Theo The Economics, trong năm 2021, Covid-19 gây ra ít gián đoạn hơn cho thế giới so với năm 2020. Tuy nhiên ngay cả khi vắc-xin có thể đưa cuộc sống quay trở lại trạng thái bình thường, thì nền kinh tế vẫn sẽ bị ảnh hưởng lâu dài. Kinh tế bị ảnh hưởng khiến sự bất bình đẳng trở nên ngày càng rõ rệt, dữ liệu thu thập được tiết lộ sự gia tăng đáng kể về bất bình đẳng có thể còn tồn tại trong nhiều thập kỷ nữa.
Bất bình đẳng là vấn đề còn lâu mới được giải quyết, và đại dịch Covid-19 đã khiến vấn để này trở nên khó kiểm soát hơn bao giờ hết. Thị trường lao động được nâng cao sau khủng hoảng kinh tế 2010 đã mang lại thu nhập tốt hơn cho người lao động. Đến cuối 2010, bất bình đẳng ở nhiều nền kinh tế đã chững lại hoặc thậm chí đã giảm. Giai đoạn đầu, Covid không gây ảnh hưởng nhiều đến xu hướng này nhờ vào các gói hỗ trợ kinh tế hào phóng của các chính phủ trên thế giới. Ví dụ, các biện pháp kích thích kinh tế trị giá khoảng 13% GDP của Mỹ thậm chí còn nâng cao thu nhập của một số người lao động có mức lương thấp trong vài tháng đầu tiên của đại dịch.
Đáng buồn thay, bức tranh toàn cầu đã khác hẳn vào cuối năm 2020 và đầu năm 2021. Qua những phân tích trên phương diện kinh tế, các đại dịch đã xảy ra đều dẫn đến sự gia tăng mạnh mẽ về bất bình đẳng trong xã hội. Theo dự báo, năm năm sau khi đại dịch bắt đầu, hệ số Gini (thước đo phân tán thu nhập) thường vẫn cao hơn khoảng 1,25% so với mức trước khủng hoảng.
Trong số lao động có trình độ học vấn từ trung bình đến cao, tỷ lệ người đi làm hầu như không tăng do hậu quả của đại dịch. Tuy nhiên, ở những người lao động có trình độ học vấn thấp hơn, tỷ lệ này thường giảm 5%. Trong lần đại dịch này, số liệu thu thập được cũng cho ra kết quả tương tự.
Các biện pháp hỗ trợ tài khóa luôn khó duy trì và ngân sách của các Chính phủ trong năm 2021 sẽ dần dần giảm các hỗ trợ tài khóa ngay trong khi Covid-19 tiếp tục gây ảnh hưởng đến các nền kinh tế.
Tại Hoa Kỳ, sự phân cực chính trị sau một cuộc bầu cử gay gắt và lo ngại về mức nợ công gần như cao nhất trong lịch sử sẽ hạn chế đáng kể quy mô của bất kỳ biện pháp kích thích mới nào. Trong khi đó, ngân sách tiểu bang và chính quyền địa phương sẽ bị cắt giảm đáng kể sau một năm thất thu ngân sách. Vào năm 2020, các chính phủ châu Âu đã bãi bỏ các quy tắc tài khóa để linh hoạt hơn trong việc ứng phó với đại dịch. Vào năm 2021, áp lực buộc phải vay nợ trong mức cho phép sẽ tăng cao.
Việc loại bỏ dần hỗ trợ thu nhập và cắt giảm các dịch vụ công sẽ có tác động không cân xứng đối với các hộ gia đình có thu nhập thấp. Hậu quả mà Covid-19 ảnh hưởng đến các nền kinh tế sẽ khiến việc cắt giảm viện trợ trở nên đặc biệt khó khăn.
Một thách thức nữa về lao động cũng được đề cập tới, đối với lao động tri thức, thay vì đến văn phòng, làm việc từ xa đang là sự lựa chọn tại hầu hết các quốc gia. Ngược lại, đối với những người lao động tay chân đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất hoặc dịch vụ thì sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, bởi họ không thể... làm việc từ xa. Và nếu làm việc từ xa trở thành một đặc điểm lâu dài của các nền kinh tế hậu Covid, thì nhiều công việc thu nhập thấp sẽ đứng trước nguy cơ biến mất hoàn toàn.
Bên cạnh đó, những người lao động có thu nhập thấp may mắn tìm được việc làm lại phải đối mặt với những bất bình đẳng khác. Làm việc trực tiếp khiến họ có nguy cơ nhiễm Covid-19 cao hơn. Tồi tệ hơn nữa, đại dịch khiến trẻ em không được đến trường, nhiều người lao động nghèo hơn phải đối mặt với sự lựa chọn giữa việc đi làm hoặc trông nom việc học của con cái.
Bất bình đẳng về tiếp cận công nghệ cũng đè nặng lên những sinh viên có thu nhập thấp trong việc truy cập vào các nguồn dữ liệu trực tuyến hoặc internet tốc độ cao đáng tin cậy. Nhưng đáng lo ngại nhất đối với các gia đình thu nhập thấp có lẽ tình trạng thất nghiệp diễn ra liên tục. Đối với họ, năm 2021 sẽ là một năm chật vật nữa.
Lê An