So với tháng 12/2011, CPI cả nước mới chỉ tăng 2,22% còn so với tháng 7/2011 CPI tăng 5,35%. Tính chung 7 tháng đầu năm, CPI cả nước tăng 11,2% so với cùng kì năm 2011.
Diễn biến lạm phát trong 7 tháng đầu năm 2012. Số liệu: GSO. Ảnh: VnExpress.
Theo báo cáo của cơ quan thống kê, CPI liên tục giảm là do sự giảm giá liên tiếp của các mặt hàng xăng, dầu, gas,... đồng thời hai vựa lúa lớn của cả nước đang vào mùa thu hoạch và được mùa lớn. Điều này được thể hiện qua chỉ số giá của các nhóm hàng lương thực giảm 1,49%, thực phẩm giảm 0,45% và giao thông giảm 2,71%.
Trong số các nhóm hàng có chỉ số giá giảm, nhóm giao thông có chỉ số giá giảm mạnh nhất (-2,71%). Giá xăng dầu giảm được xem là nguyên nhân chính dẫn đến việc chỉ số giá của nhóm giao thông giảm.
Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng cũng giảm khá mạnh ở mức -0,93%. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống trong tháng 7 giảm mạnh ở mức -0,47%.
Trong tháng 7/2012, hai mặt hàng không được tính vào CPI chung là vàng và đô la Mỹ cũng giảm nhẹ ở các mức tương ứng 0,31% và 0,05%. Tính chung từ đầu năm, vàng đã tăng giá khoảng 15%, trong khi con số tương ứng với đôla Mỹ là 0,46%.
Nhìn chung, việc CPI tháng 7 âm 0,29% so với tháng trước đã được dự báo trước sau khi các tỉnh, thành phố lớn đã lần lượt công bố CPI tháng 7 ở các mức âm. Cụ thể, CPI tháng 7 ở Hà Nội giảm 0,29% so với tháng trước; ở TP Hồ Chí Minh, CPI giảm 0,57% so với tháng trước.
CPI âm lại dấy lên lo ngại về nguy cơ nền kinh tế đi vào giai đoạn giảm phát.
Ngọc Linh