Quan điểm mỹ học của mỗi người một khác nhau, chẳng ai giống ai nên những hiện tượng nghệ thuật đương nhiên cũng được mỗi cá nhân đánh giá, nhìn nhận khác nhau.
Thú thực, tôi chẳng thể “thẩm” được những bức tranh siêu thực, trừu tượng méo mó, khó hiểu, quái dị của Picasso. Nhưng không hiểu sao, trong giới hội họa, tranh của ông luôn được đánh giá là những tác phẩm nghệ thuật có giá trị bậc nhất.
Thế nên mới có chuyện, người thì thấy nhiều bông hoa trên cột điện tại TP.HCM là những bức họa tươi tắn, đầy tâm huyết, nhưng có người lại thấy nó chẳng khác gì những tấm “phiếu bé ngoan” lòe loẹt.
Hơn nữa, chúng ta cũng không nên làm tổn thương những cô, cậu sinh viên đã tình nguyện "tắm mình" dưới cái nắng 30 – 40 độ C của miền Nam để tạo nên các tác phẩm đó bằng cách rạch ròi chuyện thẩm mỹ hay phản thẩm mỹ, mà hãy cố nhìn nhận sự việc từ những khía cạnh tích cực nhất.
Có người từng so sánh những “phiếu bé ngoan” khổng lồ trên đường Lạc Long Quân với những bức tranh tại ngôi làng bích họa Trung Thanh, xã Tam Thanh, TP.Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.
Người ta đề cao tính nghệ thuật của những bức bích họa đó và không quên nhắc tới lợi ích mà nghệ thuật chân chính đem lại cho làng chài như: Thu hút khách du lịch, tạo được bản sắc riêng cho địa phương, nâng cao đời sống tinh thần và đời sống vật chất của người dân...
Ngược lại, những “bông hoa nhỏ” giữa lòng thành phố lớn lại hoàn toàn lép vế khi đứng lên bàn cân. Sự chênh lệch về nghệ thuật quá lớn khiến nhiều người còn phải bụm miệng giấu đi cơn buồn cười của mình. Người ta cho rằng, những bông hoa đó đã biến đường phố trở thành một thứ na ná... nhà trẻ.
Chẳng phải các bạn vẫn thường có mong muốn “cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” mỗi khi đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống hay sao? Và giờ, các bạn thanh niên tình nguyện tại phường 5, quận 11 đã giúp chúng ta có thể đi đến tuổi thơ mà chẳng cần phải mua vé. Chỉ cần ghé qua con đường Lạc Long Quân, nơi có hàng trăm cột điện xanh đỏ với những nét vẽ ngô nghê là có thể "cập bến" tuổi thơ được rồi.
Hay như nói đến những tác động về mặt truyền thông, tôi có thể khẳng định, những bức tranh tại làng bích họa thành công trong việc quảng bá du lịch vùng miền một thì những tấm “phiếu bé ngoan” trên cột điện phải thành công gấp đôi.
Bởi, những bức bích họa ở làng chài Trung Thanh rất đẹp, đó là điều không thể chối cãi. Ai cũng có thể khẳng định được tính nghệ thuật của nó. Và khi đã chắc như đinh đóng cột như vậy rồi, nhiều người sẽ chẳng bỏ công để tìm hiểu nữa. Vì suy cho cùng, tranh đẹp đến đâu cũng chỉ để ngắm nhìn. Ngắm qua màn hình máy tính hay ngắm trực tiếp, âu cũng chỉ khác nhau một tấm kính.
Tuy nhiên, với những hiện tượng nghệ thuật gây ra nhiều tranh cãi (như những bức họa trên cột điện), nó luôn khiến người ta phải trăn trở đi tìm sự thật. Người ở xa, không có điều kiện “mục sở thị” thì sẽ tìm kiếm, đọc hết thông tin, xem hết các góc ảnh chụp những cây cột điện đó. Còn người ở gần thì thân chinh đến để trực tiếp thưởng ngoạn nghệ thuật.
Và chẳng phải chính chúng ta cũng đang quan tâm, luận bàn đến những bức họa đó hay sao? Bỗng dưng đường Lạc Long Quân (quận 11, TP.HCM) trở thành từ khóa tìm kiếm “hot” hơn bao giờ hết, tất cả cũng “nhờ” vào những bức họa trên cột điện.
Hơn nữa, ai ghét những bông hoa này, tôi chẳng biết. Tôi chỉ biết chắc chắn rằng những quý ông mắc bệnh “tiểu đường” sẽ vô cùng yêu quý, trân trọng tác phẩm nghệ thuật đầy hồn nhiên này. Bởi việc làm vô ý thức, đáng bị lên án của quý ông đó sẽ được bao biện bằng một hành động yêu thiên nhiên: Tưới hoa.
Tôi cũng từng nghe ở đâu đó có câu nói rằng: “Muốn người ta lựa chọn một thứ tệ, hãy đặt bên cạnh nó một thứ tệ hại hơn”. Nếu giờ đây có người hỏi tôi rằng thích “phiếu bé ngoan” hay là tờ rơi quảng cáo khoan cắt bê tông, thông hút bể phốt..., chắc chắn tôi sẽ lựa chọn “phiếu bé ngoan”.
Bởi dù sao thì nó cũng ít tệ hơn những tờ rơi “hầm bà lằng” đủ mọi nội dung, màu sắc được dán một cách nham nhở trên cột điện.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả