Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng - Phó trưởng Phòng CSGT Hà Nội cho biết việc kiểm tra và xử phạt xe không chính chủ chỉ được thực hiện qua công tác điều tra, giải quyết các vụ tai nạn gây hậu quả nghiêm trọng hoặc thông qua công tác đăng ký xe.
Quy định xử phạt xe chưa sang tên chính chủ sẽ bắt đầu được áp dụng từ ngày 1/1/2017. Để chuẩn bị, Cục CSGT - Bộ Công an đã chỉ đạo Phòng CSGT các tỉnh, thành phố yêu cầu các cơ quan chức năng tiếp nhận hồ sơ làm thủ tục sang tên đổi chủ xe mô tô 2 bánh, xe mô tô 3 bánh, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) đã đăng ký, chuyển nhượng qua nhiều chủ nhưng không có chứng từ chuyển nhượng hoặc chứng từ chuyển nhượng không đầy đủ từ nay đến ngày 31/12/2016. Một khi đã tiếp nhận hồ sơ, cơ quan chức năng phải giải quyết trước ngày ra quân xử phạt.
Nếu phương tiện đã qua mua bán, cho tặng, thừa kế mà chủ sở hữu chưa làm thủ tục sang tên đổi chủ theo thời hạn quy định sẽ bị phạt. Các trường hợp mua bán, cho tặng, thừa kế đều phải sang tên, đổi chủ kể cả quan hệ ruột thịt. Còn đi mượn xe, dù ngắn hay dài hạn cũng không cần phải làm thủ tục sang tên đổi chủ.
Theo Nghị định 46, chỉ chủ phương tiện (chủ sở hữu) mới bị xử phạt, do đó người điều khiển đi mượn hay thuê phương tiện sẽ không bị xử phạt khi điều khiển xe. Trong trường hợp có hành vi gian dối về việc mượn phương tiện nhưng thực chất là xe chính chủ nhưng chưa làm thủ tục sang tên sẽ bị xử phạt theo quy định.
Được biết, Điều 30 Nghị định 46 nêu rõ: Từ 1/1/2017, phạt tiền từ 100.000-200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 -400.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô không làm thủ tục đăng ký sang tên xe theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, điều chuyển, thừa kế tài sản là xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô.
Việc áp dụng quy định sang tên đổi chủ xe được cho là cần thiết để tránh tránh những tranh chấp không đáng có, cũng như giúp đỡ cơ quan chức năng trong công tác quản lý, điều tra, giải quyết các vụ việc liên quan đến phương tiện mô tô, xe máy.
Linh Nhi