Từ ngày 5/8, Thông tư số 65/2020/TT-BCA quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy định tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông chính thức có hiệu lực thi hành..
Một trong những nội dung đáng chú ý của Thông tư này là quy định lại về tiếp nhận, xác minh thông tin, hình ảnh phản ánh vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ do tổ chức, cá nhân cung cấp hoặc đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội.
Cụ thể, Điều 24 Thông tư số 65/2020/TT-BCA quy định, thông tin, hình ảnh phản ánh vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ (sau đây viết gọn là thông tin, hình ảnh) được tiếp nhận từ 2 nguồn.
Thứ nhất, ghi thu được bằng thiết bị kỹ thuật của tổ chức, cá nhân (không phải phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ).
Thứ 2, đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội.
Theo đó, thông tin, hình ảnh làm căn cứ xác minh, phát hiện hành vi vi phạm hành chính phải phản ánh khách quan, rõ về thời gian, địa điểm, đối tượng, hành vi vi phạm quy định tại Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt và còn thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính.
Tổ chức, cá nhân khi ghi nhận được thông tin, hình ảnh, thì có thể cung cấp cho đơn vị Cảnh sát giao thông nơi xảy ra vụ việc thông qua thư điện tử, đường bưu điện hoặc trực tiếp đến trụ sở đơn vị để cung cấp. Tổ chức, cá nhân phải có tên, họ tên, địa chỉ rõ ràng, số điện thoại liên hệ (nếu có) và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của thông tin, hình ảnh đã cung cấp.
Phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ; Phòng Cảnh sát giao thông; Đội Cảnh sát giao thông - trật tự Công an cấp huyện có trách nhiệm thông báo địa điểm, hộp thư điện tử tiếp nhận thông tin, hình ảnh để Nhân dân biết cung cấp. Tổ chức trực ban 24/24 giờ để tiếp nhận thông tin, hình ảnh. Bảo đảm bí mật tên, họ tên, địa chỉ, số điện thoại liên hệ, bút tích và thông tin khác của tổ chức, cá nhân đã cung cấp thông tin, hình ảnh.
Khi tiếp nhận thông tin, hình ảnh, cán bộ Cảnh sát giao thông phải xem xét, phân loại, nếu bảo đảm điều kiện quy định trên, thì ghi chép vào sổ (theo mẫu số 04 ban hành kèm theo Thông tư này) và báo cáo thủ trưởng đơn vị có thẩm quyền.
Trường hợp thông tin, hình ảnh phản ánh hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đang diễn ra trên tuyến, địa bàn phụ trách thì tổ chức lực lượng dừng phương tiện giao thông, kiểm soát, phát hiện vi phạm, xử lý theo quy định.
Trường hợp không dừng được phương tiện giao thông để kiểm soát hoặc hành vi vi phạm được phản ánh đã kết thúc thì thực hiện biện pháp xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.
Trường hợp không thuộc tuyến, địa bàn phụ trách của đơn vị thì thông báo cho đơn vị Cảnh sát giao thông có thẩm quyền thực hiệ n biện pháp xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, căn cứ yêu cầu cụ thể từng vụ việc, người có thẩm quyền xử phạt thực hiện một hoặc các hình thức như sau:
Một là, tiến hành xác minh thông tin về phương tiện giao thông, chủ phương tiện; gửi thông báo mời chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện giao thông đến cơ quan Công an để làm rõ vụ việc (theo mẫu số 05 ban hành kèm theo Thông tư này).
Trường hợp quá thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày gửi thông báo mà chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện giao thông chưa đến trụ sở cơ quan Công an đã ra thông báo để giải quyết vụ việc thì người có thẩm quyền xử phạt tiếp tục gửi thông báo đến Công an cấp xã theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 19 Thông tư này.
Hai là, làm việc với tổ chức, cá nhân có liên quan đến vụ việc, người chứng kiến, biết vụ việc xảy ra; gửi văn bản đến cơ quan báo chí đã đăng tải, đề nghị cung cấp thông tin, hình ảnh đã đăng tải.
Ba là, trực tiếp xác minh hoặc phối hợp với Công an cấp xã thực hiện xác minh vụ việc.
Bốn là, trưng cầu giám định thông tin, hình ảnh và các tài liệu liên quan.
Năm là, các hình thức khác theo quy định của pháp luật.
Khi làm việc với chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện giao thông và cá nhân, tổ chức có liên quan, phải lập thành biên bản. Các tài liệu, tình tiết tiếp nhận, thu thập được để xác định vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ phải được lưu trong hồ sơ vụ việc xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an.
Căn cứ kết quả xác minh, tài liệu, tình tiết thu thập được, người có thẩm quyền xử phạt thực hiện như sau:
Trường hợp thông tin, hình ảnh phản ánh đúng, xác định có hành vi vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền xử phạt tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền hoặc báo cáo người có thẩm quyền xử phạt theo quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính. Thực hiện trình tự xử lý vi phạm theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 20 Thông tư này.
Trường hợp thông tin, hình ảnh có dấu hiệu làm giả thì chuyển toàn bộ hồ sơ sang cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.
Trường hợp thông tin, hình ảnh của tổ chức, cá nhân cung cấp mà qua xác minh, xác định không có hành vi vi phạm hoặc không đủ căn cứ để xác định hành vi vi phạm thì tiến hành kết thúc hồ sơ vụ việc và lưu theo quy định.
Hoàng Mai