Sau hai năm đóng băng, đây là thời điểm ngành du lịch “phá kén” để đón những sự chuyển hướng mới. Nhiều chuyên gia đánh giá rằng, ngoài thách thức, đây là cơ hội để nhà quản lý, doanh nghiệp chuyển mình, ứng dụng chuyển đổi số vào phát triển du lịch.
Chuyển đổi số hay là chết
Tại diễn đàn “Chuyển đổi số: Động lực phát triển bền vững” đối với linh vực du lịch vào sáng nay (18/5), nhận định trước những khó khăn vừa qua, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI đánh giá đại dịch Covid-19 làm cho ngành du lịch trải qua "những ngày đau đớn nhưng cũng là cuộc thanh lọc chưa từng có".
Chuyển đổi số đã chứng minh là tất yếu đối với mọi ngành nghề nếu muốn phát triển trong thời đại công nghiệp 4.0.
“Điều đáng nói, nếu những năm trước câu chuyện chuyển đổi số trong du lịch vẫn chỉ tập trung ở một số doanh nghiệp, địa phương có tư duy nhạy bén, linh hoạt và mạnh tiềm lực tài chính, thì nay chính "sóng thần" Covid lại đẩy tất cả buộc phải lựa chọn: chuyển đổi số hay là chết”, ông Phòng bày tỏ.
Mặc dù đại dịch đã khiến cả “ngành công nghiệp không khói” trở nên khó khăn nhưng nhìn ở một góc độ khác, Covid-19 chính là phép thử, là đòn bẩy cho du lịch thực sự chuyển mình giống như một cuộc lột xác, để toàn ngành có bước đệm phát triển mạnh mẽ hơn trong giai đoạn mới.
Có thể thấy không chỉ doanh nghiệp, tại các điểm đến cũng đang định hình chuyển đổi số mang tới những trải nghiệm thuận tiện và an toàn cho khách hàng như các hệ thống thuyết minh tự động, mã QR giới thiệu hiện vật...
Điểm đáng chú ý nhiều địa phương đã thực sự hoàn thiện hệ sinh thái về dịch vụ, mua sắm, ẩm thực… tại các điểm du lịch đồng thời du khách có thể gửi phản ánh đến chất lượng dịch vụ đến cơ quan quản lý.
Nhận thức về chuyển đổi số đang có sự thay đổi rõ nét và tác động mạnh mẽ khiến các doanh nghiệp du lịch, các điểm đến liên tục tìm kiếm các giải pháp thích ứng để tồn tại.
Phó Chủ tịch VCCI nhận định thêm: “Hiện không chỉ các doanh nghiệp lớn mà nay nhiều đơn vị doanh nghiệp du lịch nhỏ và vừa cũng áp dụng triển khai thông qua thuê nền tảng để tự cứu chính doanh nghiệp khi trở lại cuộc đua cạnh tranh”.
Nhanh chóng tìm lối đi riêng
Tại phiên đối thoại, chuyên gia công nghệ thông tin, du lịch, doanh nghiệp du đều đồng tình ứng dụng công nghệ là xu thế tất yếu do thói quen của khách du lịch thay đổi.
Chia sẻ về kinh nghiệm chuyển đổi số trong thời gian vừa qua, ông Phạm Đình Huỳnh, Chủ tịch HĐQT Đại Nam Sơn Group nhấn mạnh chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu của mọi doanh doanh nghiệp, mọi tổ chức.
“Bản chất của chuyển đổi số là việc số hoá lại các quy trình và đưa lên không gian số, tích hợp các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo AI, kết nối xây dựng hệ thống big data. Tạo mã nguồn mở để tương thích với mọi nền tảng”.
“Công nghệ hình ảnh ứng dụng tuy không phải công nghệ lõi nhưng chúng tôi nghĩ rằng đây sẽ là một trong những chiếc chìa khoá để mở ra cánh cửa chuyển đổi số. Khách du lịch sẽ dễ dàng tiếp cận với các địa phương hay du lịch Việt Nam qua công nghệ thực tế ảo hay thực tế ảo tăng cường”, ông Huỳnh cho biết.
Tuy nhiên, không phải với bất kỳ doanh nghiệp nào áp dụng chuyển đổi số cũng là điều dễ dàng. Đưa ra những kiến nghị về việc doanh nghiệp cần khi trong thời gian tới, ông Nguyễn Đức Thành, Phó tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghệ VietSens nêu quan điểm hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, có nguồn lực hạn chế.
Từ đó, ông Thành đề nghị để hỗ trợ các doanh nghiệp, các sản phẩm công nghệ của Tổng cục Du lịch được thiết kế theo hướng hình thành nền tảng số dùng chung, giúp các doanh nghiệp có cơ hội khai thác thông tin, tiếp cận thị trường, nâng cao hiệu quả quản trị kinh doanh.
Để thúc đẩy chuyển đổi số ngành du lịch, cần đẩy mạnh truyền thông về áp dụng các sản phẩm chuyển đổi số. Bởi qua một thời gian triển khai và vận hành, những lợi ích trong chuyển đổi số dần hiện hữu không còn là lý thuyết.
“Trong thời gian tới cần đẩy mạnh truyền thông đến doanh nghiệp, điểm đến, du khách về những lợi ích này để đồng bộ trong triển khai.
Tốt hơn nữa là ban hành các tiêu chuẩn về điểm đến thông minh, doanh nghiệp du lịch số và có những chỉ tiêu triển khai qua các năm. Các doanh nghiệp lữ hành, hướng dẫn viên, cũng như các đơn vị cung cấp dịch vụ khác cũng cần truyền thông đến du khách để ứng dụng chuyển đổi số”, ông Thành đánh giá.
Ngoài ra, doanh nghiêp cũng đề nghị cần tập trung vào đào tạo, tạo việc làm, bởi tương lai, các công việc du lịch sẽ đòi hỏi các kỹ năng kỹ thuật cụ thể để thực hiện và quản lý hiệu quả các dịch vụ du lịch thông minh. Tác động xã hội lớn nhất của chuyển đổi số trong du lịch có thể là đối với lực lượng lao động của ngành, lực lượng này chiếm 1/10 việc làm trên quy mô toàn cầu.
Tại khuôn khổ diễn đàn, ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Du lịch chia sẻ: “Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu đối với ngành du lịch trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những ảnh hưởng sâu sắc của dịch bệnh Covid-19. Chuyển đổi số mang lại cơ hội cho ngành du lịch có thể phát triển bền vững hơn”.
Trong thời gian tới, ngành du lịch sẽ rà soát, chỉnh sửa, bổ sung Luật Du lịch, các kế hoạch, chiến lược phát triển du lịch phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ về chuyển đổi số.