởng cục Di sản lúc đó, thứ trưởng bộ Văn hóa thông tin (cũ) Trần Chiến Thắng, còn đại diện tỉnh Phú Thọ có ông Đặng Đình Vượng là Phó chủ tịch phụ trách xây dựng cơ bản cũng đã ký về thiết kế và phê duyệt đề án này. "Tôi nghĩ rằng tất cả những điều đó là thể hiện một việc làm hết sức trách nhiệm, hết sức phân minh với tổ tiên, với quốc gia, với dân tộc của tỉnh Phú Thọ, của Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, của bộ Văn hóa Thông tin (cũ) và của những người trực tiếp làm chủ đầu tư" - Bà Hải nhấn mạnh. 

Việc thay “Cột đá Thề” mới đều xuất phát từ một ý tưởng chung là làm thế nào để tôn tạo Đền Hùng đảm bảo tính thiêng liêng, tính thẩm mỹ và đảm bảo thực sự Đền Hùng là điểm đến trong hành trình tôn vinh về với cội nguồn dân tộc. "Di tích lịch sử cấp quốc gia thì dù chỉ thay một viên đá, một hòn ngói cũng phải có ý kiến của Bộ và tỉnh Phú Thọ đã làm rất đúng điều đó.

Xã hội - 'Cột đá Thề' bị thay thế vì không có tính thẩm mỹ? (Hình 3).

Ông Ma Ngọc Bảo.

Tùy tiện và thiếu tôn trọng người dân!?

Khẳng định có “Cột đá Thề” cổ:

Thời điểm xuất hiện “Cột đá Thề” theo bà Hải vào năm 1966, tuy nhiên theo tìm hiểu của PV, một nhân chứng từng chứng kiến “Cột đá Thề” trước đây đã khẳng định tận mắt chứng kiến “Cột đá Thề” cổ từ những năm cuối của thập kỷ 50 thế kỷ XX. Đó là ông Ma Ngọc Bảo (78 tuổi, tộc trưởng đời thứ 77 của dòng họ Ma - dòng họ duy nhất còn giữ lại được ngọc phả từ thời Hùng Vương, hiện đang sống tại TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ). Theo ông Bảo, sở dĩ ông khẳng định mốc thời gian này vì từ những năm 1957 đến 1962, thời điểm ông công tác trong ngành thương nghiệp, nên mỗi dịp Đền Hùng vào mùa lễ hội thì ông lại được giao nhiệm vụ phụ trách một tổ công tác dựng quán bán hàng ở trên đền Thượng để phục vụ bà con trong những ngày lễ và từ thời điểm đó ông đã nhìn thấy “Cột đá Thề”. Trong trí nhớ của ông, “Cột đá Thề” nhỏ, hình thoi, còn nguyên những khe rãnh xẻ dọc bị nước mưa xối mòn nhiều năm mà thành.

Theo như trả lời của nguyên phó chủ tịch tỉnh Phú Thọ, bà Nguyễn Thị Kim Hải, thì quy trình thay “Cột đá Thề” mới thay “Cột đá Thề” cũ đều đảm bảo theo đúng quy định của luật Di sản và ý kiến chỉ đạo cấp Bộ. Việc thay thế là kết quả của một quá trình với nhiều thủ tục, từ việc đề xuất của UBND tỉnh, của chủ đầu tư, sau đó là của bộ Văn hóa thông tin (cũ), giáo sư Đặng Văn Bài ký ra làm sao, ông Trần Chiến Thắng ký ra làm sao, rồi lấy từng ý kiến của cục Di sản văn hóa quốc gia như thế nào đều có hết và cuối cùng là duyệt thiết kế của ông Đặng Đình Vượng tháng 6/2008.

Những thông tin trên do bà Hải cung cấp đều khẳng định có đầy đủ trong hồ sơ lưu giữ ở Bảo tàng Hùng Vương. "Tôi khẳng định, tỉnh Phú Thọ, bộ Văn hóa thông tin (cũ) thời điểm đó đã làm rất đúng và xuất phát từ yếu tố tâm linh, hết sức trân trọng và muốn tri ân tiên tổ, không có mục đích gì khác". Trước nghi vấn “Cột đá Thề” cổ bị đưa đi đâu, bà Hải khẳng định rằng: "Cột đá cũ vẫn nằm trong bảo tàng Hùng Vương, làm gì có chuyện bỏ đi đâu được. Đó là những cái  mình phải trân trọng quá khứ, không thể bỏ đi đâu được. Nó đã là một trong những danh mục nằm trong sự tôn tạo tu bổ Đền Hùng thì theo đúng luật Di sản phải được lưu giữ trong bảo tàng, không thể mang đi đâu được".

Trước việc thay “Cột đá Thề” mới to, đẹp hơn từ phía ban Quản lý di tích Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ có sự chỉ đạo của bộ Văn hoá Thông tin, chúng tôi trao đổi việc này với PGS. TS Lê Quý Đức, nguyên phó viện trưởng viện Văn hoá và phát triển. Ông Đức cho rằng, "Người ta đã quan niệm nó là “Cột đá Thề” cũ thì dù nó có từ thời vua Hùng hay từ thời nào đi chăng nữa thì nó phải có ý nghĩa riêng của nó. Bây giờ mà thay vào cột đá mới thì nó hiện đại hóa, lại giả cổ. Như vậy sẽ mất đi tính chất thiêng liêng và mất đi ý nghĩa tâm linh của nó".

Vị PGS này nhấn mạnh: "Việc thay “Cột đá Thề” cũ bằng “Cột đá Thề” mới là rất phản văn hoá, phản khoa học. Phản văn hóa tức là ý thức về tâm linh, giá trị thiêng liêng của “Cột đá Thề” cũ. Phản khoa học vì chắc chắn nó không đúng với luật Di sản". Bởi theo lập luận của PGS. Lê Quý Đức, dẫu biết rằng người ta có quyền mở rộng để di tích được khang trang hơn như việc xây Bảo tàng Hùng Vương, quảng trường Hùng Vương là đúng đắn, nhưng thay thế cái cũ bằng cái mới, lạ lẫm và không có một giá trị nào về mặt văn hoá lẫn tín ngưỡng là không được".

Việc thay “Cột đá Thề” cũ bằng “Cột đá Thề” mới hiện nay về mặt khoa học bảo tồn di tích là hoàn toàn không đúng. Chính xác hành vi trên là hiện đại hóa và tân trang hóa lịch sử. "Tôi tin rằng luật Di sản không cho phép làm điều đó. Còn nếu như ai đó cho rằng việc làm này đúng theo cái tâm sáng của mình, thì đề nghị phải có cuộc điều tra xã hội học để người dân được phép đưa ra ý kiến của mình. Còn với tôi đó là sự tuỳ tiện vô lối!" - ông Lê Quý Đức đưa ra quan điểm cá nhân của mình.

Nên giữ lại biểu tượng của niềm tin

Cũng theo quan điểm của PGS. TS  Lê Quý Đức, "Dù “Cột đá Thề” cũ không phải là “Cột đá Thề” trong truyền thuyết, nhưng người dân đã đặt niềm tin vào đó. Việc tự tiện thay mới là không tôn trọng tín ngưỡng của người dân. Việc thay mới hòn đá có nghĩa là bắt người dân bỏ một hòn đá đã có trong tiềm thức sang một hòn đá mới lạ. Tôi cho rằng ở cột đá đó ít nhất trong tâm thức người dân cũng cho rằng: Cột đá đó là từ thời Hùng Vương. Tất nhiên, lịch sử cũng có nhiều chuyện mờ ảo chứ không phải cái gì cũng rõ ràng. Tuy nhiên, nếu đưa hòn đá mới vào thì mất đi ý nghĩa thiêng liêng riêng của nó và mất đi niềm tin tín ngưỡng của con người".

Trinh Phúc - Dương Thu

> Thi ảnh Việt Nam Xanh, rinh ngay 100 triệu đồng

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.