CSGT chỉ chào người lịch sự là làm trái pháp luật

CSGT chỉ chào người lịch sự là làm trái pháp luật

Thứ 3, 29/10/2013 15:24

Phát biểu “cảnh sát giao thông chỉ chào người lịch sự khi xử lý vi phạm” của phó cục trưởng Cục CSGT trong buổi tập huấn “nâng cao văn hóa ứng xử, đạo đức tác phong của lực lượng CSGT” đang là vấn đề khiến nhiều hết sức quan tâm.

Chỉ chào người lịch sự là CSGT ra điều kiện

Trong bài phát biểu của mình khi nói về quy trình "CSGT phải chào người vi phạm" khi làm việc, đại tá Phạm Minh Tuấn cho rằng không phải lúc nào cũng cần thiết. “CSGT chỉ chào hỏi với người lịch sự. Còn với những người vừa dừng xe đã hỏi 'sao mày không chào tao' thì cảnh sát không cần phải chào" (Nguồn Vnexpress.vn)

Phóng viên báo Nguoiduatin.vn đã có cuộc khảo sát nhỏ về vấn đề này đối với một số người dân và độc giả.

Trao đổi với phóng viên, bạn đọc Bích Phương (Sơn Tây, Hà Nội) cho biết: "Nói như đại tá Tuấn là cũng không đúng, sao lại chỉ chào người lịch sự. Cảnh sát là người làm cho dân, phục vụ cho nhân dân. Nói như thế thì chỉ những người lịch sự mới được phục vụ, mới được cảnh sát tôn trọng. Phải chăng CSGT đang đặt ra điều kiện với người dân mới chào”

Luật sư - CSGT chỉ chào người lịch sự là làm trái pháp luật

Ảnh minh họa

Chị Lê Vân (đang theo học ở Khoa Luật – ĐHQGHN) chia sẻ: "Theo cá nhân tôi thì hành động chào này là quy tắc ứng xử trong nghề nghiệp của CSGT rồi. Và theo quy định trong ngành là họ phải thực hiện. Dù cho người vi phạm có lịch sự hay không lịch sự thì họ vẫn phải được tôn trọng và được cảnh sát hành động theo đúng quy tắc, chuẩn mực trong nghề nghiệp."

Cũng đồng tình với những quan điểm trên chị Nguyễn Cẩm Thanh (Hải Dương) thẳng thắn bày tỏ: Việc chào hỏi là một cách thể hiện sự tôn trọng cần thiết của những người áp dụng pháp luật như cảnh sát giao thông với người khác, vì ngay cả khi bị tuýt còi chưa chắc họ đã là người vi phạm. Thứ hai, đây được coi là một bước trong quy trình làm việc của CSGT, là nghĩa vụ nên tuân thủ. Không thể vì đối phương bất lịch sự mà anh được quyền bất lịch sự với đôí phương. Như thế, anh cũng không khác gì đối phương.

Chị Thanh cũng băn khoăn về vấn đề “thế nào là lịch sự? Thế nào là bất lịch sự ? Chuẩn mực lịch sự do cảnh sát giao thông quy định?”.

Trái với quy định tại Thông tư

Chia sẻ với báo Nguoiduatin.vn luật gia Giang Văn Quyết, chi hội luật gia Đông Đô, Hà Nội khẳng định: “Không chào người dân, kể cả với người vi phạm là trái với quy định của pháp luật. Cụ thể Thông tư số 17/2012/TT-BCA  quy định về điều lệ nội vụ của Công an nhân dân. Trong đó ghi rõ về việc chào: “Chào bằng động tác hoặc kết hợp chào bằng lời: Gặp các đồng chí lãnh đạo Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị, xã hội; Gặp cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng Công an nhân dân, các đồng chí trong lực lượng Quân đội nhân dân đến thăm, làm việc; Gặp để giải quyết công việc với nhân dân, với người nước ngoài”, (điểm b, khoản 2, điều 36)”

“Khi tiếp xúc với các đối tượng vi phạm pháp luật, cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân phải giữ đúng tư thế, lễ tiết, tác phong; Có thái độ ứng xử đúng mực; Không có lời nói, hành vi xúc phạm, phân biệt đối xử với người vi phạm” (điều 41).

“Như vậy, nếu CSGT chỉ chào người lịch sự khi xử lý vi phạm giao thông là trái với quy định của pháp luật. Việc làm này thể hiện sự phân biệt đối xử với người vi phạm”, luật gia cho biết thêm.

Nên có ngoại lệ

Nhìn nhận sự việc ở góc cạnh khác, ông Bùi Tiến Đạt, thạc sỹ luật, nghiên cứu sinh luật tại Đại học Macquarie, Australia thì cho rằng: “Về cơ bản làm việc với dân thì phải chào nhưng có lẽ cũng cần có ngoại lệ. Có lẽ ngành công an có những hướng dẫn riêng. Tóm lại dù pháp luật hiện nay thế nào cũng nên có ngoại lệ. Còn ngoại lệ như thế nào thì phải có những nghiên cứu cụ thể”

“Chẳng hạn có một người đang bắt ai đó làm con tin trên tầng thượng tòa nhà. Cảnh sát dùng loa từ dưới thông báo, thuyết phục... rõ ràng đang làm việc với dân nhưng có lẽ chào là không cần thiết”, Ths Bùi Tiến Đạt lấy ví dụ.

"Việc ông phó cục trưởng Cục Cảnh sát Giao thông (CSGT) phát biểu như vậy rất dễ gây hiểu lầm, nhiều người có thể cho rằng vị lãnh đạo này “bỏ quên” một số quy định hiện hành về điều lệnh công an.

Bởi, tại Thông tư số 17/2012/TT-BCA do Bộ Công An ban hành đã quy định tương đối chi tiết và đầy đủ về tư thế, tác phong, cách ứng xử của lực lượng công an khi làm nhiệm vụ. Theo đó, đối với cán bộ công an khi mặc trang phục bắt buộc phải chào bằng động tác hoặc kết hợp chào bằng lời trong trường gặp nhân dân để giải quyết công việc.

Thậm chí, tại Điều 41, Thông tư số 17/2012/TT-BCA còn quy định, khi tiếp xúc với các đối tượng vi phạm pháp luật, cán bộ công an vẫn phải giữ đúng tư thế, tác phong, có thái độ ứng xử đúng mực, không có lời nói, hành vi xúc phạm, phân biệt đối xử với người vi phạm.

Điều này có nghĩa, về nguyên tắc, trong mọi trường hợp lực lượng công an đều phải giữ đúng tư thế, tác phong, thực hiện nghiêm chỉnh việc chào hỏi, ứng xử đúng mực. Thiết nghĩ, việc lực lượng công an thực hiện nghiêm túc tư thế, tác phong khi gặp nhân dân không những thể hiện tính gương mẫu trong việc thực hiện các quy định pháp luật, mà còn thể hiện hình ảnh chiến sỹ công an luôn thân thiện, bản lĩnh và tôn trọng, lễ phép với nhân dân."

Luật sư Lê Trọng Dũng, Đoàn luật sư TP Hà Nội

Tạ Giang

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.