Trước thời điểm 1/1/2017, khi nghị định 46 về xử phạt đối với lỗi xe không chính chủ có hiệu lực, lãnh đạo phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67) Công an TP. Hà Nội đã cho PV biết, lực lượng CSGT Hà Nội sẽ không ra quân, tổ chức “đứng đường” để xử phạt lỗi xe không chính chủ.
Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó trưởng Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67 - Công an TP. Hà Nội) cho biết: Việc xử lý đối với chủ phương tiện không làm thủ tục đăng ký sang tên xe theo quy định khi mua, được cho, tặng, được phân bổ, điều chuyển, thừa kế chỉ được thực hiện trong 2 trường hợp.
Một là: Thông qua công tác điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông (TNGT) gây hậu quả từ mức nghiêm trọng trở lên. Hai là: Qua công tác đăng ký xe.
CSGT chỉ xử phạt lỗi xe không chính chủ qua 2 trường hợp - (Ảnh minh họa: Internet).
“Nghị định đã quy định chỉ xử lý qua 2 trường hợp là giải quyết tai nạn giao thông và qua công tác đăng ký xe”, Phó trưởng Phòng CSGT Hà Nội cho biết.
Thiếu tá Hùng cũng cho rằng, việc trang bị smartphone cho CSGT rất hữu dụng trong nhiều trường hợp. Nếu được trang bị CSGT sẽ có những đối sách tức khắc với những trường hợp, đối tượng phạm tội. Ngoài ra, việc trang bị cũng giúp CSGT thuận tiện trong công việc hơn. Tuy nhiên, điều này mới chỉ là dự án.
Liên quan đến công tác sang tên đổi chủ phương tiện, CSGT Hà Nội cho hay, từ ngày 1/1/2017, Nghị định 46 có hiệu lực người dân bắt buộc phải tìm được chủ sở hữu của chiếc xe, sau đó có giấy chuyển quyền sở hữu của chủ xe, kèm theo xác nhận của UBND phường/xã sở tại. Nếu không tìm được, công an sẽ không giải quyết.
Trước đó, thiếu tướng Trần Thế Quân, Cục phó Cục pháp chế (Bộ Công an) cũng cho hay, theo quy định, CSGT không được dừng bất cứ phương tiện nào để kiểm tra với lỗi chưa sang tên đổi chủ. Cảnh sát chỉ được phép kiểm tra các phương tiện khi phát hiện ra lỗi vi phạm giao thông.
Trường hợp con mượn xe của bố, vợ mượn xe của chồng, ông Quân khẳng định không bị xử phạt.
Theo Thiếu tướng Quân, việc mua bán và mượn là khác nhau. Nếu là mượn thì người điều khiển phương tiện phải chứng minh được việc này.
Theo đó, người dân có thể gọi điện thoại hoặc gọi trực tiếp chủ của xe đến để xác nhận đã cho mượn xe. “Cha cho con mượn xe thì sẽ không bị xử phạt. Nhưng cha cho con xe thì phải sang tên, nếu không người con sẽ bị phạt” - Thiếu tướng Quân thông tin.
Theo Nghị định 46, chỉ chủ phương tiện (chủ sở hữu) mới bị xử phạt, do đó người điều khiển đi mượn hay thuê phương tiện sẽ không bị xử phạt khi điều khiển xe. Trong trường hợp có hành vi gian dối về việc mượn phương tiện nhưng thực chất là xe chính chủ nhưng chưa làm thủ tục sang tên sẽ bị xử phạt theo quy định. Điều 30 Nghị định 46 nêu rõ: Từ 1/1/2017, phạt tiền từ 100.000-200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 -400.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô không làm thủ tục đăng ký sang tên xe theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, điều chuyển, thừa kế tài sản là xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô. Đối với ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự ô tô, lỗi này phạt từ 1 triệu đến 2 triệu đồng với cá nhân, từ 2 triệu đến 4 triệu đồng với tổ chức. |
Nhất Nam