Theo Yonhap News Agency, giá trị của các giao dịch thực phẩm trực tuyến ở nền kinh tế lớn thứ tư châu Á đạt 58,5 nghìn tỷ Won (48,8 tỷ USD) vào năm 2021, tăng 35,3% so với năm 2020, theo dữ liệu từ Cơ quan Thống kê Hàn Quốc (Statistics Korea) công bố hôm 7/2 và các nguồn trong ngành.
Con số trên bao gồm giá trị của các giao dịch trực tuyến mua sắm thực phẩm, hàng tạp hóa, nông sản, các sản phẩm thịt và thủy sản, cũng như các dịch vụ giao hàng thực phẩm.
Mức tăng trưởng năm ngoái được cho là do hoạt động tiêu dùng không tiếp xúc (contact-free) tăng mạnh sau sự bùng phát của corona virus.
Mua sắm trên thiết bị di động năm 2021 đã tăng vọt 40,3% so với năm 2020, đạt 49,3 nghìn tỷ Won, tương đương 84,3% tổng giá trị giao dịch trực tuyến; mua sắm qua Internet chiếm phần còn lại.
Riêng trong tháng 12/2021, theo Statistics Korea, giá trị giao dịch mua sắm trực tuyến đạt 18,4 nghìn tỷ Won và giao dịch mua sắm trên thiết bị di động đạt 13 nghìn tỷ Won.
“Việc đại dịch Covid-19 kéo dài có thể là nguyên nhân thúc đẩy doanh số bán hàng thực phẩm và hàng tạp hóa trực tuyến và dịch vụ giao đồ ăn”, một quan chức của Statistics Korea nói với Aju Business Daily hôm 7/2.
Trong khi các giao dịch trực tuyến đối với hàng thực phẩm và hàng tạp hóa tăng 11,2% vào tháng 12/2021 so với cùng kỳ năm trước, thì giá trị các giao dịch đối với dịch vụ mỹ phẩm lại giảm 12,1%.
Hiện tại, theo trang Aju Business Daily, Hàn Quốc quy định số lượng người được phép trong các cuộc tụ họp riêng tư là 6 người mỗi cuộc. Tất cả các nhà hàng, quán bar và quán cà phê phải đóng cửa lúc 9 giờ tối. Nhưng không có quy định nào giới hạn đối với dịch vụ bán đồ ăn mang đi và giao đồ ăn.
Số lượng hành khách sử dụng tàu điện ngầm hàng năm ở Seoul đã giảm khoảng 27% vào năm 2021 so với mức trước đại dịch (năm 2019) do các hạn chế liên quan đến Covid-19 trên toàn quốc. Điều này đã thúc đẩy khoảng 1,14 triệu người Hàn Quốc làm việc từ xa tại nhà.
Khi nhiều người làm việc tại nhà hơn trong năm 2021, thị trường dịch vụ giao đồ ăn đã tăng 48,2% so với năm 2020, đạt giá trị 25,7 nghìn tỷ Won. Giá trị của mảng này đã tăng 9,4 lần so với 4 năm trước đó.
Các nguồn tin trong ngành cho biết, các công ty thực phẩm địa phương đang tăng cường nỗ lực để bắt kịp đà tăng trưởng bùng nổ trong lĩnh vực mua sắm trực tuyến bằng cách tái cơ cấu hoặc tích hợp các trung tâm mua sắm online của mình.
Minh Đức (Theo Yonhap, Aju Business Daily)