Khi thế giới đang chiến đấu với đại dịch COVID-19, cái gọi là “mối đe dọa từ Nga” mà phương Tây và NATO luôn cáo buộc thời gian qua nay đã gác lại sang một bên. Các chuyên gia cho biết, cuộc chiến chống lại virus này có thể cải thiện nếu có sự chung tay của các bên.
Cơ hội để xác định kẻ thù chung - COVID-19
Sự bùng phát của virus corona mới cho đến nay đã cướp đi hơn 60.000 sinh mạng và khiến hơn 1 triệu người bị nhiễm bệnh trên toàn cầu trong vòng chưa đầy bốn tháng. Nó đã cho thấy mối đe dọa lớn nhất đối với phương Tây không phải là một quốc gia mà chỉ là một loại virus nhỏ bé.
Do đó, sự trỗi dậy của Nga hiện được coi là “ít đe dọa” hơn trong mắt NATO và phương Tây ở thời điểm hiện tại, theo Iztok Prezelj, thành viên của Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng tại Đại học Ljubljana.
Theo Prezelj, cuộc khủng hoảng hiện tại có thể là cơ hội cho một bên là NATO và các đồng minh và bên kia là Nga - cùng xác định một kẻ thù chung là COVID-19 và bắt đầu hợp tác chống lại virus. Đó cũng là cơ hội để "phá băng quan hệ giữa phương Tây và Nga", ông nói thêm.
"Đây là một cơ hội lý tưởng vì COVID-19 là một mối đe dọa phi nhà nước và xuyên quốc gia", ông nói với Sputnik.
Prezelj đã so sánh toàn bộ tình hình với hiện tại với thời điểm sau vụ tấn công 11/9 ở Mỹ. Trước đó, Moscow và Washington đã xác định kẻ thù chung là khủng bố - và bắt đầu hợp tác dẫn đến việc thành lập Hội đồng NATO-Nga năm 2002.
Khối NATO và Moscow đã thảo luận các vấn đề như chống khủng bố, hợp tác ở Afghanistan cũng như không phổ biến vũ khí. Sự hợp tác này đã bị Mỹ đình chỉ vào năm 2014 sau cuộc khủng hoảng Ukraine.
Trong một động thái đoàn kết với Italy, quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19 ở châu Âu, quân đội Nga đã gửi tới nhiều hàng viện trợ y tế và hàng chục chuyên gia, cùng với thiết bị khử trùng và xét nghiệm.
Moscow cũng đã gửi các nguồn cung cấp y tế rất cần thiết để đối phó với đại dịch ở Mỹ, là tâm chấn mới của đại dịch với hơn 280.000 trường hợp nhiễm và hơn 7.000 trường hợp tử vong.
"Nếu Nga tiếp tục giúp đỡ phương Tây trong giai đoạn khủng hoảng này thì có nhiều khả năng nhận thức về Nga sẽ thay đổi theo hướng không bị coi là mối đe dọa", Prezelj nói.
Theo ông, cuộc khủng hoảng càng kéo dài, mối quan hệ giữa Nga và phương Tây càng "trở nên hòa dịu hơn". Tuy nhiên, điều này sẽ phụ thuộc vào những gì cả hai bên học được từ cuộc khủng hoảng này, và một khi họ quay trở lại “cuộc cạnh tranh ảnh hưởng và quyền lực", cơ hội cho sự tan băng trong quan hệ "sẽ biến mất", ông kết luận.
Sự bùng phát của virus corona đã cho toàn nhân loại thấy rằng, các khía cạnh quân sự về mặt an ninh là "lỗi thời" và chúng chỉ mang lại lợi ích cho các tổ hợp công nghiệp quân sự, Giáo sư Biljana Vankovska từ Khoa An ninh và Hòa bình tại Đại học Ss. Cyril và Methodius ở Skopje cho biết.
"NATO (và đặc biệt là Mỹ) được cho là đã thể hiện sự vượt trội về quân sự trên đất châu Âu thông qua các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn. Trớ trêu thay, các cuộc diễn tập nhằm răn đe Nga và phần còn lại của thế giới đã bị đánh bại bởi COVID-19. Tập trận phải hủy bỏ, trong khi các nhân viên quân sự không thể tự bảo vệ mình khỏi virus vô hình", Vankovska nói.
Nga, Trung Quốc thể hiện sức mạnh mềm mới
Trong khi thừa nhận rằng thế giới sẽ không thay đổi sau một đêm, chuyên gia Vankovska cho rằng ảnh hưởng của đại dịch sẽ dẫn đến những hướng đi mới sau này.
"Cái gọi là ngoại giao nhân đạo (do Trung Quốc, Nga, Cuba và thậm chí một số quốc gia nhỏ hơn) đang thể hiện một loại hình sức mạnh mềm mới, trong khi Liên minh châu Âu (EU) - tổ chức luôn tự cho mình mạnh mẽ, quyền lực đã thất bại thảm hại", bà nêu quan điểm.
Vankovska chỉ trích Liên minh châu Âu đã đóng cửa biên giới, đình chỉ thị trường chung và thiếu đoàn kết giữa các chính trị gia: "Đây thực sự là điều mà ít ai có thể tưởng tượng được chỉ một vài tháng trước đây”.
Liên minh châu Âu đã bị chỉ trích nặng nề vì kiểu giúp đỡ “có cũng như không” cho các quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi COVID-19 là Italy và Tây Ban Nha. Cụ thể, Rome cáo buộc khối này đã chậm chân trong việc viện trợ cho Italy về đại dịch COVID-19.
Chiến đấu với COVID-19 giúp tăng năng lực của NATO
Trong khi đó, Tiến sĩ Heinz Gartner, một nhà khoa học chính trị tại Viện Hòa bình Quốc tế và Đại học Vienna, tuyên bố rằng các cuộc tập trận của NATO được thiết kế chỉ để cải thiện sự phối hợp nội bộ của khối, mà không hướng đến bất kỳ mối đe dọa bên ngoài nào.
"Họ tập trận như thể tự phô diễn quyền lực cho nhau xem và sẽ tiếp tục ngay cả khi kẻ thù bên ngoài biến mất", Gartner, người cũng là Chủ tịch của Ủy ban tư vấn về chính sách chiến lược và an ninh của Ủy ban khoa học thuộc Lực lượng Vũ trang Áo, cho biết.
Theo chuyên gia này, việc chiến đấu với COVID-19 sẽ giúp tăng cường năng lực của NATO trong việc đối phó với một thách thức khác.
"Đại dịch chỉ đóng một vai trò nhỏ hoặc đã bị bỏ qua trong các học thuyết và chiến lược của NATO cho đến nay", ông nói.
Trong khi đó, Gartner không tin rằng thái độ của NATO và Mỹ đối với Nga sẽ thay đổi sau khi đại dịch suy yếu hoặc kết thúc.
Ông đưa ra một ví dụ từ lịch sử - đại dịch cúm Tây Ban Nha vào đầu thế kỷ 20 không cải thiện các mối quan hệ quyền lực lớn.
Tuy nhiên, Gartner thừa nhận rằng viện trợ của Nga có thể mang đến một câu chuyện tích cực khác khi nó gia tăng uy tín hơn so với Liên minh châu Âu, vốn không cung cấp trợ giúp đầy đủ cho Italy và Tây Ban Nha.
"Trung Quốc và Nga đã bước vào và lấp đầy khoảng trống. Ví dụ, Mỹ đã từng rất thành công khi xây dựng hình ảnh tích cực của mình trong kế hoạch viện trợ Marshall sau Thế chiến II", ông nói.
Kế hoạch Marshall là một sáng kiến do Mỹ dẫn đầu, được thiết kế để cải thiện nền kinh tế của Tây Âu sau chiến tranh. Kể từ năm 1948 và trong bốn năm, Mỹ đã gửi hàng tỷ đô la viện trợ cho châu Âu.
Khi được hỏi liệu những diễn biến gần đây trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19 có dẫn đến sự tan băng trong quan hệ giữa khối quân sự phương Tây và Nga hay không, Gartner cho rằng quan hệ an ninh sẽ không thay đổi nhiều vì “cả hai bên có thể không từ bỏ điều đó”.
Tuy nhiên, một sự tan băng nhất định giữa Moscow và khối NATO có thể xuất hiện ở các cấp độ khác, chẳng hạn như khoa học, nghiên cứu, công nghệ, học thuật.
“Trong các lĩnh vực này, sự hợp tác sẽ không thể thiếu trong cuộc chiến chống lại đại dịch toàn cầu. Nó cũng có thể tăng cường quan hệ chính trị và an ninh giữa phương Tây (bao gồm cả các thành viên NATO) và Nga", ông nóiâng